Cha mẹ trả lời 5 câu hỏi này biết con khủng hoảng tâm lý

Dư luận đang xôn xao bàng hoàng và xót thương khi gần đây liên tiếp xảy ra các vụ trẻ vị thành niên tự tử. Những sự việc đau lòng này tiếp tục là hồi chuông cảnh báo đối với các bậc phụ huynh có con ở tuổi vị thành niên - lứa tuổi rất nhạy cảm trước những tác động của môi trường, xã hội do những thay đổi về tâm sinh lý.

Theo các chuyên gia tự tử ở lứa tuổi vị thành niên là vấn đề nghiêm trọng và rất đáng lo ngại khi ngày càng có xu hướng gia tăng.

Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tự tử ở trẻ vị thành niên là lo âu, trầm cảm. Lo âu, trầm cảm là vấn đề hay gặp và phổ biến trong giai đoạn phát triển của trẻ vị thành niên khi các em ở giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con thành người lớn.

Theo số liệu trong một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%. Các chuyên gia y tế cũng đã từng khuyến cáo, tại Việt Nam, vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt tâm lý thanh, thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng nhiều.

Để phát hiện sớm những dấu hiệu khi con trẻ có nguy cơ tự tử, BS Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh đã đưa ra những câu hỏi như là những dấu hiệu sớm để cha mẹ kịp thời phát hiện và giảm thiểu nguy cơ tự sát ở trẻ.

Theo BS Hiển, không phải tất cả người có ý tưởng toan tự sát đều có hành động dẫn đến tử vong nhưng nếu xảy ra thì rất tồi tệ và không thể thay đổi hay sửa chữa được.

Ý định toan tự sát là 1 trong 4 chỉ định cấp cứu của chuyên khoa tâm thần.

Có 5 câu hỏi theo trình tự để phát hiện và đánh giá mức độ mãnh liệt của ý tưởng này, qua đó có thể phòng ngừa ý định chuyển thành hành vi tự sát.

Một là: Một mặc cảm thất bại: Khi được hỏi là bệnh nhân có nghĩ rằng mình là một kẻ thất bại, với trẻ đi học thì là một mặc cảm thua sút bạn bè.

Hai là: Một mặc cảm vô dụng: Bệnh nhân cho rằng mình là người vô dụng với gia đình, với trẻ đi học là mặc cảm ngu dốt, đần độn.

Ba là: Nghĩ mình là gánh nặng, với trẻ đi học thì là sự tủi hổ của cha mẹ về sự yếu kém của mình.

Bốn là: Thường suy nghĩ về cái chết và cách thức tự sát

Nếu cả 4 câu trả lời đều là YES thì rất nguy hiểm, ý tưởng toan tự sát đã và đang hình thành.

Năm là: Khi trẻ vị thành niên cho rằng nếu mình chết đi thì gia đình mình sẽ tốt hơn! Với trẻ đi học thì cho rằng khi mình chết đi thì cha mẹ không còn phải xấu hổ về mình nữa. Nếu câu hỏi được trả là YES thì là báo động đỏ, nguy cơ tự sát đến rất gần. Trẻ cần được can thiệp y khoa KHẨN CẤP.

Đặc biệt nếu người trầm cảm tỏ ra bình tĩnh khác thường, tươi tỉnh hơn một chút, không còn khóc lóc thì đây là dấu hiệu rất nguy hiểm vì khi ấy người trầm cảm dường như đã lấy một quyết định kinh khủng sau một thời gian suy nghĩ, nghiền ngẫm.

BS Hiển cũng lưu ý, với trẻ đi học, có em có “ý tưởng trả thù” cha mẹ, để cha mẹ phải khổ sở và ăn năn suốt đời. Đây là ý tưởng sai trái nhưng nếu trẻ có ý tưởng này thì sẽ làm ý định toan tự sát mãnh liệt hơn, dễ đưa đến hành động tự sát.

“Xin đừng thờ ơ và coi thường một ý tưởng toan tự sát vì sẽ không có cơ hội sửa chữa”, bác sĩ Hiển cảnh báo.

Hồng Nguyên

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/380981/cha-me-tra-loi-5-cau-hoi-nay-se-ngan-chan-som-hanh-vi-tu-tu-o-tre-em.html