CEO Lê Hồng Thủy Tiên: Không phải doanh nghiệp muốn chậm lớn

Lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ, không phải doanh nghiệp muốn 'chậm lớn' mà nhiều doanh nghiệp chân chính, đầu tư tìm tòi, học hỏi để lớn và trưởng thành một cách vững chắc nhưng còn vướng cơ chế, thiếu chính sách mang tính chiến lược bền vững.

Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Lê Hồng Thủy Tiên.

Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Lê Hồng Thủy Tiên.

Trước quan điểm cho rằng "doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành" của PGS.TS Trần Đình Thiên tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 sáng ngày 19/9, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Lê Hồng Thủy Tiên chia sẻ, không phải doanh nghiệp muốn chậm lớn.

"Ngoài những doanh nghiệp rất liều đã dùng thuốc 'tăng trọng' lớn nhanh để ngã bệnh, thậm chí 'lăn đùng ra chết yểu' thì vẫn có rất nhiều chân chính chịu khó đầu tư, học hỏi muốn lớn và trưởng thành một cách bài bản nhưng bị vướng cơ chế cũng như thiếu các chính sách mang tính chiến lược và bền vững", bà Tiên cho biết.

Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, giai đoạn năm 2021-2022, doanh nghiệp Việt Nam rơi vào khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, giãn cách xã hội lạm phát tăng cao, giá xăng dầu tăng, cước vận tải tăng... Đến năm 2023, doanh nghiệp lại tiếp tục đối mặt loạt khó khăn khác, đến từ thương mại toàn cầu giảm, loạt đơn hàng bị hủy, doanh số sụt giảm…

"Khó khăn chồng chất khó khăn, do đó, các doanh nghiệp cần cơ chế, chính sách đột phá nhằm tăng cường nội lực và vượt khó", bà Tiên nhấn mạnh.

Về chính sách thuế tài chính, hỗ trợ lãi vay, theo lãnh đạo doanh nghiệp, cần có giải pháp cụ thể cho từng nhóm doanh nghiệp, có cơ quan độc lập đánh giá các hỗ trợ cho doanh nghiệp để điều chỉnh hỗ trợ một cách hiệu quả hơn.

Cần dỡ bỏ những rào cản đối với doanh nghiệp, rà soát những quy định thiếu thực tế, không đặt ra những quy định cao hơn khu vực hoặc thế giới hoặc cao hơn mức cần thiết để tránh lãng phí nguồn lực doanh nghiệp.

Về cơ chế, chính sách phát triển du lịch, Chính phủ cần xem xét ban hành các chính sách đặc biệt nhằm kích cầu du lịch như chính sách thương mại trong khu phi thuế quan, xây dựng và thiết lập các trung tâm bán hàng giảm giá trong khu phi thuế quan và cửa hàng miễn thuế dưới phố...

Về chính sách cho trung tâm tài chính, nếu thành lập trung tâm tài chính, Việt Nam sẽ gặt hái được nhiều lợi ích như thu hút vốn, thúc đẩy phát triển các ngành liên quan. Do đó, bà Lê Hồng Thủy Tiên đề xuất các cơ quan chức năng sớm ban hành chính sách để TP HCM triển khai trung tâm tài chính.

Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Liên Thái Bình Dương bày tỏ mong muốn các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cùng các chuyên gia, các doanh nghiệp có sự hợp tác chặt chẽ để tạo hành lang pháp lý hợp lý, thông thoáng, tránh "đổ thừa" do cơ chế để doanh nghiệp có thể thực hiện được những gì luật cho phép, thúc đẩy phát triển, đổi mới.

Chuyên đề 1: Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó.

Chuyên đề 1: Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó.

Loạt chính sách tiền tệ, tài khóa khai thông nguồn vốn cho doanh nghiệp

Đáp lại đề xuất của đại diện doanh nghiệp, phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, thời gian qua trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 và những biến động kinh tế, tài chính của thế giới và khu vực, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ, Bộ đã thực hiện được nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt.

"Bộ Tài chính đã và đang thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí cũng như các loại thu ngân sách nhà nước; thực hiện cải cách hành chính, triển khai hóa đơn điện tử trong một số lĩnh vực", Thứ trưởng thông tin.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, Bộ đang nỗ lực thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công; tăng chi để kích cầu nền kinh tế... Qua đó góp phần giúp cho nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn; giữ ổn định cho nền kinh tế.

Đối với tín dụng, vấn đề được nhiều doanh nghiệp mong mỏi, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua rất linh hoạt, thận trọng, chắc chắn, thực hiện các mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là phối hợp với các chính sách vĩ mô khác để đảm bảo sự cạnh tranh cũng như đảm bảo sự phấn đấu của các NHTM và các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Điển hình nhất là một số công cụ và mong muốn của doanh nghiệp là lãi suất. Ông Đào Minh Tú nhận thấy, điều hành lãi suất là khó nhất trong điều hành kinh tế của lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ. Căn cứ theo chỉ đạo của Chính phủ và tình hình thực tế của nền kinh tế, Phó Thống đốc NHNN cho biết, đã 4 lần giảm lãi suất điều hành NHNN, đồng thời tạo dư địa, tạo thanh khoản cho thị trường, cho nền kinh tế, đặc biệt thanh khoản cho các tổ chức tín dụng để tạo dư địa cho các NHTM có giá vốn rẻ để có thể cho vay lãi suất thấp.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, hạn mức tăng trưởng tín dụng chính là công cụ để điều tiết nền kinh tế và điều tiết chung việc tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lạm phát.

"Năm 2023, NHNN đã nới rất rộng, tạo thông điệp rằng tín dụng sẵn sàng hỗ trợ và mở rộng cho các doanh nghiệp. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục duy trì quan điểm điều hành như vậy. Do đó, cần phải tìm điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá và điều hành chặt chẽ, hợp lý", Phó Thống đốc khẳng định.

Trong lĩnh vực tín dụng, lãnh đạo NHNN cũng thông tin, cơ quan này đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó hạ lãi suất, giãn/hoãn cho những khoản nợ, khoản lãi đến hạn mà chưa trả được thì được kéo dài ít nhất 1 năm; cắt bỏ chi phí, rào cản, thủ tục, phí, điều kiện tiếp cận của NHTM.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ceo-le-hong-thuy-tien-khong-phai-doanh-nghiep-muon-cham-lon-post27056.html