'Cha của các loại bom' GBU-57: Nặng 13.607kg, xuyên vào lòng đất trước khi nổ
Chỉ riêng kích thước và trọng lượng của GBU-57 đã làm nó khác biệt so với các loại vũ khí khác, nhưng ý nghĩa thực sự của loại bom này nằm ở khả năng xuyên sâu vào lòng đất trước khi phát nổ.
Được một số người trong quân đội Mỹ gọi là "Cha của các loại bom", GBU-57 là bom phi hạt nhân lớn nhất của Mỹ. GBU-57 là một trong những hệ thống vũ khí phi hạt nhân chủ yếu mà máy bay ném bom tàng hình tầm xa B-2 Spirit được thiết kế để mang theo.
GBU-57 được phát triển từ đầu những năm 2000 và đứng đầu trong số các vũ khí mạnh mẽ nhất thuộc kho vũ khí của quân đội Mỹ.
Được phát triển bởi Boeing dưới sự chỉ đạo của Không quân Mỹ, loại bom dẫn đường này được thiết kế để phá hủy các mục tiêu được chôn sâu dưới đất và củng cố vững chắc. Với sức tàn phá khủng khiếp và thiết kế tinh vi, GBU-57 là công cụ quan trọng trong chiến tranh hiện đại, đặc biệt là trong các tình huống đối đầu với các quốc gia có cơ sở hạ tầng ngầm.
GBU-57 được thử nghiệm lần đầu vào năm 2007 và trải qua nhiều lần nâng cấp để cải thiện khả năng xuyên thấu, độ chính xác. Năm 2011, Không quân Mỹ tuyên bố, bom đã sẵn sàng hoạt động.
Với trọng lượng khoảng 13.607kg, GBU-57 là một trong những bom phi hạt nhân lớn nhất từng được chế tạo. Chỉ riêng kích thước và trọng lượng của nó đã làm nó khác biệt so với các loại vũ khí khác, nhưng ý nghĩa thực sự nằm ở khả năng xuyên sâu vào lòng đất, đâm thủng bê tông và thép, trước khi phát nổ. Điều này đảm bảo gây thiệt hại tối đa cho các mục tiêu nằm sâu dưới lòng đất.

GBU-57 là bom phi hạt nhân lớn nhất của Mỹ.
GBU-57 được trang bị hệ thống định vị dẫn đường GPS, đảm bảo độ chính xác cao ngay cả khi nhắm vào các cấu trúc nằm sâu dưới lòng đất. Độ chính xác này rất quan trọng, vì GBU-57 được sử dụng để tấn công các mục tiêu có giá trị cao và có ý nghĩa chiến lược, nơi thiệt hại phụ cần phải được giảm thiểu tối đa. Việc tích hợp công nghệ tàng hình vào nền tảng phóng của nó, B-2, càng tăng cường hiệu quả của bom bằng cách cho phép nó tránh được radar và phòng thủ trên không của đối phương.
Thực tế, GBU-57 là một công cụ chuyên biệt chứ không phải vũ khí dành cho mục đích sử dụng rộng rãi. Điều này khiến chính phủ Israel thất vọng, vì Mỹ, dù đã chia sẻ rất nhiều vũ khí tiên tiến khác nhưng vẫn từ chối chuyển giao bom nặng khoảng 13.607kg này cho bất kỳ quốc gia nào.
Khả năng của bom trong việc phá hủy các mục tiêu như vậy mà không phải dùng đến vũ khí hạt nhân mang lại cho các nhà hoạch định quân sự một lựa chọn phi hạt nhân mạnh mẽ, giúp thu hẹp khoảng cách giữa chiến tranh thông thường và hạt nhân.
Cần lưu ý rằng vũ khí này không phải không có vấn đề. Một số nhà phân tích đã đặt câu hỏi về tính hiệu quả về chi phí của nó, khi xét đến giá trị ước tính của mỗi quả bom lên đến khoảng 20 triệu USD và số lượng tình huống cần sử dụng bom như vậy là hạn chế.
Ngoài ra, việc bom phụ thuộc vào máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit đã cũ (và cũng rất đắt đỏ) cũng gây ra mối lo ngại về khả năng hoạt động lâu dài của nó. Không quân Mỹ đang cố gắng điều chỉnh máy bay B-21 Raider (thay thế B-2, để có thể mang theo GBU-57, nhưng B-21 sẽ không hoạt động trong nhiều năm nữa.
Một thách thức khác đối với GBU-57 là bản chất thay đổi của chiến tranh. Khi các đối thủ phát triển các biện pháp đối phó, như hầm trú ẩn sâu hơn hoặc các trung tâm chỉ huy phân tán, hiệu quả của GBU-57 có thể bị giảm sút. Dù một loạt các nâng cấp có thể giữ cho nó vẫn có giá trị, nhưng vẫn có một cuộc tranh luận liệu các nguồn lực có nên được chuyển sang các công nghệ mới nổi, như vũ khí siêu thanh.
Thế Hải (Theo National Interest)