CEO Home Credit Việt Nam: 'Tài chính tiêu dùng đang đứng trước bước ngoặt mới'

CEO Pham Ngoc Khang tin rằng sự phát triển của công nghệ, sự thay đổi hành vi tiêu dùng cùng các chính sách mới đang định hình lại thị trường tài chính tiêu dùng.

Tôi như một đứa trẻ kinh ngạc trước những bước nhảy vọt của công nghệ. 30 năm trước, tôi chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ có cả thế giới trong lòng bàn tay như bây giờ”, ông Pham Ngoc Khang, CEO Home Credit Việt Nam bày tỏ.

Chân dung ông Pham Ngoc Khang, Tổng Giám đốc Home Credit Việt Nam. (Ảnh: DN)

Chân dung ông Pham Ngoc Khang, Tổng Giám đốc Home Credit Việt Nam. (Ảnh: DN)

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, ông Khang cho rằng ngành tài chính tiêu dùng đang đứng trước bước ngoặt mới, nơi Home Credit Việt Nam tự tin duy trì vị thế dẫn dắt thị trường thông qua việc tối ưu công nghệ, giúp người tiêu dùng tiếp cận các giải pháp tài chính toàn diện.

Một chu kỳ tăng trưởng mới của tài chính tiêu dùng

Sau thời gian chững lại trước các biến động của thị trường, ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam đang dần phục hồi tích cực và tiến đến giai đoạn phát triển bền vững hơn. Nền kinh tế phục hồi, xuất khẩu và bán lẻ tăng trưởng, cùng sự hỗ trợ liên tục cho FDI và nhu cầu nội địa là những động lực lớn nhất.

Nhìn vào bức tranh kinh doanh của các công ty trong ngành, có thể thấy rõ sự trở lại đầy mạnh mẽ. Đơn cử, tại Home Credit Việt Nam, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2024 đã tăng trưởng 124% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 474 tỷ đồng.

Theo ông Pham Ngoc Khang, thị trường Việt Nam sẽ còn nhiều cơ hội tăng trưởng hơn nữa, bởi tín dụng tiêu dùng hiện chỉ chiếm hơn 10% GDP. Nếu so với mức 40-65% ở các nước châu Á khác như Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, theo thống kê của FiinRatings, con số này còn rất khiêm tốn.

Nhưng cũng bởi vậy, cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt. Tính đến hết tháng 9/2024, Ngân hàng Nhà nước ghi nhận tổng cộng 16 công ty tài chính được cấp giấy phép hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam với tổng vốn điều lệ gần 39.700 tỷ đồng, tăng khoảng 6.600 tỷ đồng so với cuối năm ngoái.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những biến động địa chính trị và nhiều biến số khó lường của nền kinh tế. Chưa kể, khách hàng ngày càng đòi hỏi các dịch vụ được cá nhân hóa, nhanh chóng và tiện lợi hơn.

Từ góc nhìn của người trong cuộc, ông Pham Ngoc Khang tin rằng lĩnh vực tài chính tiêu dùng đang bước vào một giai đoạn mới, nơi sự phát triển của công nghệ, sự thay đổi hành vi tiêu dùng cùng các chính sách mới đang định hình lại thị trường.

Việt Nam đang trên đà trở thành một nền kinh tế số và Home Credit tự hào là một trong những doanh nghiệp tiên phong thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính. Tuy còn nhiều việc phải làm, nhưng sự kết hợp giữa nhu cầu tiêu dùng tăng, áp dụng công nghệ và các chính sách hỗ trợ sẽ tiếp tục thúc đẩy ngành phát triển mạnh mẽ”, ông Khang chia sẻ.

Chiến lược của doanh nghiệp tiên phong

Đứng trước bước ngoặt mới, ông Pham Ngoc Khang gọi đây là cơ hội vàng để Home Credit Việt Nam thể hiện vai trò dẫn dắt và thúc đẩy nền kinh tế số của tương lai. Công ty tài chính số hàng đầu đã chủ động đổi mới để thích ứng với những thay đổi của thị trường.

Trong đó, doanh nghiệp tập trung vào các phân khúc khách hàng tiềm năng, đồng thời đặt khách hàng làm trung tâm trong mọi hoạt động và nỗ lực đổi mới sản phẩm để mang đến những giải pháp tài chính cá nhân hóa, linh hoạt, đơn giản, đem lại trải nghiệm khách hàng tốt nhất. Điều này đặc biệt quan trọng khi một thế hệ tiêu dùng mới đang dần trở thành đối tượng khách hàng chính của Home Credit: Gen Z.

Thông qua việc đầu tư vào trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, doanh nghiệp đã số hóa toàn bộ quy trình vay vốn, từ đăng ký, phê duyệt chỉ trong vòng vài phút, đến hỗ trợ khách hàng 24/7 ngay trên ứng dụng di động Home App.

Song song đó, Home Credit Việt Nam tích cực hợp tác với các sàn thương mại điện tử và nhà bán lẻ để xây dựng hệ sinh thái tài chính số toàn diện. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng, mà còn mang lại trải nghiệm liền mạch từ ngoại tuyến đến trực tuyến.

Tất nhiên, công nghệ chỉ thực sự hiệu quả khi khách hàng cảm thấy an tâm”, ông Khang nói, đồng thời nhấn mạnh Home Credit rất chú trọng đầu tư, áp dụng các biện pháp tiên tiến nhằm bảo vệ thông tin khách hàng.

Mặt khác, ông cho rằng sự an tâm của khách hàng còn phải được xây dựng từ sự minh bạch và kinh doanh có trách nhiệm của các doanh nghiệp. “Đó không chỉ là khẩu hiệu, mà phải là giá trị cốt lõi. Home Credit cam kết mang lại các giải pháp tài chính đáng tin cậy, minh bạch và phù hợp với khả năng của khách hàng”, ông khẳng định.

Kinh doanh có trách nhiệm là giá trị cốt lõi tại Home Credit Việt Nam. (Ảnh: DN)

Kinh doanh có trách nhiệm là giá trị cốt lõi tại Home Credit Việt Nam. (Ảnh: DN)

Thực tế, dưới sự dẫn dắt của ông Khang, Home Credit Việt Nam không chỉ đạt được những kết quả kinh doanh tích cực mà còn luôn duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3%, thấp nhất ngành tài chính tiêu dùng. Doanh nghiệp đề cao hoạt động cho vay có trách nhiệm, đánh giá chính xác khả năng trả nợ của khách hàng, để từ đó cung cấp các giải pháp tài chính minh bạch.

Hướng đến nền kinh tế số tương lai, CEO Home Credit Việt Nam cho rằng công nghệ và con người sẽ đóng vai trò cốt lõi. “Công nghệ có thể thay đổi, nhưng mục tiêu cuối cùng luôn là cải thiện cuộc sống của mọi người”, ông Khang chia sẻ.

Hà An

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/ceo-home-credit-viet-nam-tai-chinh-tieu-dung-dang-dung-truoc-buoc-ngoat-moi-ar913217.html