'Cha đẻ' VinFast quyết tâm tất tay vào giấc mơ xe điện
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định, ông có đủ khả năng để đưa VinFast vượt qua tất cả các thách thức, khó khăn, khẳng định thương hiệu xe điện Việt Nam trên thị trường Mỹ.
Nhân dịp kỷ niệm 5 năm khánh thành nhà máy sản xuất ô tô VinFast (14/6/2019 - 14/6/2024), Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đã có những chia sẻ trong cuộc phỏng vấn độc quyền của Tạp chí Bloomberg (Mỹ) tại trụ sở Vingroup (quận Long Biên, Hà Nội).
Mặc dù mới chỉ bắt đầu sản xuất xe được khoảng 5 năm, thế nhưng hiện tại, VinFast đang cạnh tranh với các "đại gia" xe điện như Tesla hay Hyundai khi bước chân vào thị trường Mỹ. Ngoài ra, VinFast cũng đang mở rộng thị trường tại Ấn Độ và Indonesia.
Khi được hỏi còn hỗ trợ tài chính cho VinFast đến bao giờ, ông Phạm Nhật Vượng trả lời dứt khoát: “Cho đến khi tôi hết tiền thì thôi”.
Hiện tại, ông Phạm Nhật Vượng đang là tỷ phú giàu nhất Việt Nam khi sở hữu khối tài sản khoảng 5,3 tỷ USD. Ông tự tin rằng ông có thể đưa VinFast vượt qua các thách thức trong bối cảnh một số hãng xe điện toàn cầu như Toyota hay Volkswagen đang gặp khó khăn.
Được biết, VinFast niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ hồi tháng 8/2023. Trong 2 tuần đầu tiên, giá cổ phiếu VFS tăng "phi mã" 700%. Tuy giá cổ phiếu đến nay đã giảm và tỷ lệ cổ phiếu thả nổi chỉ khoảng 2%, nhưng ông Phạm Nhật Vượng khẳng định: “Chúng tôi không quan tâm đến giá cổ phiếu vào lúc này và không vội vàng đưa thêm cổ phiếu ra thị trường. Tỷ lệ thả nổi không ảnh hưởng đến các nhà đầu tư lớn và dài hạn”.
Hồi giữa tháng 5/2024, cổ phiếu VFS trên sàn Nasdaq (Mỹ) đã cán mốc 6,32 USD/cổ phiếu, tăng gần 30% và là mức cao nhất kể từ đầu năm 2024 đến nay.
Theo trangCompaniesMarketcap, nhờ cổ phiếu liên tục tăng giá, vốn hóa thị trường của VinFast thời điểm đó đã đạt khoảng 14,8 tỷ USD, đưa VinFast lên vị trí thứ 4 trong danh sách các nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới.
Theo một số chuyên gia nhận định, cổ phiếu VFS tăng mạnh do hiệu ứng từ sự kiện đặt cọc sớm xe điện VF 3 tại Việt Nam. Được biết, sau gần 3 ngày mở bán, VinFast ghi nhận 27.649 đơn đặt cọc cho VF 3, tức là trung bình 8,6 giây sẽ có 1 đơn đặt cọc.
VinFast đang đối mặt với nhiều thách thức để trở thành thương hiệu thành công trên phạm vi toàn cầu. Các "đối thủ" xe điện Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu xe điện giá rẻ, còn Tesla đang giảm giá xe. VinFast cũng đang gặp nhiều thách thức ở Mỹ.
Quý I/2024, VinFast đã bàn giao 9.689 xe, nhưng con số này mới chỉ chiếm khoảng 10% tổng kế hoạch dự kiến (100.000 xe).
Nhà phân tích Ken Foong của Bloomberg Intelligence nhận định, VinFast cần xây dựng thương hiệu và cạnh tranh với các đối thủ lớn. Chuyên gia này khẳng định: “Sẽ không dễ để thành công tại Mỹ, điều đó đòi hỏi nhiều thời gian và tiền đầu tư”.
Từ năm 2017 đến nay, Vingroup và các công ty thành viên, các tổ chức tài chính đã cung cấp cho VinFast khoảng 12,9 tỷ USD. Hiện tại, VinFast đang xây nhà máy ở Bắc Carolina, đã khởi công ở Ấn Độ và có kế hoạch xây nhà máy ở Indonesia.
Ông Vượng cho biết: "VinFast sẽ sớm đạt điểm hòa vốn và có thể tự chủ". Chủ tịch Vingroup khẳng định, việc thúc đẩy mạnh mẽ VinFast nhằm đưa ngành sản xuất của Việt Nam lên tầm quốc tế, bởi "VinFast không chỉ là một dự án kinh doanh, mà còn là một dự án cống hiến". VinFast không sản xuất xe giá rẻ, mà tập trung vào những sản phẩm chất lượng và có giá thành hợp lý,
Về kế hoạch kinh doanh tại Mỹ, ông Vượng cho biết doanh thu năm nay ở thị trường này sẽ tăng 30 - 40 lần và đà tăng sẽ duy trì trong 5 năm tới.
Chiến lược hiện nay của VinFast là phát triển mạng lưới đại lý để tăng doanh số bán hàng, đồng thời triển khai tiếp thị trực tiếp để khách hàng tự mình trải nghiệm xe.