CEPAL cảnh báo tác động của COVID-19 đối với Mỹ Latinh và Caribe
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) buộc phải điều chỉnh hạ dự báo tăng trường của khu vực này xuống mức suy giảm 1,8%.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, Giám đốc Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc, bà Alicia Bárcena, cảnh báo khu vực này sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và cần phải có một mô hình phát triển mới.
Trong phát biểu ngày 2/4, Giám đốc CEPAL nhận định đây là cuộc khủng hoảng y tế lớn nhất mà nhân loại phải đối phó trong nhiều năm trở lại đây với những tác động sâu sắc về kinh tế và xã hội, song các quyết định trọng tâm vẫn phải ưu tiên bảo vệ sức khỏe của người dân.
Bà Bárcena cho rằng tác động kinh tế đối với khu vực Mỹ Latinh chủ yếu là do hoạt động của các đối tác thương mại chính sụt giảm, giá nguyên liệu "lao dốc," chuỗi giá trị toàn cầu gián đoạn, hoạt động du lịch ở khu vực Caribe ngưng trệ, cũng như do các điều kiện tài chính suy yếu.
Theo dự báo được CEPAL đưa ra hồi tháng 12 vừa qua, kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribe có thể đạt mức tăng trưởng 1,3% trong năm 2020.
Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19 hiện nay, cơ quan này đã buộc phải điều chỉnh hạ dự báo xuống mức suy giảm 1,8%.
Giá trị xuất khẩu của khu vực có thể cũng rơi xuống mức âm 10,7%, qua đó có thể khiến tình trạng thất nghiệp gia tăng, số lượng người nghèo có thể tăng từ 186 triệu lên tới 220 triệu, trong khi số người trong diện nghèo cùng cực sẽ tăng từ 67,5 triệu lên 90,8 triệu.
Bà Bárcena nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, cần phải có một gói kích thích tài chính lớn để củng cố các dịch vụ y tế, bảo vệ thu nhập và việc làm, duy trì việc cung cấp thuốc men, thực phẩm và năng lượng, đảm bảo chăm sóc y tế cho tất cả mọi người và tài trợ cho các chương trình an sinh xã hội dành cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Giám đốc CEPAL Bárcena cũng kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và các biện pháp bao vây cấm vận đơn phương khiến cho người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ và hàng hóa cần thiết.
Bên cạnh đó, bà khẳng định tại thời điểm này, vấn đề nhân đạo phải được ưu tiên trên những khác biệt chính trị và sức khỏe của người dân không thể là "con tin" cho những tranh chấp về địa chính trị./.