'Cha nuôi' biên phòng

Cũng khá lâu, chúng tôi mới có dịp công tác và ở lại Đồn Biên phòng La Êê (Bộ đội Biên phòng Quảng Nam, đóng tại xã La Êê, H. Nam Giang). Trong tiết trời còn se lạnh và mờ sương nơi biên cương, khi nghe tiếng kẻng báo thức buổi sáng, chúng tôi thấy sự xuất hiện của 2 em nhỏ cùng dậy tập thể dục với cán bộ chiến sĩ đơn vị. Hỏi ra mới biết, 2 em là 'con nuôi Đồn Biên phòng'.

Cũng khá lâu, chúng tôi mới có dịp công tác và ở lại Đồn Biên phòng La Êê (Bộ đội Biên phòng Quảng Nam, đóng tại xã La Êê, H. Nam Giang). Trong tiết trời còn se lạnh và mờ sương nơi biên cương, khi nghe tiếng kẻng báo thức buổi sáng, chúng tôi thấy sự xuất hiện của 2 em nhỏ cùng dậy tập thể dục với cán bộ chiến sĩ đơn vị. Hỏi ra mới biết, 2 em là "con nuôi Đồn Biên phòng".

Cán bộ Đồn Biên phòng La Êê kèm cặp dạy 2 em học bài trước khi đến trường.

Cán bộ Đồn Biên phòng La Êê kèm cặp dạy 2 em học bài trước khi đến trường.

Đó là em A Lăng Xuân (2009), học sinh lớp 5/1, Trường Tiểu học liên xã La Êê, Chơ Chun và em BLong Chuyển (2007) học sinh lớp 7, Trường THCS liên xã La Eê, Chơ Chun đều là dân tộc Cơ Tu (cùng trú thôn BLăng, xã Chơ Chun). 2 em được cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng La Êê nhận làm con nuôi đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Em A Lăng Xuân cha mất sớm, ở với mẹ, nhà đông con nên gia đình thuộc diện rất khó khăn. Còn với BLong Chuyển hoàn cảnh gia đình rất thương tâm. Từ khi BLong Chuyển sinh ra được 4 tuổi thì bố chết và người mẹ lập gia đình riêng, rồi em về ở với ông ngoại từ nhỏ cho đến bây giờ, gia đình nghèo khó, cuộc sống của hai ông cháu nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Thấu hiểu và chia sẻ với hoàn cảnh gia đình 2 em, sau khi khảo sát, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng La Êê đã làm việc với gia đình và địa phương quyết định nhận 2 em làm con nuôi. Quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc 2 em, đơn vị luôn kết nối gia đình, nhà trường, địa phương để đảm bảo cho 2 em được chăm sóc tốt nhất. Sau một thời gian về sống cùng với các chú bộ đội Đồn Biên phòng La Êê, 2 em cũng dần quen với nhịp sống trong "ngôi nhà mới" nơi có những "cha nuôi" mang quân hàm xanh luôn tận tình yêu thương, chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ, bố trí chỗ ăn, ở, sinh hoạt cho 2 em phù hợp, chu đáo. Đơn vị đã dành riêng một phòng để làm góc học tập cho 2 em, có các đồ dùng và phương tiện sinh hoạt cần thiết.

Cán bộ biên phòng bày các em gấp chăn màn theo "phong cách quân nhân".

Cán bộ biên phòng bày các em gấp chăn màn theo "phong cách quân nhân".

Từ khi được nhận làm "con nuôi đồn Biên phòng", mỗi sáng, Xuân và Chuyển dậy sớm, tập thể dục, gấp chăn màn theo "phong cách quân nhân". Hằng đêm, dưới ánh đèn, 2 em được sự kèm cặp, chỉ bảo tận tình của cán bộ chiến sĩ nên kết quả học tập tiến bộ rõ rệt. Là người trực tiếp kèm cặp 2 em trong học tập, sinh hoạt, Thượng úy Zơ Râm Nghép, cán bộ Đồn Biên phòng La Êê chia sẻ: "Chúng tôi rất đồng cảm với hoàn cảnh gia đình khó khăn của 2 em nên xem các em như những người em, người con thân thiết trong gia đình. Ngoài việc kèm cặp học tập, sinh hoạt ở đơn vị, mỗi bữa đi học, chúng tôi thường căn dặn, đi học phải chú ý nghe giảng, ghi chép cẩn thận, xưng hô lễ phép. Chúng tôi nghĩ rằng việc giúp các em đó là tình cảm, nhưng cũng là trách nhiệm của người lính biên phòng đối với người dân trên địa bàn".

Thượng tá Quách Thiện Dư - Chính trị viên Đồn Biên phòng La Êê cho biết: Tuy đơn vị còn nhiều khó khăn, song với phương châm "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt", chúng tôi đã thống nhất quyết định nhận nuôi 2 cháu để cho các cháu có nơi ăn ở, được quản lý, giáo dục, được học tập và rèn luyện tại Đồn. Thấy các em ngày càng ngoan hiền, lễ phép và học hành tiến bộ từng ngày đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của chúng tôi. Ngoài nuôi dưỡng 2 em, đơn vị còn cử cán bộ địa bàn thường xuyên đến thăm hỏi, giúp đỡ gia đình 2 em như tặng gạo trích từ "Hũ gạo tình thương" của đơn vị và một số nhu yếu phẩm khác.

Theo Thượng tá Hoàng Văn Mẫn - Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Nam: Cũng như Chương trình "Nâng bước em tới trường" mà lực lượng BĐBP thực hiện trong nhiều năm qua, mô hình "Con nuôi đồn Biên phòng" sẽ là mô hình tiếp sức, nuôi dưỡng những ước mơ cho các em học sinh nghèo vùng biên giới. Hưởng ứng mô hình này, hiện nay, các đơn vị biên phòng tuyến biên giới đã nhận nuôi 7 cháu tại đơn vị. Thời gian đến, sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra tất cả đơn vị trên 2 tuyến biên giới và biển đảo. Chúng tôi hy vọng, chương trình sẽ được lan tỏa trong xã hội, các em học sinh vùng biên giới, biển đảo sẽ đón nhận thêm nhiều hơn nữa những tấm lòng nhân ái, giúp các em viết tiếp những ước mơ cuộc đời.

VĂN VINH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_221198_-cha-nuoi-bien-phong.aspx