Cha mẹ không nói chuyện được với con
Trong cuộc sống hối hả hiện nay, nhiều cha mẹ đang mất dần kết nối với con cái, bởi mỗi người thích sống trong thế giới riêng của mình. Rất ít người trong chúng ta biết lắng nghe bằng một trái tim rộng mở và thấu hiểu bằng những trải nghiệm, những vấp váp suốt những năm tháng qua. Hãy để gia đình là nơi mà mỗi người được an ủi, vỗ về, được có giá trị và là chốn bình yên mỗi khi trở về.
Khi còn nhỏ, phần lớn trẻ em đều có cuộc sống vui vẻ, sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần bình thường. Nhưng khi lớn lên, cha mẹ đều nhận thấy con mình bỗng nhiên thay đổi mà không biết tại sao. Không ít người chia sẻ, họ đang mất kết nối với con cái. Trên mạng xã hội cũng có không ít câu chuyện tương tự với muôn vàn cung bậc cảm xúc khác nhau. Có những người nhẹ thì mất phương hướng, nặng thì trầm cảm đến mức phải điều trị, thậm chí có người muốn chấm dứt cuộc sống.
Điều đó khiến trong đầu những người làm cha mẹ như chúng ta chứa rất nhiều suy nghĩ, lo lắng về đủ thứ nguy cơ ảnh hưởng tới con; và, những đứa trẻ dùng nhiều cách để đối phó với những lo lắng đó của cha mẹ.
Có những gia đình, cha mẹ và con cái còn chia rẽ ngay trong những bữa cơm. Khi cha mẹ mải nấu nướng, dọn dẹp, thì các con ru rú trong phòng với thế giới riêng. Con trẻ luôn cho rằng cha mẹ chẳng bao giờ chịu hiểu cho con. Cha mẹ thì nghĩ nói thế nào con cũng không chịu hiểu. Sự mất kết nối diễn ra khi cả hai phía không chịu hiểu nhau. Người lớn chúng ta chỉ nhìn bằng mắt nhiều hơn là bằng trái tim thấu hiểu, bằng trái tim rộng mở, bằng những trải nghiệm, những vấp váp của ngay chính mình, để gia đình thực sự là nơi nương náu, là chốn an toàn mỗi khi trở về. Nên có lúc, ta bỏ mặc cho gia đình trôi theo sóng gió cuộc đời. Thậm chí, ta bắt chước cách thức cha mẹ đã chèo lái gia đình khi xưa, dù hoàn cảnh, thời đại và mối quan tâm của gia đình ngày nay đã khác. Lại có lúc, ta áp dụng những kiến thức quản lý nơi công sở vào quản lý gia đình mà quên mất gia đình không phải là nơi làm việc. Chính vì vậy, việc bị mất phương hướng, làm cho gia đình bí bách, hoặc làm cho gia đình mất cảm xúc là điều dễ xảy ra.
Có những bậc cha mẹ dù rất yêu con, nhưng chỉ vì tham dạy, lại nói nhiều, lúc nào cũng sẵn sàng mang đến cho các con một câu chuyện cảnh giác, thành ra lại bị tác dụng ngược. Vì vậy, tất cả những gì chúng ta có thể làm đó là lắng nghe con bằng trái tim để đồng hành cùng con trên cả chặng đường phía trước. Gia đình phải là chốn nương náu của cảm xúc, là nơi nương tựa, bảo vệ, không chỉ cho con trẻ mà cho tất cả chúng ta./.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/cha-m-khong-noi-chuyen-duoc-voi-con-202810.htm