Cha mẹ mắc sai lầm nghiêm trọng khi ép con học lớp 'tiền tiểu học'

Nhiều cha mẹ tìm tới các lớp tiền tiểu học tại trung tâm hoặc trường tư thục vì lo sợ con sẽ kém hơn bạn mà không biết rằng rất có thể họ đang gây áp lực và ảnh hưởng tới tâm lý của những đứa trẻ.

Sôi động thị trường “tiền tiểu học”

Theo Báo cáo “Tóm tắt Giáo dục Việt Nam” (2022) của UNICEF, phần lớn trẻ em từ 3 đến 5 tuổi đều đang đi học tiền tiểu học/ mầm non, trong đó trẻ 4 tuổi chiếm đến 91%, trẻ 5 tuổi chiếm 71%.

Số liệu cấp học của trẻ 3-6 tuổi theo Mô-đun Chỉ số Phát triển Trẻ thơ Toàn diện 2030 (Biểu đồ: UNICEF)

Số liệu cấp học của trẻ 3-6 tuổi theo Mô-đun Chỉ số Phát triển Trẻ thơ Toàn diện 2030 (Biểu đồ: UNICEF)

Mặc dù, Bộ GD&ĐT quy định không được phép dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ dưới bất kỳ hình thức nào, tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh vẫn "sốt sắng" cho con học thêm ở ngoài với mong muốn con được phát triển sớm.

Ngày nay, trên các trang mạng xã hội bây giờ “mọc” lên rất nhiều hội nhóm về tiền tiểu học thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh có con em chuẩn bị vào lớp 1. Thậm chí, có nhóm lên đến hơn 100 nghìn thành viên tham gia.

Tại các nhóm này, chủ yếu là các bài đăng tuyển sinh lớp tiền tiểu học dành cho nhóm học sinh đang chuẩn bị vào lớp 1 với cam kết giúp các con nắm vững kiến thức cơ bản: Nhận biết và viết 29 chữ đơn, 11 chữ ghép, từ, câu; ghép vần và đọc câu và làm toán trong phạm vi 10. Bên cạnh đó, còn có nhiều bài đăng tìm kiếm gia sư, giáo viên cho con của các bậc phụ huynh cũng nhận lại được rất nhiều tương tác.

Các nhóm tiền tiểu học trên mạng diễn ra sôi nổi (Ảnh: Chụp màn hình)

Cũng có con đang trong độ tuổi chuẩn bị vào lớp 1, chị Mai Anh (Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ bản thân không khỏi cảm thấy lo lắng, sợ con mình sẽ bị chậm hơn so với các bạn đồng trang lứa. Vì vậy, ngay khi con chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ hè, bản thân chị đã quyết định đăng ký cho con tham gia các lớp học trước này với mong muốn con mình sẽ không bị bỡ ngỡ khi bước vào môi trường mới và cũng đặt kỳ vọng con có thể phát triển vượt trội hơn.

“Tôi đang tìm đăng ký cho con lớp Toán và Tiếng Việt. Tuy nhiên, không chỉ trên mạng mà bên ngoài cũng nhan nhản rất nhiều các lớp tuyển sinh tiền tiểu học. Điều này, làm tôi không khỏi hoang mang vì không biết chọn sao cho đúng lớp chất lượng”, chị Mai Anh kể thêm.

Có thể thấy, việc đăng ký các lớp tiền tiểu học đã và đang trở thành một xu hướng. Tuy nhiên, nếu như không áp dụng đúng cách thì xu hướng này sẽ tiềm tàng rất nhiều rủi ro.

Học tiền tiểu học theo trào lưu: Tiền mất tật mang

Hiện, các lớp tiền tiểu học đang có giá dao động một buổi khoảng 80.000 đồng - 200.000 đồng/ học sinh (mức học phí thay đổi theo khu vực và số lượng học sinh mỗi lớp). Mặc dù học phí không phải rẻ nhưng chất lượng các lớp học lại không được như mong đợi, khiến nhiều phụ huynh phải "tiền mất tật mang".

Đã từng cho con đi học trước kiến thức lớp 1, chị Minh Thu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bộc bạch đây là một trải nghiệm “dở khóc dở cười”. Tin vào kinh nghiệm của những mẹ đi trước rằng nếu con vào lớp 1 mà chưa biết trước kiến thức thì sẽ rất khó để theo kịp bạn bè, chị Thu không khỏi sốt sắng đăng ký cho con một lớp tiền tiểu học ở gần nhà.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc khóa học chị mới nhận ra kiến thức con mình được học khác với chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục. Không chỉ vậy, có nhiều từ con còn được dạy đánh vần sai cách dẫn đến việc bị ngọng và nói lớ.

“Cứ ngỡ học trước là con sẽ phát triển vượt trội so với các bạn đồng trang lứa, hóa ra học trước lại biến thành học lùi khi thầy cô và bố mẹ là tôi đây phải mất thời gian rèn hết lại cho con. Vừa mất tiền lại vừa mất thêm sức lực”, chị Thu nói.

Đồng quan điểm, anh Đỗ Cường (Thái Bình) cho biết bản thân đã từng phải đổi lớp nhiều lần cho con vì giáo viên không có đủ chuyên môn, kinh nghiệm dạy học: “Để mà đánh giá được chất lượng thực sự của các lớp tiền tiểu học là rất khó. Có quá nhiều lời mời gọi của các lớp học, nơi nào cũng cam kết đầu ra tốt nhất, hiệu quả nhất. Tuy nhiên, chỉ dựa vào lời quảng cáo suông mà không có sự tìm hiểu kỹ lưỡng sẽ gây ra tác dụng ngược đến con em mình. Học nhanh không khéo hóa học chậm”.

Như vậy, nếu như quá vội vàng đăng ký các lớp học trước cho trẻ mà không tìm hiểu kỹ về chất lượng lớp phù hợp không khỏi khiến phụ huynh cảm thấy bị “hớ” khi không nhận lại về kết quả như cam kết ban đầu, dẫn đến tình trạng tiền mất tật mang.

Không phù hợp với quá trình phát triển của trẻ

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, PGS.TS. Đặng Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Phát triển Quản lý giáo dục (ELRD), thành viên Ban điều hành Mạng lưới Quản lý giáo dục EdulightenUp cho rằng học trước kiến thức như nhiều gia đình hiện nay là đi ngược với phương pháp giáo dục đổi mới - để trẻ phát triển tự nhiên: “Trẻ có đặc điểm thích cái mới nên những gì đã học, chúng sẽ có xu hướng bỏ qua. Quá trình này kéo dài sẽ làm trẻ đánh mất khả năng tập trung, giảm hứng thú học tập, trẻ sẽ không còn thấy thú vị khi đi học nữa”.

Bên cạnh đó, bà Huyền cũng nhấn mạnh chính sự tâm lý sốt sắng, sợ con tụt hậu với bạn bè của các bậc phụ huynh là nguyên nhân khiến trẻ em phải chịu nhiều áp lực học tập. Khi các em liên tục bị nhồi nhét kiến thức, dẫn đến tình trạng quá tải và đánh mất đi tuổi thơ hồn nhiên vốn có.

Cũng bàn về vấn đề này, trên tờ báo điện tử VTV Online 13/02/2023, ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo phân tích: "Các bậc phụ huynh cho các cháu đến lớp tiền tiểu học để các cháu viết thạo thì các cháu sẽ nhàn nhã khi thực hiện nhiệm vụ đầu cấp tiểu học. Các bậc phụ huynh nên nhớ rằng khi các con đang thực hiện nhiệm vụ học tập mà việc tập viết quá đơn giản thì các con sẽ nhàn nhã, không tập trung. Dần dần tạo thói quen chủ quan, giảm khả năng tập trung vào hoạt động có mục đích. Giai đoạn đầu thì thuận lợi nhưng về sau sẽ càng ngày càng khó khăn hơn".

Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định học trước tiểu học làm giảm khả năng tập trung của trẻ (Ảnh: Bộ Giáo dục)

Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định học trước tiểu học làm giảm khả năng tập trung của trẻ (Ảnh: Bộ Giáo dục)

Như vậy, xu hướng đăng ký lớp tiền tiểu học đã và đang tác động tiêu cực đến quá trình phát triển của trẻ. Chính sự áp đặt của phụ huynh lên trẻ nhỏ, lứa tuổi chưa nhận thức hết được trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân, đã khiến chúng trở nên mệt mỏi, thậm chí chán ghét việc học.

Vậy nên, phụ huynh cần thay đổi tích cực quan niệm của mình về lớp tiền tiểu học, bao gồm tần suất học tập, việc lựa chọn lớp học và thời điểm bắt đầu học phù hợp cho con. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên chủ động tìm hiểu và xây dựng phương pháp học tập thích hợp với con để hỗ trợ con phát triển thuận lợi hơn trong hành trình học tập sau này.

Vũ Thêu

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/cha-me-mac-sai-lam-nghiem-trong-khi-ep-con-hoc-lop-tien-tieu-hoc-d4592.html