Cha mẹ sẽ bị phạt tới 1 triệu đồng nếu giữ tiền lì xì của con?

Theo quy định, nếu cha mẹ chiếm đoạt tài sản riêng của con (không loại trừ tiền lì xì), sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng tới 1.000.000 đồng.

Lì xì hay mừng tuổi đầu năm là phong tục truyền thống từ bao đời nay của người Việt. Ông bà, bố mẹ, anh chị hoặc khách đến chơi nhà sẽ lì xì cho con cháu với ý nghĩa mang lại may mắn, mọi điều tốt đẹp suốt cả năm.

Nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn, liệu rằng cha mẹ giữ tiền lì xì của con có bị vi phạm Pháp luật

Nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn, liệu rằng cha mẹ giữ tiền lì xì của con có bị vi phạm Pháp luật

Tại nhiều gia đình, để tránh việc con tiêu tiền không đúng mục đích như mua đồ chơi, chơi điện tử... phần lớn các cha mẹ đều thay con giữ số tiền này.

Tuy nhiên, theo điểm a, khoản 2, Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nếu chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên trong gia đình sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1, Điều 75, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về Quyền có tài sản riêng của con, quy định: “Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con”.

Do đó, theo quy định nói trên, tiền lì xì Tết cũng được coi là tài sản riêng của con. Và khi con cái trong gia đình được người khác lì xì tiền Tết mà ba mẹ yêu cầu con trẻ đưa tiền lì xì cho mình thì có thể bị xử phạt với số tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo điểm a Khoản 2 Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Thực tế, ngày Tết một trong những niềm vui lớn nhất của trẻ nhỏ chính là được nhận tiền lì xì từ người thân, họ hàng. Tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà giá trị của phong bao lì xì sẽ khác nhau.

Và sau mỗi dịp này, việc trẻ nhỏ có được phép tự giữ tiền lì xì hay không hay phải đưa cho bố mẹ "giữ hộ" lại gây nên không ít băn khoăn?

Trước những thông tin này, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn, liệu rằng cha mẹ giữ tiền lì xì của con có bị vi phạm Pháp luật hoặc sử dụng tiền lì xì của con mà không được đồng ý có bị xử phạt hay không?

Theo các chuyên gia, việc cha mẹ yêu cầu con trẻ đưa tiền lì xì để quản lý không phải hành vi xấu. Vì vậy, trường hợp này cha mẹ có thể cùng con trao đổi, thỏa thuận để quản lý, sử dụng khoản tiền lì xì này một cách hợp lý, đúng như quy định tại Điều 76 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật cho biết, theo Luật Dân sự, đối với trẻ dưới 15 tuổi, bố mẹ hoàn toàn có quyền quyết định sử dụng tiền mừng tuổi của con.

Khi con từ 15 - 18 tuổi đã có quyền có tài sản riêng tuy nhiên, ở lứa tuổi này con vẫn chịu sự giám hộ của bố mẹ. Do vậy, nếu bố mẹ đang quản lý, sử dụng tài sản của con thì vẫn có quyền sử dụng số tiền này để giải quyết nhu cầu ăn học, sinh hoạt của con.

Nếu bố mẹ sử dụng tiền cho mục đích khác thì phải có sự thỏa thuận, thống nhất của con. Tuy nhiên, dù con không đồng ý nhưng ý kiến của con chỉ mang tính chất tham khảo. Cha mẹ vẫn có quyền quyết định sử dụng tiền lì xì của con.

Với con trên 18 tuổi, lúc này đã đủ năng lực dân sự nên có quyền nhận tiền, định đoạt cũng như quyết định đưa số tiền lì xì cho ai. Nếu bố mẹ cố tình lấy tiền của con mà không được đồng ý sẽ xác định đó là dạng tranh chấp dân sự vay, mượn hoặc hình sự.

"Theo quan điểm của tôi, cha mẹ nên giải thích cho con hiểu rằng, không phải ngẫu nhiên mọi người lì xì cho con. Bố mẹ cũng phải bỏ ra số tiền tương đương thì mọi người mới mừng tuổi lại cho con.

Nếu gia đình có điều kiện, cha mẹ có thể xác nhận số tiền này là của con và gửi tiết kiệm. Ngoài ra, cha mẹ có thể sử dụng số tiền lì xì giải quyết nhu cầu học hành, mua sắm, đồ chơi hoặc cho con sử dụng việc gì có ích trong giới hạn và phù hợp với hoàn cảnh.

Con từ 15-18 tuổi, cha mẹ có thể tham khảo ý kiến trước khi sử dụng tiền lì xì của con. Nhưng con dưới 15 tuổi, bắt buộc cha mẹ là người quản lý tiền của con", Luật sư Thuật bày tỏ.

Cũng theo các chuyên gia, chuyện lì xì Tết còn thuộc về phạm trù văn hóa nữa. Với văn hóa người Việt thì lì xì cho con nhưng thực ra là cho bố mẹ, có thể trả một món nợ ân tình nào đấy hay là chuyện tình cảm với bố mẹ của đứa trẻ… Luật pháp không chỉ thuần túy là luật pháp mà phải phù hợp với văn hóa, với hoàn cảnh, lối sống thì mới đi vào cuộc sống.

Có thể thấy, những phong bao lì xì trong những ngày Tết dành cho trẻ nhỏ mang ý nghĩa tượng trưng, điều quan trọng là mang đến niềm vui làm cho các con cảm nhận và hiểu được những nét đẹp văn hóa trong phong tục truyền thống. Bởi vậy, thay vì buộc các con phải đưa cho mình quản lý thì cha mẹ nên hướng dẫn con cách quản lý, sử dụng khoản tiền may mắn này cho phù hợp.

Theo Quỳnh Chi /Dân Việt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/cha-me-se-bi-phat-toi-1-trieu-dong-neu-giu-tien-li-xi-cua-con-1328326.html