CEO Telegram được tại ngoại, chuyện gì đã xảy ra?

CEO kiêm nhà sáng lập Telegram Pavel Durov bị bắt giữ trong khuôn khổ cuộc điều tra về các hoạt động tội phạm trên nền tảng nhắn tin do ông điều hành.

 CEO kiêm nhà sáng lập Telegram Pavel Durov. Ảnh: New York Times.

CEO kiêm nhà sáng lập Telegram Pavel Durov. Ảnh: New York Times.

Vào ngày 18/8, tỷ phú người Nga Pavel Durov - nhà sáng lập nền tảng Telegram - đã bị chính quyền Pháp cáo buộc nhiều tội danh liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp trên ứng dụng này, theo New York Times.

Kể từ khi Durov bị bắt giữ vào cuối tuần qua, một số người ủng hộ Telegram đã lên án vụ việc, coi đây là ví dụ về sự kiểm duyệt của chính phủ. Sự phổ biến của nền tảng này phần nào được thúc đẩy bởi chính sách kiểm duyệt nội dung lỏng lẻo. Điều này có nghĩa Telegram vừa là một phương tiện giao tiếp quan trọng, vừa là nơi ẩn náu cho các nội dung có hại.

Dưới đây là những thông tin quan trọng về vụ bắt giữ.

Nhiều cáo buộc

Durov bị đưa vào diện điều tra chính thức với nhiều tội danh, bao gồm tội đồng lõa trong việc quản lý một nền tảng trực tuyến hỗ trợ các giao dịch bất hợp pháp và từ chối hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật, theo lời Công tố viên Paris Laure Beccuau trong tuyên bố hôm 28/8.

Bà Beccuau cho biết Durov đã được yêu cầu nộp tiền bảo lãnh 5 triệu euro (khoảng 5,5 triệu USD) và được tại ngoại nhưng phải trình diện tại đồn cảnh sát 2 lần/tuần. CEO này cũng bị cấm rời khỏi đất nước.

Cuộc điều tra trên diện rộng

Durov bị bắt giữ tại sân bay Le Bourget, cách thủ đô Paris khoảng 8 km về phía bắc, sau khi xuống chiếc máy bay tư nhân khởi hành từ Azerbaijan.

Các công tố viên Pháp cho biết Durov bị giam giữ trong khuôn khổ cuộc điều tra trên diện rộng được khởi động từ tháng 7, nhắm vào các hoạt động tội phạm trên nền tảng Telegram.

Hôm 28/8, bà Beccuau cho biết Telegram xuất hiện trong nhiều vụ án hình sự liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em, buôn bán ma túy và thù ghét trực tuyến. Tuy nhiên, nền tảng này đã “gần như hoàn toàn không hợp tác” với các yêu cầu từ công tố viên Paris. Các công tố viên khác trên khắp nước Pháp, cũng như các cơ quan pháp lý khác ở châu Âu, cũng có “nhận xét tương tự”, bà lý giải.

Sự phổ biến của Telegram

Nền tảng Telegram được thành lập vào năm 2013, hiện có hơn 900 triệu người dùng và phổ biến ở các quốc gia như Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Nga và Ukraine. Sự giám sát lỏng lẻo của Telegram đối với hoạt động của người dùng tạo ra không gian giúp mọi người giao tiếp và chia sẻ tin tức. Song điều đó cũng khiến ứng dụng này trở thành công cụ cho các tổ chức khủng bố, tội phạm buôn bán ma túy và các nhóm cực đoan cánh hữu.

Telegram hoạt động như một ứng dụng nhắn tin tiêu chuẩn, tương tự iMessage hay WhatsApp, song cũng có các kênh và nhóm nơi một số lượng lớn tài khoản có thể trao đổi thông tin.

Trong một tuyên bố, Telegram cho biết họ “tuân thủ luật pháp của Liên minh châu Âu, bao gồm Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA)”. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu cho biết vụ bắt giữ CEO Durov tại Pháp không liên quan đến đạo luật này, mà là yêu cầu các dịch vụ trực tuyến giám sát nền tảng của họ để tránh nội dung bất hợp pháp.

“Vụ bắt giữ được tiến hành theo luật hình sự Pháp. Việc vi phạm DSA không có khả năng dẫn đến truy tố hình sự”, một phát ngôn viên của ủy ban cho biết hôm 27/8.

 Pháp cáo buộc CEO Durov và Telegram không hợp tác trong các cuộc điều tra. Ảnh: New York Times.

Pháp cáo buộc CEO Durov và Telegram không hợp tác trong các cuộc điều tra. Ảnh: New York Times.

Cuộc tranh luận về tự do ngôn luận

Vụ bắt giữ Durov đã tạo ra một làn sóng tranh cãi, khiến CEO này trở thành nhân vật anh hùng trong mắt những người lo ngại về quyền tự do ngôn luận và sự kiểm duyệt của chính phủ, đặc biệt khi việc giám sát nội dung trực tuyến ngày càng gia tăng trên toàn cầu.

Elon Musk, chủ sở hữu Twitter/X và Edward Snowden, cựu nhân viên tình báo Mỹ đã chạy trốn đến Nga sau khi tiết lộ thông tin mật, là những người nhanh chóng lên tiếng bảo vệ Durov. Hashtag #FreePavel (Trả tự do cho Pavel) cũng lan rộng trên Twitter/X.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bác bỏ các cáo buộc về việc kiểm duyệt, khẳng định vụ bắt giữ “không phải một quyết định mang tính chính trị” và rằng đất nước ông cam kết bảo vệ “tự do ngôn luận”.

Mục đích của Durov

Tỷ phú Durov, 39 tuổi, sinh ra tại Nga và chuyển đến sống cùng gia đình ở miền Bắc Italy khi còn nhỏ, sau đó trở lại Nga vào đầu những năm 1990. Vào năm 2006, Durov phát triển mạng xã hội Vkontakte và nhanh chóng thống trị thị trường trực tuyến của Nga, thu hút sự chú ý từ Điện Kremlin. Chính phủ Nga đã yêu cầu nền tảng này cung cấp thông tin về người dùng.

Do đó, Durov bắt đầu xây dựng Telegram như một không gian giao tiếp an toàn hơn. Ông rời Nga vào năm 2014 sau khi mất quyền kiểm soát Vkontakte và cuối cùng định cư tại Dubai, nơi ông cho rằng chính phủ sẽ không can thiệp vào công việc kinh doanh của mình.

Trong những năm qua, Telegram đã gỡ bỏ một số nội dung, chẳng hạn nội dung lạm dụng tình dục trẻ em hoặc các bài viết kích động bạo lực rõ ràng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng thường xuyên bất bình với sự thiếu hợp tác của CEO này.

Theo Surfshark, nhà sản xuất phần mềm VPN được sử dụng để tránh các hạn chế trên Internet, Telegram đã đối mặt với lệnh cấm tạm thời hoặc vĩnh viễn tại 31 quốc gia.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/ceo-telegram-duoc-tai-ngoai-chuyen-gi-da-xay-ra-post1494660.html