Cha ơi! Con mong cha từng ngày...
Cuộc sống tình cảm 'cơm không lành, canh không ngọt', đã khiến cho vợ chồng rạn nứt. Vợ bỏ đi, để lại Phong cảnh 'gà trống' nuôi ba đứa con thơ dại, khổ cực bủa vây, Phong vẫy vùng giữa bộn bề gian khó. Rồi, đau thương ập đến khi anh đã nặng tay đánh tử vong con gái mình… chỉ vì 'tiền'.
Bà Hoàng Thị Minh mẹ của bị cáo Đỗ Hữu Phong (SN 1979, trú tại xã K’Dang-Đăk Đoa-Gia Lai) cũng là bà của bị hại hiện đang cùng chồng nuôi dạy 2 đứa con của Phong, nước mắt ngắn dài khi kể về cuộc sống lúc con trai mình mới lập gia đình. Bà cho biết, vì hoàn cảnh khó khăn nên tình cảm giữa vợ chồng con trai bà “cơm không lành, canh không ngọt”.
Hai vợ chồng suốt ngày lục đục. Rồi chuyện gì đến cũng đến, vợ Phong bỏ đi khi đứa con trai út mới lên 7 tháng tuổi. Từ đây, một tay Phong vừa làm cha, lại vừa làm mẹ nên phải “đầu tắt mặt tối” chạy vạy ngược xuôi nhằm kiếm tiền nuôi 3 đứa con từ miếng ăn, hộp sữa đến học hành. Gia tài chỉ vỏn vẹn vài trăm cây cà phê, mỗi khi rảnh rỗi, người đàn ông này lại đi cắt cỏ thuê trong rẫy cao su để giành dụm tiền, nuôi con ăn học. Tối đến hết pha sữa cho đứa nhỏ, lại dạy đứa lớn học bài. Cuộc sống của bốn cha con, cứ lặng lẽ trôi êm đềm từ ngày này, qua ngày khác.
Rồi ngày tăm tối nhất đã ập đến với gia đình Phong trong một hoàn cảnh bi thương không ai ngờ tới. Vào sáng sớm ngày 20/5/2019, Đỗ Hữu Phong đã cướp đi mạng sống con gái thứ 2 của mình, khi hay tin cháu Đ.N.A (8 tuổi), lấy trộm hơn 4 triệu đồng tiền dành dụm mấy lâu nay của gã lo cho các con ăn học chỉ để mua kẹo. Trong giây phút bực tức, không làm chủ được mình, những cái vung tay, những cán chổi ập lên người A. Gã không ngờ, hành động của mình đã khiến nạn nhân ra đi mãi mãi sau đó chỉ vài tiếng đồng hồ.
Đứng trước HĐXX, bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Khi được nói lời sau cùng, gã ân hận vì trong phút giây nóng giận nhất thời mà bản thân đã lỡ tay cướp đi mạng sống của chính con gái ruột thịt của mình. Mặt gã cúi xuống, rồi nhìn về phía gia đình, người thân ở xung quanh, lòng thắt lại, muốn khóc nhưng nước mắt dường như bị vắt kiệt sau những ngày tháng tạm giam. Trong phút giây đó, cả hội trường nín lặng, còn Phong lí nhí “Tôi chỉ thích chết thôi, xin HĐXX tuyên tử hình tôi đi”.
Ở bàn bên cạnh, mẹ bị cáo đồng thời là người đại diện hợp pháp cho bị hại dường như không đứng vững sau câu nói đó. Bà khuỵu người xuống, hai tay cố gắng nắm lấy góc bàn để không bị ngã. Bà biết rằng, con mình gây ra tội, nhất định sẽ bị pháp luật trừng trị. Vậy nhưng, người phụ nữ tóc đã bạc này, không nghĩ con mình lại suy sụp như vậy. Tội lỗi gây ra, không gì bù đắp được. Người mất đã mất rồi, nhưng còn hai đứa trẻ con của Phong, rồi sẽ ra sao khi mẹ chúng bỏ đi, cha không còn nữa. Thân già như bà, có đủ sức để nuôi các cháu trưởng thành? Nghĩ đến đây thôi, lòng bà thắt lại… Sau giờ nghị án, HĐXX TAND tỉnh Gia Lai đã cân nhắc các tình tiết có trong vụ án, nên tuyên Đỗ Hữu Phong 15 năm tù giam về tội “giết người”.
Phiên tòa khép lại, phóng viên đã tìm về nhà của bị cáo để hiểu rõ hơn cuộc sống, hoàn cảnh gia đình Phong. Trong ngôi nhà nhỏ lụp xụp, được xây dựng từ những viên gạch thô, 2 vợ chồng bà Minh năm nay đã ngoài 60 tuổi thay Phong nuôi dạy 2 đứa nhỏ (một đứa học lớp 8, một đứa học lớp 2) tâm sự: “Từ ngày tai họa ập đến, vợ chồng già thay cha mẹ chúng nuôi hai đứa cháu nhỏ. Nhiều đêm, Việt (con trai đầu của Phong 14 tuổi-PV), nức nở khóc. Già hỏi thì cháu nói nhớ bố, thương bố. Những lúc vậy, bà cháu chỉ biết ôm lấy nhau mà ngẹn ngào. Giờ già đã có tuổi rồi, ốm đau triền miên, không biết có nuôi được các cháu “trọn vẹn” hay không. Mong pháp luật xem xét lại hoàn cảnh, để sau này phúc thẩm giảm án cho nó”.
Cứ thế, mỗi ngày trôi qua, hai ông bà do tuổi cao sức yếu không làm được việc gì nên lủi thủi đưa, đón các cháu đi học. Đồng lương ba cọc, ba đồng của bà sau khi nghỉ chế độ công nhân cao su là nguồn sống duy nhất, để giúp gia đình vượt qua chặng đường cơ hàn từ đây đến mai sau. Ngồi bên cạnh, nghe bà kể về cuộc sống khi thiếu vắng đi bàn tay chăm sóc, nuôi dạy của cả bố lẫn mẹ, Việt ngấn lệ “Con nhớ bố. Bố nuôi và dạy bảo chúng con rất nhiều. Hôm gặp bố ở tòa, con chỉ biết khóc không nói được gì, mãi khắc ghi lời bố dặn lúc đó “ở nhà trông em, nghe lời ông bà”. Con bây giờ chỉ cần có cái ăn bình thường thôi, không có thịt cá con vẫn chịu được, chỉ mong bố sớm trở về”.
Con mình sinh ra, bà Minh là người hiểu rõ hơn ai hết về tính cách của Phong. Dân gian thường có câu, “Hổ dữ không ăn thịt con”, huống gì Phong luôn thức khuya, dậy sớm, tảo tần để chăm sóc bọn trẻ. Bà “hận” cái đói, cái khổ vì chính nó đã gây áp lực cơm áo, gạo tiền đè nặng lên cuộc sống của gia đình con trai bà. Trong giây, phút nóng giận, mất kiểm soát vì chữ “tiền” ấy, Phong đã “lỡ tay”, mãi cướp đi cháu gái của mình.
Mọi chuyện không ai mong muốn nhưng đã xảy ra, bà xót thương cho cháu gái bao nhiêu thì giận Phong bấy nhiêu. Giờ ông bà đã tuổi cao sức yếu, mức án sơ thẩm của Phong quá dài, bà sợ mình không đủ sức khỏe để nuôi các cháu trong thời gian đợi gã chấp hành xong hình phạt tù. Nghĩ đến điều này, người phụ nữ lục tuần, chỉ hy vọng các cơ quan có thẩm quyền xem xét hoàn cảnh thực tế của gia đình, để giảm án phạt cho con trai ở phiên tòa phúc thẩm tới.
Chúng tôi chia tay vợ chồng bà Minh và hai cháu nhỏ ra về khi trời nhá nhem tối và ánh đèn điện được thắp lên. Cái Việt đưa tay quệt nước mắt, miệng mếu máo: “Nhờ các chú nhắn với cha cháu: Cha nhớ cải tạo cho tốt để nhanh về với chúng con. Ở nhà… con sẽ nghe lời ông bà và tắm rửa cho em, dạy em học bài. Chúng con mong cha từng ngày”.
Nghe những lời đầy nước mắt của con trẻ, lòng người viết se sắt lại, nghẹn đắng vì thương. Ước gì cuộc đời cho các cháu niềm tin về một tương lai được thắp sáng như cái ánh sáng của dòng điện kia mãi đẩy lùi bóng tối dạt về phía sau lưng...