CES 2023: Các công ty internet vạn vật và thiết bị di động áp dụng tiêu chuẩn toàn cầu mới
Những tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực internet vạn vật (IoT) và thiết bị điện tử di động đã bắt đầu áp dụng một tiêu chuẩn toàn cầu mới hứa hẹn sẽ xoa dịu lo ngại về tính tương thích và bảo mật.
Các công ty Trung Quốc nằm trong số đối tượng áp dụng nhiều nhất khi đang tìm cách giải quyết sự giám sát từ Mỹ và người tiêu dùng.
CES 2023, triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới tại thành phố Las Vegas (Mỹ), vừa kết thúc tối 8.1.
Các công ty IoT ở CES 2023 đang thúc đẩy việc tích hợp giao thức Matter của họ, được thiết lập để trở thành tiêu chuẩn thống nhất trong ngành vốn quy tụ các đối thủ lớn như Google, Apple và Huawei (công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt), khi họ tìm cách giải quyết sự không tương thích giữa các sản phẩm IoT từ các thương hiệu khác nhau và khuyến khích người tiêu dùng chấp nhận.
Giao thức Matter sẽ cho phép nhiều loại thiết bị thông minh (hiện có 550 sản phẩm được chứng nhận) hoạt động với nhau và với ứng dụng yêu thích của người dùng, dù đó là Google Home, ứng dụng Home của Apple trên iPhone, iPad hay một số nền tảng cạnh tranh khác. Matter được quản lý bởi Liên minh Tiêu chuẩn Kết nối (CSA), trước đây là Liên minh Zigbee, 1/5 trong số đó là các công ty Trung Quốc.
“Khi bạn nhìn vào IoT như một người tiêu dùng, điều đó thực sự khó thực hiện. Vậy làm thế nào để bạn làm điều đó dễ dàng? Bạn phải có tất cả mọi người trong phòng… Nó không nên chỉ là tiêu chuẩn của Trung Quốc, không nên chỉ là tiêu chuẩn của Mỹ, mà là một tiêu chuẩn toàn cầu”, Giám đốc điều hành CSA - Tobin Richardson cho biết trong một cuộc phỏng vấn với SCMP.
Một công ty nhiệt tình áp dụng Matter là Tuya, nhà sản xuất thiết bị IoT có trụ sở tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) đã phát triển thành một trong những thương hiệu lớn nhất trên thị trường. Các sản phẩm của Tuya gồm từ camera an ninh gia đình đến bộ điều khiển nhiệt độ thông minh.
Tuya thu hút sự chú ý vào 2021 khi có đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn thứ hai ở Mỹ năm đó với một công ty Trung Quốc. Tuya cũng niêm yết ở Hồng Kông. Cuối năm đó, Marco Rubio, Rick Scott và Tom Cotton, ba thượng nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa, đã lên tiếng chỉ trích Tuya về những gì họ cho là lo ngại về an ninh quốc gia.
Bất ổn chính trị ở Mỹ đã không ngăn cản các công ty Trung Quốc như Tuya tiến lên phía trước và tìm kiếm giải pháp để xoa dịu lo lắng. Giao thức Matter cung cấp một cách để giải quyết những lo ngại vì đây là dự án nguồn mở và CSA có nhiều đối tác trên toàn cầu.
“Chúng tôi tham gia rất nhiều với việc đồng xây dựng trong liên minh và để hoàn thành phiên bản Matter 1.0 trong ba năm qua. Chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ trong cộng đồng, gồm cả những hãng bán dẫn như Silicon Labs và với một số công ty lớn như Amazon, Apple, Google”, Alex Yang Yi, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Tuya, nói với SCMP.
Tuya là 1 trong 29 thành viên hội đồng quản trị CSA, tham gia một số Big Tech (hãng công nghệ lớn) quốc tế cùng 6 công ty Trung Quốc, trong đó có Haier, Oppo, Vivo, Xiaomi và Huawei.
Dù đang gặp khó khăn do lệnh trừng phạt của Mỹ, Huawei cũng nằm trong số này, cho thấy CSA đã trở thành một “cái lều” lớn như thế nào. Tổng số thành viên chính thức đạt gần 600 vào năm ngoái.
Tobin Richardson cho biết CSA đã làm việc để nâng cao tiêu chuẩn bảo mật cho các thiết bị IoT, gồm cả việc thành lập một nhóm làm việc về bảo mật sản phẩm. Là một tổ chức toàn cầu, CSA chào đón tất cả nhà sản xuất. Ông nói: “Khi tham gia vào liên minh, họ quy định các nguyên tắc cởi mở của chúng tôi”.
Mã của Matter cũng có sẵn công khai trong kho lưu trữ GitHub để mọi người xem xét. GitHub là dịch vụ cung cấp kho lưu trữ mã nguồn Git dựa trên nền web cho các dự án phát triển phần mềm.
Tuya chỉ là một trong nhiều nhà sản xuất thiết bị từ Trung Quốc tại CES 2023 với logo Matter được trưng bày nổi bật trên gian hàng của mình. Thương hiệu chiếu sáng thông minh Leedarson (có trụ sở tại thành phố Hạ Môn, Trung Quốc) cùng hãng sản xuất bộ nguồn và bộ định tuyến TP-Link (có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc) cũng nằm trong số những công ty hứa hẹn khả năng tương thích với Matter.
Tuya là công ty IoT Trung Quốc hiếm hoi xuất hiện tại CES 2023 sau khi bị các chính trị gia Mỹ gọi tên, đồng thời tránh tình trạng như nhiều công ty đồng hương khác bị đưa vào danh sách đen thương mại (danh sách thực thể) đáng sợ của Mỹ. Các công ty xuất hiện trong danh sách đó bị cấm mua sản phẩm từ các doanh nghiệp Mỹ mà không được phép.
“Tôi không thể nói cho bạn biết chúng tôi hào hứng như thế nào. Cuối cùng chúng tôi có thể khiến cộng đồng đồng ý rằng chúng tôi nên đặt bảo mật là một trong những ưu tiên hàng đầu”, Alex Yang Yi nói.
Khả năng tương thích rộng rãi cũng có thể giúp các thương hiệu Trung Quốc duy trì khả năng cạnh tranh trong bối cảnh lo ngại về sự tách rời công nghệ Mỹ - Trung. CSA cũng hy vọng rằng Matter sẽ có thể giải quyết một số vấn đề sau khi ngành công nghiệp IoT “đạt mức trần tự nhiên”, theo Tobin Richardson.
Về cách các công ty thực sự quản lý dữ liệu họ thu thập, đó không phải là điều mà Matter có thể giải quyết. Tuy nhiên, vấn đề là trên tầm ngắm của CSA.
Tobin Richardson cho biết CSA có một sáng kiến mới trong lĩnh vực này, nhưng có thể mất vài năm để đưa ra các phương pháp hay nhất về tính minh bạch liên quan đến quản lý và theo dõi dữ liệu.
Matter đang được triển khai thông qua các bản cập nhật cho những thiết bị hiện có hỗ trợ tiêu chuẩn. Các thiết bị được cài đặt sẵn Matter sẽ bắt đầu được bán vào mùa xuân, với TP-Link cho biết phích cắm thông minh hỗ trợ Matter đầu tiên của họ sẽ được bán vào tháng 3.