Cha mẹ đừng làm 9 điều này với con nữa
Đôi khi, cha mẹ giúp đỡ con cái quá nhiều. Tuy nhiên, người lớn không thể sống cuộc đời thay con. Nhiệm vụ của phụ huynh là giúp con trưởng thành và có trải nghiệm riêng của mình.
1. Trả lời thay con: Từ những câu hỏi đơn giản như "Con tên gì?", cha mẹ thường vội vàng đáp lời thay con khi thấy trẻ lưỡng lự. Đa số đều nghĩ việc này là tốt, bởi theo đó con có thể tự học cách trả lời sao cho phải phép. Tuy nhiên, điều này lại khiến trẻ dần quen với việc dựa dẫm vào người lớn và ngại thể hiện ý kiến của mình. Dần dần, chúng sẽ mất đi sự tự tin cần thiết để giao tiếp và ứng xử trong các tình huống xã hội. Ảnh: Freepik.
2. Làm bạn với con: Nhiều bậc phụ huynh cố gắng trở thành bạn của con và họ không muốn con giấu giếm bất cứ điều gì. Chúng ta có thể dễ dàng hiểu lý do cha mẹ muốn điều này, nhưng hãy thử nhìn nhận vấn đề sâu sắc hơn một chút. Thực tế, chỉ những người cùng độ tuổi, vị trí mới có thể hiểu nhau và trở thành bạn bè. Dù là cha mẹ, chúng ta cũng không thể hiểu được tâm lý của các bạn trẻ. Hơn nữa, cha mẹ có một nghĩa vụ khác cao cả hơn một người bạn, đó là quan tâm và yêu thương con. Hãy để trẻ em tìm bạn bè của riêng mình trong số những người cùng tuổi với chúng. Cha mẹ nên ở đó khi trẻ cần tình yêu và sự hỗ trợ. Ảnh: Freepik.
3. Ép con làm thứ cha mẹ muốn: Nhiều phụ huynh thường nhầm lẫn giữa thứ trẻ muốn và thứ trẻ cần. Thay vì tôn trọng sở thích của trẻ, họ áp đặt lên chúng những gì họ cho là tốt, dù là về thức ăn, đồ chơi hay thậm chí là ước mơ. Hành động này không chỉ kìm hãm sự phát triển cá tính của trẻ mà còn khiến chúng cảm thấy bị kiểm soát và nổi loạn.
4. Chọn sở thích thay con: Nhiều cha mẹ cố gắng áp đặt sở thích âm nhạc, đọc sách và phong cách thời trang của mình lên con cái. Có thể là với ý định tốt, nhưng nó làm giảm đi tính cá nhân của một đứa trẻ. Trong nhiều trường hợp, điều đó dẫn đến việc phản kháng, trẻ chọn làm những điều trái ngược. Ảnh: Pexels.
5. Chọn quà hộ con: Khi một đứa trẻ biết nói, chúng có quyền lựa chọn những gì chúng muốn làm quà. Và đó không nhất thiết phải là một chiếc áo phông khác hoặc một món đồ chơi được cho là phát triển trí tuệ. Tất nhiên, không phải lúc nào cha mẹ cũng để con lựa chọn, nhưng nó mang lại cho trẻ em điều quan trọng nhất - khả năng lựa chọn, đưa ra quyết định và đối mặt với hậu quả. Những kỹ năng như vậy giúp con hạn chế những tổn thương trong cuộc sống khi trưởng thành. Ảnh: Pexels.
6. Giúp đỡ con quá nhiều: Trẻ em 3-4 tuổi đã có thể tự mặc/cởi quần áo và cho quần áo bẩn vào máy giặt. Hơn thế nữa, ở độ tuổi này, trẻ thực sự muốn tự làm điều đó. Nhưng nhiều phụ huynh đã làm điều đó thay con với các lập luận "Con bé không thể làm được!". Họ không để con tự làm và cho con thử nghiệm. Không bất ngờ khi sau này, con họ trở thành thiếu niên không gọn gàng hoặc không muốn giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà. Vì vậy, hãy để đứa trẻ tự làm càng nhiều càng tốt. Ảnh: Pexels.
7. Xâm phạm đời sống riêng tư của trẻ: Điều này đặc biệt hạn chế với cha mẹ của thanh thiếu niên. Trẻ em có bạn bè của riêng mình và những buổi hẹn hò đầu tiên. Đó là điều bình thường. Việc thẩm vấn “Cậu bé đó là ai?” sẽ chỉ khiến con bạn khó chịu. Nhiều trẻ em sẽ chia sẻ những điều cá nhân như vậy với cha mẹ nếu chúng cảm thấy an toàn. Ảnh: Freepik.
8. La mắng con chuyện tiền nong: Tiền tiêu vặt là một phần quan trọng trong quá trình học cách quản lý tài chính của trẻ. Thay vì kiểm soát chặt chẽ số tiền của con, hãy tạo cơ hội để con tự quản lý. Việc thường xuyên kiểm tra túi tiền của con sẽ khiến con cảm thấy không được tôn trọng và mất đi sự tin tưởng vào bố mẹ. Cách giải quyết tốt nhất trong trường hợp này là nhẹ nhàng khuyên bảo và đặt ra một kế hoạch tiết kiệm lâu dài, đương nhiên kế hoạch này phải hướng đến mục tiêu mà con thích.
9. Coi thành tích của con là của mình: Nhiều bậc phụ huynh có thói quen chia sẻ những thành tích của con cái trên mạng xã hội như thể đó là thành quả của chính mình. Điều này không chỉ là sự thiếu tôn trọng đối với con cái mà còn khiến trẻ cảm thấy bị áp lực. Hãy để trẻ tự hào về những gì chúng đã đạt được và nhớ rằng, chúng ta chỉ là người đồng hành, chứ không phải là người tạo ra thành công của chúng.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cha-me-dung-lam-9-dieu-nay-voi-con-nua-post1519174.html