Cha mẹ làm đầu lân, bánh trung thu cùng con phá cỗ
Trung thu trở nên đúng nghĩa Tết đoàn viên hơn khi cha mẹ cùng con làm đầu lân, bánh trung thu.
Không chỉ tận hưởng thành quả, quá trình cha mẹ cùng con tô màu đầu lân, làm bánh trung thu cũng khiến họ quay về những năm tháng tuổi thơ của mình.
Trung thu này nhớ Trung thu xưa
Do đặc thù công việc nhiếp ảnh, anh Đinh Duy (38 tuổi, sống tại TP.HCM) ít có thời gian ở nhà. Tết Trung thu diễn ra vào lúc nghỉ dịch, anh liền tranh thủ thời gian làm đầu lân cho con, cùng con vẽ tranh.
Anh Duy kể trước đây, mỗi năm đến dịp trung thu, anh là người làm đầu lân cho bạn bè trong xóm cùng chơi. Đến khi anh vào TP.HCM học đại học thì "phong trào" làm đầu lân của xóm mới ngừng lại.
"Làm đầu lân cho con lại thấy nhớ ngày xưa lắm. Ngày còn bé, tôi thích thú khi được ba làm đồ chơi từ mấy hộp giấy. Cảm giác đó... tôi không thể nào quên được" - anh Duy tâm sự.
Anh hoàn thiện chiếc đầu lân cho con trong hơn 2 ngày. Tận dụng những nguyên liệu sẵn có là thùng sữa carton của con, keo dán, màu acrylic, anh dựng khung đầu lân rồi tỉ mỉ cắt, vẽ, dán từng bộ phận, sau đó tô màu. Các con cũng giúp anh dán keo, tô những mảng màu lớn.
Anh nói: "Cho con cùng làm giúp con vui hơn và cũng học được cách làm. Nếu sau này muốn, có khi các con sẽ tự làm được chiếc đầu lân cho mình. Sau khi thấy thành quả, các con cũng rất bất ngờ vì không nghĩ lại đẹp đến vậy".
Làm bánh trung thu từ khoai lang tím, khuôn bánh là đế chai nhựa
Trung thu này, chị Lê Thị Hải Vân (41 tuổi, TP Thủ Đức) và chị Phạm Thùy Dung (28 tuổi, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cũng làm những chiếc bánh trung thu đặc biệt để con và gia đình thưởng thức.
Trước đây, chị Dung thường dùng đế chai nhựa và đế lót cốc thủy tinh để tạo hoa văn cho bánh. Năm nay, không thể mua khuôn làm bánh trung thu vì thành phố giãn cách, chị liền vận dụng cách cũ này làm khuôn.
Để bánh ngon, chị Dung sên nhân bánh trước một đêm, bảo quản trong tủ lạnh và làm vỏ bánh vào sáng hôm sau. Khi nhồi bột, chị thay nước đường bằng mật ong nguyên chất. Chị Dung cho biết, nướng bánh với mật ong giúp bánh thơm, đẹp mắt và ít calo hơn.
Đặc biệt, lúc tạo hình bánh, chị phải nhấn "khuôn" thật cẩn thận, tạo họa tiết sắc nét để giữ được nguyên nét sau khi khi nướng 3 lần. Chị còn nặn thêm nhiều chi tiết, đính lên vỏ bánh trước khi nướng để bánh có thêm nhiều họa tiết đẹp mắt.
"Lúc làm có chồng cùng đứng sên nhân phụ và cùng nặn bánh. Ai cũng lo không thể làm thành công được nhưng kết quả thì mẻ bánh nào cũng ngon và đẹp mắt. Con gái nhỏ của tôi không thích bánh mua tiệm, chỉ ăn bánh mẹ làm" - chị cười.
Còn chị Hải Vân thì sử dụng nguyên liệu chính là khoai lang tím để làm bánh trung thu.
Khi nghiền khoai, chị Vân cho thêm một chút bơ lạt và 100 gram yến mạch xay nhuyễn để vỏ bánh không bị khô và vỡ. Sau đó, chị Vân cũng chú ý nhồi kĩ để lớp vỏ nhuyễn mịn. Hai con trai của chị Vân cũng tích cực tham gia vào quá trình nghiền khoai.
Nói về mùa Trung thu đặc biệt, chị Hải Vân bộc bạch: "Trung thu năm nay không thể đi ra ngoài chơi nhưng lại đúng nghĩa Tết đoàn viên. Mọi người quây quần bên nhau, tự làm lồng đèn, tự làm bánh và cùng nhau thưởng thức sản phẩm do mình làm ra. Tuy rất giản dị nhưng tôi lại thấy ấm cúng".
Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/cha-me-lam-dau-lan-banh-trung-thu-cung-con-pha-co-1016664.html