CEO Vietnam Airlines: Sẽ thuê ướt 4 máy bay trong cao điểm Tết

Để đáp ứng nhu cầu vận tải cao điểm Tết sắp tới trong khi số máy bay đang khai thác giảm, Vietnam Airlines tiến hành lựa chọn thuê ướt đến 4 máy bay

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của Vietnam Airlines ngày 16-12, có ý kiến cổ đông băn khoăn trước thông tin Prat Whitney - Công ty Mỹ chuyên sản xuất động cơ máy bay - sẽ tiến hành triệu hồi khoảng 3.000 động cơ máy bay A320Neo của các hãng bay trên thế giới vào năm 2024 để kiểm tra kỹ thuật đảm bảo khả năng khai thác của dòng này. Được biết, Việt Nam có nhiều hãng hàng không sử dụng máy bay có động cơ này, liệu có ảnh hưởng đến khai thác.

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà phát biểu

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà phát biểu

Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho biết căn cứ vào thông tin từ Prat Whitney, Vietnam Airlines có khoảng 12 máy bay phải tháo động cơ xuống để kiểm tra nên sẽ ảnh hưởng khai thác.

"Bên cạnh đó, do đứt gãy chuỗi cung ứng nên thời gian sửa chữa kéo dài. Trước đây, việc này thông thường mất khoảng 75-90 ngày nhưng hiện nay sẽ kéo dài lên khoảng hơn 200 ngày. Vietnam Airlines tiến hành quản trị thời gian đảm bảo động cơ được bảo dưỡng nhanh nhất đưa vào khai thác"- ông Hà nói.

Để đáp ứng nhu cầu vận tải cao điểm Tết sắp tới, Vietnam Airlines tiến hành lựa chọn thuê ướt đến 4 máy bay giai đoạn này (thuê ướt là thuê cả máy bay lẫn nhân lực phục vụ - PV).

Đồng thời, trong năm 2024, các phương án kế hoạch đội máy bay tiếp tục được Vietnam Airlines theo dõi và triển khai, không phải quyết định được từ hãng mà phụ thuộc vào bên cho thuê. Trong năm, Vietnam Airlines sẽ nhận thêm 2 máy bay Boeing 787-10, 3 chiếc Airbus A350. Vietnam Airlines sẽ thuê ướt, thuê khô máy bay và theo dõi thực tế diễn biến thị trường để điều hành chủ động trong năm 2024.

Nhìn nhận về tình hình kinh doanh hàng không năm 2023, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết sau khi hàng loạt các quốc gia mở cửa hoàn toàn, các đường bay nội địa và quốc tế thường lệ đến các nước được nối lại đã giúp ngành hàng không duy trì hoạt động vận chuyển hành khách, cân đối được dòng tiền trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, đà phục hồi thị trường vận tải hàng không chỉ diễn ra khá mạnh mẽ trong 4 tháng đầu năm và đã có xu hướng chậm lại trong quý 2. Hoạt động vận tải hàng không quốc tế vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức trước đại dịch; các yếu tố đầu vào quan trọng (giá nhiên liệu, lãi suất) tuy đã bình ổn hơn nhưng vẫn ở mức cao. Trong 6 tháng cuối năm 2023 hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn do các yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu tăng cao, tỉ giá USD diễn biến bất lợi và khó lường.

Nhìn chung, thị trường hàng không thế giới năm 2023 quay về mức 90% so với 2019, trong đó có thị trường Mỹ và Bắc Mỹ, châu Âu. Còn khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, tăng trưởng chậm so với mức bình quân chung của thế giới và vẫn là "vùng trũng" phục hồi hàng không.

"Các hãng hàng không Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc rất lớn khi tổng tải cung ứng chiếm 25-30%. Khi thị trường hàng không nước bạn chưa phục hồi cũng sẽ ảnh hưởng đến hãng bay Việt. Các đường bay đến châu Âu, Úc tải cung ứng của Vietnam Airlines quay về gần tương đương so với 2019 và hãng cũng đã tăng tần suất hoặc mở thêm các đường bay mới này"- ông Hà thông tin thêm.

Trong khi đó, vận tải hàng không nội địa rất khác thường, chưa quay về đà phục hồi như năm 2022. Quý 1, 2 năm 2023 tăng trưởng tốt nhưng quý 3 sức mua chậm dẫn đến cao điểm hè không như kỳ vọng. Quý 4/2023 tổng thị trường vận tải hàng không nội địa thấp hơn 2019 khoảng 10%. Ông Hà nhận định đây cũng là xu thế và diễn biến sẽ diễn ra vào năm 2024.

Đánh giá thị trường hàng không năm 2024 vẫn còn rất nhiều thách thức, theo CEO Vietnam Airlines, thị trường vận tải hàng không thế giới sẽ phục hồi về giai đoạn trước dịch COVID-19 (năm 2019). Tuy nhiên, dự báo khu vực châu Á-Thái Bình Dương khả năng phục hồi sẽ thấp hơn 1-2 điểm so với năm 2019.

"Kinh tế thế giới sụt giảm, xung đột địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng là rủi ro, các yếu tố tác động mạnh đến sự phục hồi của thị trường vận tải hàng không. Năm 2024, Vietnam Airlines xây dựng phương án kịch bản cao để sẵn sàng nguồn lực phi công, tiếp viên, kỹ sư và dự báo thị trường vận tải hàng không thế giới quay về 90% so với năm 2019. Do đó, Hãng sẽ mở thêm nhiều đường bay Việt Nam-Trung Quốc đồng thời theo dõi diến biến của thị trường để điều chỉnh về tải cung ứng"- ông Hà nói.

Cơ hội để Vietnam Airlines lấy lại một phần thị trường

Cổ đông cũng nêu câu hỏi liên quan đến những thay đổi trong thị trường hàng không năm 2023 như việc đội máy bay của Bamboo Airways giảm từ 30 máy bay xuống còn 9 chiếc; điều chỉnh mạng lưới bay giảm bay quốc tế, tập trung bay nội địa...

Theo Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, đánh giá trên nhu cầu thực tế của thị trường và khả năng của Vietnam Airlines, hãng đã chủ động điều chỉnh tải cung ứng đường bay quốc tế và quốc nội. Việc này nhằm phần nào đáp ứng nhu cầu thị trường sự giảm sút tải cung ứng của Bamboo Airways, cũng là cơ hội của hãng lấy lại một phần thị trường.

Về nguồn nhân lực, trước ý kiến cho rằng đây cũng là cơ hội Vietnam Airlines tìm kiếm nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của hãng, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết hãng cũng phải cân đối trong cả Vietnam Airlines Group vì hiện Pacific Airlines đang tái cơ cấu nên cần đặt vấn đề sử dụng chung nguồn lực. Cơ hội sử dụng nguồn lực lao động chất lượng cao từ Bamboo Airways đang được đánh giá và khả năng sử dụng vào đúng vị trí mà Vietnam Airlines cần.

Dương Ngọc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ceo-vietnam-airlines-se-thue-uot-4-may-bay-trong-cao-diem-tet-196231216173049467.htm