Cha mẹ Trung Quốc lén lút ép con học thêm

Trước động thái siết chặt kiểm soát hoạt động dạy thêm của chính phủ Trung Quốc, ngoài các phụ huynh tuân thủ, không ít người vẫn tìm đủ cách để con được phụ đạo ngoài giờ học.

Liu Yanan (37 tuổi, sống tại Giang Tô) đã nghỉ công việc bác sĩ sau khi sinh con trai để chăm sóc cậu bé toàn thời gian.

Giống như nhiều bậc phụ huynh trên khắp Trung Quốc, Liu phải liên tục nỗ lực để đảm bảo con trai không bị tụt lại phía sau những đứa trẻ khác. Cô sợ rằng việc siết chặt quy định về việc dạy thêm sau giờ học vừa qua của chính phủ sẽ tạo ra gánh nặng lớn hơn cho cô, theo South China Morning Post.

Bà mẹ 37 tuổi kèm cậu con trai trong mọi môn học trừ tiếng Anh và đăng ký cho con các khóa học trực tuyến, mỗi khóa có giá hơn 1.000 nhân dân tệ (155 USD).

Còn bây giờ, Liu cảm thấy mình sẽ phải kiêm luôn việc kèm con trong môn học này vì các lớp tiếng Anh cũng như các môn học chính khác vào cuối tuần và ngày nghỉ bị cấm. Đây là động thái của chính phủ Trung Quốc nhằm giảm bớt khối lượng kiến thức mà trẻ em phải đối mặt và để các em có nhiều thời gian giải trí hơn.

Cạnh tranh

Liu và nhiều bậc cha mẹ khác tin rằng các hoạt động ngoài trường học là chìa khóa giúp con phát triển và không thua kém bạn bè. Song con trai Liu đi tập bóng rổ một tuần/lần và gần đây đã bỏ lớp thư pháp Trung Quốc vì quá mệt mỏi.

"Chính sách mới quy định không được giao bài tập về nhà cho học sinh lớp 1 và 2, nhưng sau này có mở rộng thêm ở cả lớp 3 trở lên không? Nếu bọn trẻ không học được gì ở lớp 2, điều gì sẽ xảy ra với chúng ở các lớp sau?

Chúng phải là những thiên tài, chúng cần biết mọi thứ. Gánh nặng này đặt lên vai ai? Chính là các bậc cha mẹ".

 Trung Quốc siết chặt quản lý các cơ sở dạy thêm ngoài giờ học để giảm bớt áp lực học tập cho học sinh. Ảnh: AFP.

Trung Quốc siết chặt quản lý các cơ sở dạy thêm ngoài giờ học để giảm bớt áp lực học tập cho học sinh. Ảnh: AFP.

Liu tin rằng nếu các giáo viên tuân thủ quy định mới, các phụ huynh như cô phải dạy thêm ở nhà cho con nhiều hơn để chúng duy trì tính cạnh tranh.

"Trung Quốc đang phát triển rất nhanh chóng. Nếu không được giáo dục, làm sao bạn có thể kiếm được một công việc tốt? Bạn sẽ sống như thế nào khi trưởng thành? Chất lượng cuộc sống của con tôi sẽ như thế nào nếu thằng bé chỉ kiếm được 5.000 nhân dân tệ (775 USD)/tháng và phải đi thuê nhà? Đó là những gì các bậc cha mẹ lo lắng".

Nhiều phụ huynh bắt đầu cho con đi học thêm vào các ngày trong tuần để né lệnh cấm. Thời gian này, cậu con trai tên William (8 tuổi) của Liu Yu (Thượng Hải) bận rộn hơn bao giờ hết.

"William có một lớp toán kéo dài 3 tiếng vào thứ 2, một lớp tiếng Trung 2 tiếng rưỡi vào thứ 4 và một lớp tiếng Anh 2 tiếng vào thứ 6. Tất cả đều học trực tuyến", ông bố 45 tuổi cho biết, nói thêm con trai mình có các lớp học đàn violin và cưỡi ngựa vào cuối tuần.

"Do quy định mới, một số kế hoạch có thể sẽ không được như dự kiến song tôi nghĩ những người tiếp tục kiên trì sẽ gặt hái phần thưởng vào một ngày nào đó".

Muốn con thả lỏng

Đã có một số phụ huynh và học sinh chấp nhận các thay đổi và mong đợi có nhiều thời gian rảnh hơn.

Zhang Fan, lập trình viên 39 tuổi sống tại Bắc Kinh, cho biết cuối cùng cô đã có thời gian dành cho bản thân vào cuối tuần sau 5 năm xem lại sách giáo khoa và ngồi trong lớp để đảm bảo hỗ trợ việc học cho con gái.

"Thứ 7 tuần trước, chồng tôi giúp trông con. Tôi thậm chí có thời gian đến tiệm làm móng lần đầu tiên trong đời", Zhang bày tỏ.

 Theo quy định mới, trẻ lớp 1, lớp 2 ở Trung Quốc sẽ không có bài tập về nhà. Ảnh: Xinhua.

Theo quy định mới, trẻ lớp 1, lớp 2 ở Trung Quốc sẽ không có bài tập về nhà. Ảnh: Xinhua.

Wang Xiaonam, chủ cửa hàng trà 38 tuổi sống tại Hà Bắc, có hai đứa con, một 6 tuổi và một lên 11. Cô cũng cho rằng không cần thiết phải thúc ép bọn trẻ học hành khi còn nhỏ như vậy.

"Con trai tôi rất hạnh phúc. Nhà trường đã tuân thủ các quy định khá tốt, thằng bé không có bất kỳ bài tập về nhà nào vì là học sinh lớp 1".

Theo Zhou Wang, phó giáo sư tại Đại học Nam Khai, các nhà chức trách Trung Quốc đã xem xét việc siết chặt dịch vụ dạy thêm trong vài năm và đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh tốc độ triển khai việc này.

"Khi các đợt phong tỏa kéo dài, học sinh dành nhiều thời gian hơn cho các khóa học online. Học sinh tiểu học không thể chịu nổi cả về thể chất và tinh thần cho thời gian học kéo dài này".

Mạnh tay

Nhiều bậc cha mẹ vẫn cố gắng tìm mọi cách để lách luật như thuê gia sư riêng dưới vỏ bọc người giúp việc gia đình.

Ngày 8/9, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành thông báo về việc cấm người dân né tránh, lách luật, chẳng hạn như dạy kèm 1-1 trong các quán cà phê và khách sạn.

 Nhiều cha mẹ vẫn tìm cách cho con học thêm vì sợ con thua kém bạn bè. Ảnh: Xinhua.

Nhiều cha mẹ vẫn tìm cách cho con học thêm vì sợ con thua kém bạn bè. Ảnh: Xinhua.

Một số chính quyền địa phương cũng có cách tiếp cận mạnh tay để thực thi các quy định mới. Sau khi quy định có hiệu lực, nhiều nơi ở tỉnh Hồ Bắc đã tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên các trung tâm dạy thêm và tài liệu giảng dạy ở đó.

Tỉnh Quảng Đông thậm chí còn xác định "dọn dẹp các cơ sở đào tạo ngoài khuôn viên trường" là một phần của chiến dịch chống tội phạm có tổ chức.

Tuy nhiên với Liu, việc cạnh tranh trong học tập là thực tế ở Trung Quốc và cô sẽ không để con mình thiệt thòi vì học ít. Cô cho biết những người thuộc thế hệ cô sinh ra vào những năm 80 chỉ cần học tốt các môn chính như Ngữ văn, Toán nhưng những đứa trẻ cùng lứa con trai cô cần làm tốt trong cả các lĩnh vực khác như giáo dục thể chất và nghệ thuật.

"Trẻ em cần phải thành thạo cả các môn chính và phụ. Khối lượng bài vở ở trường càng giảm thì chiếc cặp sách của các con càng nặng".

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cha-me-trung-quoc-len-lut-ep-con-hoc-them-post1262282.html