CEPAL: Kinh tế Mỹ Latinh sẽ tăng trưởng âm 5,3% năm 2020 do dịch COVID
CEPAL nhận định trừ Cộng hòa Dominicana tất cả quốc gia khác trong khu vực trên sẽ ghi nhận mức sụt giảm kinh tế trong năm 2020.
Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc ngày 21/4 (giờ địa phương) dự báo dịch COVID-19 sẽ khiến kinh tế của khu vực này tăng trưởng âm 5,3% trong năm 2020 và kéo theo khủng hoảng xã hội trầm trọng với hàng triệu người rơi vào nghèo đói và thất nghiệp.
Trong một báo cáo cập nhật về hoạt động kinh tế khu vực trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng, CEPAL nhận định trừ Cộng hòa Dominicana tất cả quốc gia khác trong khu vực trên sẽ ghi nhận mức sụt giảm kinh tế trong năm 2020.
Trong đó, Venezuela dẫn đầu danh sách với mức tăng trưởng âm 18%, tiếp theo sau là Argentina, Mexico và Ecuador với mức sụt giảm 6,5%.
Xét trên góc độ khu vực, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Nam Mỹ sẽ tăng trưởng âm 5,2% trong năm 2020 do sự phụ thuộc cao vào xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc và giá nguyên liệu giảm.
Trong khi đó, GDP của khu vực Trung Mỹ dự kiến tăng trưởng âm 2,3% do sự “sụp đổ” trong lĩnh vực du lịch cũng như suy giảm trong các hoạt động kinh tế tại Mỹ, đối tác thương mại chính và là nguồn cung cấp kiều hối quan trọng cho khu vực.
CEPAL cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe tăng mạnh, với gần 11,6 triệu người mất việc làm. Trong khi đó, tỷ lệ người cực nghèo ở khu vực này sẽ tăng thêm 16 triệu người.
Trước đó, vào tháng 12/2019, CEPAL đã dự báo kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribe sẽ tăng trưởng 1,3% trong năm 2020 trong bối cảnh suy thoái chung.
Tuy nhiên, trước tình hình hiện tại, cơ quan này đã đánh giá khủng hoảng kinh tế do COVID-19 gây ra còn nghiêm trọng hơn cả Đại Suy thoái năm 1930.
Theo CEPAL, kinh tế suy giảm mạnh khiến gần 30 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 11,5% (tương đương 37,7 triệu người), tăng 3,4 điểm phần trăm so với năm 2019.
Dịch COVID-19 bùng phát trong khu vực Mỹ Latinh và Caribe với hơn 100.000 người mắc cho tới thời điểm hiện tại là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng nhất của khu vực trong vòng nhiều thập niên, với những tác động tiêu cực tới việc làm, cuộc chiến chống nghèo đói và giảm bất bình đẳng.
Dịch COVID-19 “tấn công” Mỹ Latinh vào thời điểm nền kinh tế khu vực gặp khó khăn trong việc nới rộng chi tiêu ngân sách do nợ tăng, tăng thanh toán lãi suất và nguồn thu ngân sách hạn chế.
Thời điểm hiện tại, nguồn thu ngân sách của các quốc gia trong khu vực sẽ giảm mạnh do sự suy giảm của các hoạt động kinh tế và giá nguyên liệu giảm mạnh./.