Cha mẹ nên làm gì khi con sử dụng thiết bị thông minh?

Thực tế cho thấy, nhiều gia đình đang để con mình trở thành những 'con nghiện' YouTube, Tik Tok và các trang mạng khác… làm ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển về nhận thức và tư duy của trẻ. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác từ thực tế cuộc sống, mặc dù biết rõ tác hại của việc để trẻ sử dụng điện thoại thông minh nhiều nhưng nhiều cha mẹ vẫn chưa kiểm soát được vấn đề này.

Thời gian gần đây, cộng đồng mạng đang xôn xao về clip “xin vía học giỏi từ búp bê” của YouTuber Thơ Nguyễn. Với clip này, Thơ Nguyễn đang phải hứng chịu mưa gạch đá và làn sóng giận dữ đòi tẩy chay từ cộng đồng mạng, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Thậm chí các cơ quan chức năng đang vào cuộc để có chế tài xử lý những clip phản cảm, phi giáo dục này để không làm ảnh hưởng đến tâm hồn ngây thơ của các em nhỏ.

Rất nhiều phụ huynh đã bức xúc lên tiếng, kêu gọi tẩy chay kênh YouTube Thơ Nguyễn. Nhiều người cho rằng đây là một kênh nhảm nhí mang nhiều nội dung không lành mạnh đối với trẻ nhỏ thậm chí nội dung còn mang tính chất “xúi dại”, “nghịch ngu” …

Tuy nhiên, không chỉ kênh YouTube Thơ Nguyễn mà trên ứng dụng xem video trực tuyến Tik Tok và các trang mạng khác hiện nay lại là nơi chứa rất nhiều “rác” và những nội dung hỗn tạp. Khi phong trào làm YouTube, Tik Tok rộ lên như một trào lưu thì nhiều kênh YouTube, Tik Tok lập ra với mục đích chỉ là để kiếm tiền nên việc họ bất chấp tất cả để làm các trò nhảm nhí với mục đích tăng view (lượt xem) là điều khó tránh khỏi.

Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đã từng đưa ra khuyến cáo: "Bố mẹ nên ưu tiên thời gian vui chơi sáng tạo, chơi ngoài trời cho trẻ".Trẻ ở độ tuổi 2-5 tuổi có thể được phép tiếp xúc với các thiết bị điện tử, nhưng không quá 1 giờ/ngày. Bố mẹ cũng cần giám sát và chọn lựa chương trình xem có ích cho trẻ. Không xem những chương trình vô nghĩa, bạo lực, kích thích trẻ.

Với trẻ trên 6 tuổi, bố mẹ phải có trách nhiệm đưa ra giới hạn xem ti vi và các thiết bị điện tử. Thời lượng xem phụ thuộc vào từng gia đình. Nhưng trẻ cần ưu tiên thời gian học và chơi ngoài trời hơn so với thời gian ngồi dán mắt vào các thiết bị này.

Từ sự việc của kênh YouTube Thơ Nguyễn, ở một khía cạnh khác, có thể xem như một hồi chuông báo động cho các bậc phụ huynh nên quan tâm đến con mình hơn. Hãy tạo cho trẻ những thói quen lành mạnh bổ ích, thay vì việc tối ngày làm bạn với tivi, điện thoại… Hoặc ít nhất, bố mẹ cũng cần dành thời gian lưu tâm kiểm soát con và đưa ra những định hướng cũng như nguyên tắc cụ thể khi con tham gia vào môi trường số để con trẻ không bị những nội dung độc hại ảnh hưởng đến tư duy của trẻ.

Một số gợi ý trong việc định hướng con trẻ sử dụng thiết bị thông minh

Cũng có con nhỏ, anh Lê Xuân Đức, chủ Fanpage và kênh YouTube Bố Con Sâu cho biết, để bảo vệ con, bản thân anh đã cài đặt chế độ lọc nội dung trên YouTube, vô hiệu hóa tính năng gợi ý các video. Thường thì YouTube sẽ đề xuất hàng loạt các video căn cứ vào nội dung mà bạn đã xem trước đó, đôi khi con bạn có thể sẽ tìm thấy những nội dung tiêu cực.

Ngoài ra, với con nhỏ, anh để con dùng ứng dụng YouTube Kids, đồng thời tắt tính năng tìm kiếm, tạo danh mục phát video, có thể tự tạo lập danh sách 50 hoặc lớn hơn các video mà bạn muốn cho con xem để hạn chế các video độc hại…

Việc sử dụng thường xuyên với các thiệt bị điện tử sẽ làm cho bé ít có cơ hội tiếp xúc với thực tế, chẳng hạn như tương tác với môi trường xung quanh, tham gia các hoạt động ngoại khóa hay không dành thời gian rảnh rỗi cho gia đình. Ngoài ra, nếu con yêu dành nhiều thời gian cho các món đồ điện tử thì sẽ dẫn đến các nguy cơ sau đây: tăng cân, thiếu ngủ, lười học, mất tập trung, hay khó chịu, khó kiềm chế cảm xúc…

Dưới đây là một vài gợi ý giúp bạn định hướng con trẻ sử dụng thiết bị thông minh:

Lựa chọn các kênh video, ứng dụng giáo dục chất lượng cao: Thay vì chỉ giao thiết bị công nghệ cho trẻ, cha mẹ hãy chủ động lựa chọn các kênh video hay, các ứng dụng giáo dục để trẻ xem, tương tác và học hỏi.

Đối với những trẻ khoảng 3 tuổi, một số kênh truyền thông giáo dục chất lượng cao trên youtube sẽ giúp trẻ tìm hiểu các từ ngữ, số đếm, màu sắc, đồ vật... thậm chí cả những thông tin quan trọng về cách giữ an toàn.

Đối với những trẻ lớn hơn, các ứng dụng học tập sẽ giúp ích trong các kỹ năng toán học, các kiến thức khoa học vui, học ngoại ngữ...

Để có được thông tin hữu ích về các kênh youtube, ứng dụng học tập hay, các cha mẹ có thể tham khảo thông tin từ trang Common Sense Media, nơi cung cấp thông tin và xếp hạng các nghiên cứu về tất cả các phương tiện truyền thông cho trẻ em ở mọi lứa tuổi, từ các bộ phim, chương trình truyền hình, các cuốn sách, ứng dụng, trò chơi... Họ thậm chí còn dành một trang đặc biệt để hỗ trợ các gia đình trong thời kì dịch bệnh COVID-19.

Cho trẻ xem các kênh truyền thông phù hợp: Người lớn luôn nghĩ việc cho trẻ xem thiết bị công nghệ chỉ để giữ chân chúng. Nhưng thực tế, trẻ học hỏi được nhiều hơn chúng ta nghĩ, thông qua các kênh truyền thông giáo dục dành cho trẻ em cũng khiến bọn trẻ hiểu được những gì đang diễn ra trong cuộc sống và kết nối với đời sống thực tế.

Cha mẹ có thể giúp trẻ bằng cách trò chuyện với trẻ trong lúc đang xem video và giúp chúng liên hệ chi tiết nào đó với đời sống hàng ngày. Một cách hay để kết hợp giữa vui chơi và học tập, đó là theo dõi sở thích của con bạn và lựa chọn phương tiện giáo dục phù hợp với sở thích của chúng. Chẳng hạn, khi bé thích được tự làm bánh cho bữa sáng, hãy tìm 1 video hướng dẫn làm bánh để trẻ xem và tự thực hành.

Hãy tìm cách sáng tạo, không thụ động: Trẻ em có thể làm được nhiều hơn việc chỉ sử dụng, chơi và xem một cách thụ động. Hãy để trẻ sử dụng công nghệ theo cách sáng tạo và giàu trí tưởng tượng.

Chẳng hạn có những ứng dụng giúp trẻ tự viết các bài hát riêng của mình, hoặc tạo ra các sản phẩm nghệ thuật - các bức tranh, bức hình tự tô màu, các ứng dụng lập trình đơn giản.

Trẻ em cũng có thể sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng để tự tạo ra các video của riêng mình và chia sẻ với gia đình, bạn bè. Hãy hướng dẫn trẻ tự quay một vở kịch hoặc làm 1 video hướng dẫn dạy cách chơi các đồ chơi yêu thích của chúng.

An Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cha-me-nen-lam-gi-khi-con-su-dung-thiet-bi-thong-minh-556426.html