Chấm dứt HĐLĐ với lao động nữ nghỉ thai sản

Em là nhân viên hợp đồng công nhật thuộc loại hợp đồng không xác định thời hạn. Sau khi em nghỉ thai sản 06 tháng, khi trở lại làm việc thì cơ quan ra thông báo cho nghỉ việc. Em muốn hỏi như vậy có đúng với quy định không?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thứ nhất, theo thông tin bạn cung cấp, bạn được ký hợp đồng không xác định thời hạn. Sau khi bạn nghỉ thai sản 06 tháng, khi trở lại làm việc thì cơ quan ra thông báo cho nghỉ việc.

Bộ luật lao động 2012 quy định tại Điều 39 người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

"Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

3- Lao động nữ quy định tại khoản 3 Điều 155 của Bộ luật này.

4- Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội" (Điều 39).

Theo các quy định nêu trên, công ty chấm dứt hợp đồng lao động với bạn sau khi bạn nghỉ hưởng chế độ thai sản là không đúng pháp luật.

Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ

3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

Thứ hai, nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

"1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước" (Điều 42).

Như vậy, theo quy định của pháp luật khi công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì phải có nghĩa vụ như sau:

- Công ty sẽ phải nhận bạn trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày bạn không được làm việc cộng với ít nhất hai tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

- Trường hợp công ty không muốn nhận lại bạn vào làm việc và bạn đồng ý để chấm dứt hợp đồng lao động, công ty phải trả cho bạn khoản bồi thường trên cùng với trợ cấp thôi việc và một khoản bồi thường khác do hai bên tự thỏa thuận nhưng tối thiểu bằng hai tháng lương theo hợp đồng lao động.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, HN.

Ban Bạn đọc

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/ban-doc/hoi-am/cham-dut-hdld-voi-lao-dong-nu-nghi-thai-san-464298.html