Cha thất nghiệp vì Covid-19, con mệt nhoài đợi tiền chạy thận
Co người trên chiếc ghế ngoài hành lang, Gia Bảo mệt mỏi chờ đợi đến lượt chạy thận. Sau lần này, không biết con còn có thể tiếp tục điều trị hay không, bởi người duy nhất khả năng kiếm tiền là cha con đã thất nghiệp.
Cuối năm 2012, Gia Bảo mới hơn 2 tuổi, thường xuyên sốt và ho. Mẹ con khi ấy đang mang bầu sắp đến ngày sinh, chỉ có thể đưa con đến cơ sở y tế tư nhân gần nhà để khám bệnh. Bác sĩ không tìm ra nguyên nhân, chẩn đoán chỉ là cúm thông thường rồi kê thuốc cho về uống. Thế nhưng cơn sốt không thuyên giảm, thậm chí còn nặng hơn.
Chị Hiếu nghẹn ngào: “Tôi sinh bé sau được 1 tuần thì bỗng thấy người Gia Bảo tím tái, may mà đưa đi cấp cứu kịp thời ở Bệnh viện Nhi Quảng Nam chứ không chắc con chết mất rồi. Sau khi qua cơn nguy hiểm, con phải nằm viện để theo dõi. Về sau thấy bụng con càng ngày càng to, bác sĩ làm xét nghiệm thì ra kết quả viêm cầu thận cấp.
Lúc đó con bắt đầu đi tiểu ra máu, cơ thể ngày càng phù, phải thở oxy. Tôi sợ quá gọi gấp cha bé đang làm phụ hồ trong Nam về đưa con đi Bệnh viện Nhi Đà Nẵng, rồi chuyển con vào TP.HCM. Cơ thể yếu ớt của con thậm chí đã phải nhận cái lắc đầu của bác sĩ, nhưng chúng tôi cầu xin, còn nước thì còn tát. May mà con vượt qua được”.
Thương Gia Bảo bệnh tật đau đớn, chị Hiếu quyết định ẵm con nhỏ mới vài tháng tuổi vào thành phố để được gần và chăm sóc. Khoảng thời gian ấy, chị vừa chật vật vì con nằm viện triền miên, vừa phải lo chi phí ăn ở và chăm sóc bé út. Hai vợ chồng đuối sức, phải nhờ tới anh em, họ hàng cứu giúp mới vượt qua khó khăn.
Năm Gia Bảo 6 tuổi, con bị cao áp phổi, suy tim. Trước đó, chị Hiếu cố gắng lắm mới tìm được người nhận trông 2 đứa nhỏ để đi làm, nhưng con trai bệnh trở nặng, chị đành phải nghỉ hẳn. Một mình chồng chị gánh chi phí chữa bệnh cho con, tiền sinh hoạt và mướn trọ, chẳng tháng nào kiếm đủ.
“Năm 2018, bác sĩ nói con bị suy thận rồi, chuyển qua Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị tiếp. Dù tôi cố gắng chăm sóc con kỹ càng, nhưng vẫn là không thoát được bệnh tật. Cách đây hơn 1 năm, con bắt đầu chạy thận", chị ngậm ngùi.
Cậu bé vốn đã ít nói, từ ngày phát bệnh, con gần như chẳng nói năng gì. Lúc nào cũng chỉ sợ đến thứ 2 là phải đi chạy thận. Nhớ đến những đau đớn của con, người mẹ quay đi, gắng không cho con trai nhìn thấy nước mắt ướt đẫm chiếc khẩu trang y tế.
Trong quá trình điều trị, bệnh của Gia Bảo còn bị biến chứng dẫn đến động kinh, đục thủy tinh thể. Đến nay dù đã 11 tuổi, trông con chỉ bằng đứa trẻ mới 5-6 tuổi, nhỏ bé, non nớt. Suốt 9 năm qua, bệnh viện trở thành ngôi nhà thứ hai của con.
Cũng suốt từng ấy năm, vợ chồng chị Hiếu cố gắng tằn tiện để chăm sóc con, nhưng đồng lương phụ hồ ít ỏi của chồng chị không bao giờ đủ. Vay mượn, nợ nần chồng chất, họ vẫn nuôi hy vọng cứu con, cho đến khi dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ 4 tại TP.HCM, chồng chị thất nghiệp.
Nội ngoại hai bên đều khó khăn, cha mẹ già yếu, bệnh tật, quá trình chữa bệnh lại kéo dài, ai giúp được đều đã giúp, ai có thể vay đều đã vay. Với khoản phí 8 triệu đồng/tháng cho Gia Bảo chữa bệnh, anh chị chẳng còn đường nào xoay sở.
“Không đủ thuốc uống nên có hôm đi chạy thận về, bé lên cơn động kinh, cả người giật cứng ngắc, chúng tôi lại phải đưa con đi bệnh viện, có người thấy thương thì giúp cho chút ít, nhưng không thấm vào đâu cả.
Mệnh đứa nhỏ khổ mới rơi vào gia đình chúng tôi, giờ cha bé cũng thất nghiệp rồi, con coi như cũng hết đường cứu chữa rồi. Đau đớn quá các cô chú ạ”, người mẹ nghèo nức nở.