Cha mẹ Trung Quốc từ chối đẻ vì cạn kiệt tiền bạc
Dù chính phủ muốn khuyến khích sinh đẻ, nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc từ chối sinh con thứ hai, thậm chí lựa chọn phá thai.
Zing trích dịch bài đăng trên Sixth Tone, đề cập đến tâm lý từ chối sinh con thứ hai của các gia đình tại Trung Quốc. Lý do chủ yếu xuất phát từ sợ gánh nặng tài chính, không muốn phải san sẻ tình cảm giữa các con.
Khi Liu Ziting (Thượng Hải) phát hiện mình đang mang thai đứa con thứ hai, cô không mất nhiều thời gian quyết định xem phải làm gì. Trong vòng vài phút, cô và chồng đồng ý đặt lịch phá thai càng sớm càng tốt.
Trên bàn mổ, Liu cảm thấy tội lỗi nhưng không hối hận về quyết định.
“Chúng tôi đã cạn kiệt tiền bạc và sức lực cho đứa con đầu lòng. Làm thế nào chúng tôi có thể chăm sóc cho đứa thứ hai?”, Liu bày tỏ.
Nhiều bậc cha mẹ ở Trung Quốc có suy nghĩ giống cô. Các gia đình quyết định không sinh thêm con vì lo ngại ảnh hưởng đến kinh tế, cuộc sống của cả nhà có thể thấy ở nhiều vùng miền trên khắp cả nước.
Không con cái, thu nhập tăng gấp đôi
Các cặp vợ chồng sống ở các thành phố lớn có lý do riêng để không muốn có thêm con.
Đối với nhiều người, những vấn đề đi kèm với việc nuôi dạy một đứa trẻ - gánh nặng tài chính, thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ em và sự cạnh tranh khốc liệt về chỗ học - đơn giản là quá nặng nề.
Stella (29 tuổi, Thượng Hải) đã kết hôn với chồng được hơn 5 năm, nhưng hai người không có kế hoạch sinh con. Bạn bè coi họ là người dũng cảm khi chấp nhận lối sống DINK, viết tắt của Double Income, No Kids (tạm dịch: Không con cái, thu nhập tăng gấp đôi).
Song, Stella nói thực tế kém hào nhoáng hơn nhiều.
“Không phải chúng tôi không muốn có con, mà là chúng tôi không đủ can đảm”, cô chia sẻ.
Stella nhớ lại đêm trước khi kết hôn vào năm 2015, cô và chồng thống nhất không sinh con cho đến khi ổn định hoàn toàn. 5 năm qua, họ từng bước hướng tới mục tiêu đó.
Sau khi tốt nghiệp đại học, cả hai đều cố gắng bám trụ lại ở Thượng Hải thay vì về quê nhà ở Phúc Kiến.
Họ tìm được việc làm, mua xe hơi và sở hữu căn hộ rộng 60 m2.
Dẫu vậy, cả hai đều chưa thấy sẵn sàng. Stella vẫn đau đầu với một loạt vấn đề cần giải quyết trước khi có con: mua một căn hộ lớn hơn, liệu cha mẹ 2 bên có thể đến giúp chăm sóc cháu, mang thai có khiến cơ hội thăng tiến công việc biến mất.
Từ đó, câu trả lời vẫn là “Không” khi hai vợ chồng nghĩ đến chuyện sinh em bé.
Ở thành phố lớn, chi phí liên quan đến việc nuôi dạy một đứa trẻ rất tốn kém.
Trong một cuộc khảo sát năm 2017 của công ty tư vấn TF Securities, ước tính các bậc cha mẹ ở Bắc Kinh tốn ít nhất là 78.000 NDT (11.500 USD) cho các chi phí nuôi dạy con cái trong 1 năm - tương đương với thu nhập của một hộ gia đình ở mức trung bình.
Báo cáo cho thấy nếu tính thêm các khoản phụ như chi phí chăm sóc trẻ nhỏ và đầu tư vào dịch vụ chất lượng cao hơn, tổng số tiền có thể lên đến hơn 2,5 triệu NDT.
“Đặc biệt ở các thành phố lớn, những người trẻ có trình độ học vấn cao sẽ không chấp nhận đánh đổi lợi ích cho việc nuôi dạy con cái. Việc họ chọn sinh ít con hơn hoặc thậm chí không có con là điều không thể tránh khỏi”, Wang nói.
Nhà giàu mới sinh con thứ hai
Xu hướng này khiến giới chức lãnh đạo Trung Quốc đau đầu. Chính quyền địa phương đang cố gắng thay đổi tình hình.
Vào tháng 4, tỉnh Sơn Tây ban hành một văn bản khuyến khích các nhà tuyển dụng cung cấp khoản trợ cấp chăm sóc trẻ em hàng tháng trị giá 200 NDT cho các bậc cha mẹ có con dưới 3 tuổi.
Tháng 5, Bắc Kinh tăng khoản tiền các bà mẹ có thể nhận được thông qua bảo hiểm thai sản.
Nhưng với những cặp vợ chồng có thu nhập trung bình, các thay đổi ấy chưa đủ lấp đầy nỗi lo của họ.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các gia đình đông thành viên là những người thuộc tầng lớp thượng lưu, giàu có.
Tại Thượng Hải, phụ nữ ở độ tuổi 30-39 có bằng cử nhân và thu nhập hộ gia đình trên mức trung bình có nhiều khả năng sinh con thứ hai hơn, theo thống kê của Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải công bố năm ngoái.
“Bây giờ, minh chứng cho thấy bạn xuất thân từ một gia đình lắm tiền là quyết định có thêm đứa con nữa”, Liu nói.
Tỷ lệ sinh thấp kỷ lục
5 năm trước, chính phủ Trung Quốc tuyên bố chấm dứt chính sách một con và cho phép cha mẹ được sinh con thứ hai.
Tuy nhiên, viễn cảnh bùng nổ số lượng trẻ sơ sinh chào đời đã không xảy ra như dự đoán.
Sau mức tăng ban đầu vào năm 2016, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã giảm trong 3 năm liên tiếp. Năm 2019, cả nước chỉ ghi nhận 14,65 triệu ca sinh. Tỷ lệ sinh giảm xuống 10,5/1.000 người - mức thấp nhất kể từ năm 1952.
“Theo nghiên cứu mới nhất, chúng tôi tin rằng Trung Quốc đã rơi vào bẫy sinh sản thấp. Tỷ lệ sinh thấp trong thời gian dài sẽ gây ra tăng trưởng dân số âm, dẫn đến thách thức to lớn với hệ thống kinh tế và xã hội”, Wang Guangzhou, nhà nghiên cứu tại Viện Dân số và Kinh tế Lao động thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết.
Các nhà chức trách Trung Quốc đã đưa ra một loạt các biện pháp để tăng tỷ lệ sinh, từ bắt buộc các cặp vợ chồng muốn ly hôn phải trải qua giai đoạn suy nghĩ lại, cho đến nới lỏng các quy tắc kế hoạch hóa gia đình.
Tuy nhiên, chúng không mấy hiệu quả. Đối với nhà nghiên cứu Wang, số lượng người độc thân và ly hôn ngày càng tăng là điều không thể tránh khỏi khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển và cuộc sống ngày càng hiện đại hóa.
Không muốn lặp lại vất vả
Nhiều cặp vợ chồng trung lưu chỉ đơn giản là không quan tâm đến việc sinh thêm con.
Mặc dù Yoyo Zhao có đủ điều kiện, cô vẫn cảm thấy sợ sệt khi nghĩ đến việc nuôi dạy một đứa trẻ khác.
“Một số người xung quanh tôi nói rằng có hai con nhân đôi hạnh phúc, nhưng tôi sẽ không bao giờ ghen tị với cuộc sống của họ. Tôi tin rằng sự khổ sở cũng tăng lên tương tự”, người phụ nữ 36 tuổi nói.
Kể từ khi có con trai vào năm 2012, cuộc sống của Zhao và cuộc hôn nhân của cô hoàn toàn thay đổi.
Trước kia, khi chưa có con, Zhao và chồng sẽ ăn mừng sinh nhật bằng cách đi ăn nhà hàng, thưởng thức bữa tối thịnh soạn. Nhưng giờ thì chuyện đó không còn xảy ra.
“Hôm sau con trai tôi phải tham gia cuộc thi ở lớp ngoại khóa của nó. Tôi phải về nhà sớm để giúp chuẩn bị”, Zhao thở dài.
Mặc dù Zhao và chồng cô đã dành nhiều năm để chuẩn bị sinh con, họ vẫn không nghĩ thực tế lại có nhiều khó khăn đến vậy.
Trong suốt thời gian mang thai, Zhao phải kiểm soát cân nặng của mình vì lo sợ mắc bệnh. Cô cũng phải mổ cấp cứu sau một ca vượt cạn khó khăn.
Khi con trai đến tuổi học mẫu giáo, Zhao nhận thấy mình phải chi những khoản tiền lớn cho các lớp học thêm. Hầu hết phụ huynh Trung Quốc coi đây là điều cần thiết để đảm bảo con cái không bị tụt hậu trong hệ thống trường học cực kỳ cạnh tranh ở đất nước họ.
Điều đó đồng nghĩa với chuyện người mẹ phải tiết kiệm và ít nuông chiều bản thân hơn.
Từ khi sinh con, Zhao bắt đầu thành bà mẹ bỉm sữa. Cô ngừng trang điểm vì sợ con trai liếm phải, không đeo trang sức vì sợ làm xước da con.
Phần lớn thời gian rảnh rỗi, cô dành để đưa con trai đi học hội họa, tiếng Anh và các lớp học thêm khác.
Đối với Zhao, 8 năm trôi qua như vậy là quá đủ. “Tôi không còn nhiều năng lượng để chăm sóc đứa con thứ hai và không muốn lặp lại những thứ kể trên thêm lần nữa”.
Mặc dù một số lo lắng rằng trẻ sẽ bị cô đơn nếu không có anh chị em, Zhao khẳng định các bậc cha mẹ cùng thế hệ với mình đều là những đứa con duy nhất trong gia đình, vào giai đoạn chính sách một con bắt đầu được áp dụng.
“Tôi chưa bao giờ cảm thấy cô đơn trong suốt thời thơ ấu của mình. Thay vì cho con trai có em, tôi hy vọng thằng bé có thể học cách kết bạn”, người mẹ cho hay.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cha-me-trung-quoc-tu-choi-de-vi-can-kiet-tien-bac-post1145627.html