Cha mẹ ngỡ ngàng khi trẻ mắc bệnh người lớn
Hầu hết các bậc cha mẹ nghĩ giang mai là căn bệnh xã hội và chỉ người lớn mới mắc. Chính vì thế, không ít trẻ được phát hiện bệnh muộn...
Phát hiện bệnh từ dấu hiệu bong da
Bé N.V.T (46 ngày tuổi, ở Hải Dương) được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec cơ sở 2 khám trong tình trạng bong da tay chân, quấy khóc không rõ nguyên nhân.
Bố mẹ bé chia sẻ, bé là con thứ 2 trong gia đình, được mẹ sinh thường ở bệnh viện huyện, nặng 3kg, bú mẹ hoàn toàn, tăng cân tốt. Bé bị bong da tay, da chân ngay sau sinh. Đặc biệt, khoảng 3 ngày trước đi khám bé khóc quấy nhiều mà không rõ nguyên nhân.
Qua thực tế thăm khám, bác sĩ nhận thấy có hội chứng nhiễm trùng và tổn thương da là các vết bong da tay, chân, má sẩn đỏ, miệng bị loét...
Kết quả xét nghiệm khẳng định bé dương tính với giang mai. Lúc nhận kết quả, bố mẹ bé T. đều rất ngỡ ngàng vì cả hai cùng cho rằng “giang mai là căn bệnh xã hội và chỉ xảy ra với người lớn”.
Tuy nhiên, trên thực tế, không ít trẻ nhỏ bị mắc căn bệnh này. Từ đầu năm 2022 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM tiếp nhận điều trị 20 ca bệnh giang mai là trẻ sơ sinh và trẻ hơn 1 tháng tuổi. Theo các bác sĩ điều trị, số trẻ nhiễm bệnh tăng cao bất thường và đáng tiếc, bởi bệnh có thể dự phòng được.
Trong số 20 ca giang mai đang điều trị tại Khoa Nhiễm - Thần kinh của bệnh viện, có nhiều trẻ bị biến chứng rất nặng. Trong đó, có bệnh nhi đã biến chứng hủy xương, bao gồm xương cánh tay, đầu dưới xương đùi và xương chày. Hoặc có trường hợp bé bị biến chứng viêm màng não nghiêm trọng, phải tiêm kháng sinh lâu dài và tích cực điều trị.
Đáng nói, các trường hợp này, người mẹ trước đó đều có kết quả dương tính với giang mai khi khám thai. Tuy nhiên, họ không được tham vấn điều trị cũng như chủ quan nên lây truyền cho trẻ khi mang thai mà không biết.
Trước đó, tại Khoa Nhiễm - Thần kinh của bệnh viện cũng đã tiếp nhận 2 trường hợp mắc giang mai biến chứng viêm gan nặng. Dù các y, bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng 2 bé đã tử vong.
Theo BS.CK2. Dư Tấn Quy, Bệnh viện Nhi đồng 1, trước đây việc dự phòng 3 bệnh từ mẹ sang con, bao gồm: Giang mai, HIV, viêm gan B được thực hiện tốt. Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19 cũng như sự chủ quan của nhiều thai phụ đã khiến căn bệnh giang mai xuất hiện trở lại với số ca tăng đột biến.
Làm sao phòng tránh lây nhiễm cho trẻ?
TS. BS. Trần Thị Huyền, Khoa Bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, giang mai thường được biết tới là bệnh xã hội, lây truyền qua đường tình dục, chủ yếu gặp ở người trưởng thành.
Tuy nhiên, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ nhỏ. Trẻ bị giang mai thường có biểu hiện lâm sàng sớm. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, trẻ sẽ khỏi bệnh.
Với các trường hợp nhiễm mà không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ sẽ có các di chứng tim mạch (viêm mạch màng não giang mai, phình động mạch chủ), các di chứng thần kinh (viêm màng não cấp, liệt các dây thần kinh sọ não, tăng áp lực nội sọ, sa sút trí tuệ) và mắt (viêm củng mạc, viêm mống mắt, viêm màng bồ đào).
Nói về đường lây truyền của bệnh giang mai từ mẹ sang bé, BS. Huyền cho hay, quan niệm cũ cho rằng giang mai di truyền vì khi đẻ ra trẻ đã mắc bệnh.
Hiện nay, y học đã xác định giang mai lây truyền do mẹ mắc bệnh lây cho con trong khoảng tháng 4-5 của thai kỳ, do màng rau thai mỏng đi, máu mẹ dễ trao đổi với máu thai nhi. Vì thế, xoắn khuẩn giang mai sẽ xâm nhập vào thai nhi qua rau thai rồi gây bệnh.
Tùy theo mức độ nhiễm xoắn khuẩn từ người mẹ vào bào thai mà có thể gây sảy thai hoặc thai chết lưu, trẻ đẻ non và có thể tử vong.
Nếu nhiễm xoắn khuẩn nhẹ hơn, em bé mới sinh ra trông có vẻ bình thường, sau vài ngày hoặc vài tháng, xuất hiện các thương tổn của bệnh giang mai. Ngoài ra, bệnh có thể lây gián tiếp qua các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm xoắn khuẩn, lây qua các vết xước trên da, niêm mạc, lây qua truyền máu.
Cũng theo BS. Huyền, việc phòng ngừa phụ thuộc vào việc xác định bệnh giang mai ở phụ nữ mang thai. Do đó, cần phải sàng lọc huyết thanh định kỳ cho phụ nữ mang thai trong lần khám thai đầu tiên, khi thai được 28 tuần và khi sinh đối với phụ nữ sống trong cộng đồng có tỷ lệ mắc bệnh cao; phụ nữ nhiễm HIV. Các bà mẹ bị bệnh giang mai trong quá trình mang thai cần được theo dõi và điều trị đầy đủ tại cơ sở y tế có uy tín.
“Về cơ bản, nếu phát hiện sớm, việc điều trị bệnh giang mai cho trẻ hoàn toàn khả thi”, BS. Huyền nói.
Bệnh giang mai bẩm sinh được chia thành giang mai bẩm sinh sớm (bệnh xuất hiện trong 2 năm đầu) và giang mai bẩm sinh muộn (xuất hiện sau đẻ 3-4 năm hoặc khi đã trưởng thành).
Với giang mai bẩm sinh sớm, có thể xuất hiện các triệu chứng như phỏng nước và/hoặc bong vảy lòng bàn tay, bàn chân, sổ mũi, khụt khịt mũi, viêm xương sụn, xương to, đau các đầu xương làm trở ngại vận động...
Với giang mai bẩm sinh muộn, các triệu chứng mang tính chất của giang mai thời kỳ III mắc phải ở người lớn. Bắt đầu bằng các triệu chứng nhức mắt, sợ ánh sáng ở một bên, về sau cả hai bên, có thể dẫn đến mù, lác, điếc cả hai tai. Có những trường hợp không có các biểu hiện như trên mà chỉ thấy thủng vòm miệng, mũi tẹt, trán dô…