Chấm dứt hoạt động du lịch cưỡi voi tại Buôn Đôn
Theo đơn vị quản lý, việc chấm dứt dịch vụ du lịch cưỡi voi nhằm bảo tồn đàn voi nhà theo lộ trình từ du lịch cưỡi voi sang du lịch thân thiện với voi.
Sáng 10/2, đại diện lãnh đạo Chi nhánh Du lịch và Khách sạn Biệt Điện (Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk), đơn vị đang kinh doanh hoạt động du lịch tại Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn cho biết, bắt đầu từ ngày hôm nay (10/2), đơn vị sẽ chính thức dừng hoạt động du lịch cưỡi voi tại Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn.
Thời gian qua, đơn vị kinh doanh du lịch có 6 con voi phục vụ khách du lịch tại Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn. Tuy nhiên, cả 6 con voi này chưa nhận được kinh phí hỗ trợ theo quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn.
“Mặc dù vậy, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, đơn vị đã có quyết định dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ cưỡi voi tại Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn. Việc này sẽ được đơn vị giao cho Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn triển khai thực hiện nghiêm túc, triệt để và tư vấn cho khách tham quan chuyển sang sử dụng sản phẩm du lịch thân thiện với voi và các sản phẩm khác”, vị lãnh đạo này thông tin thêm.
Vào giữa năm 2022, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt “Dự án hỗ trợ kỹ thuật việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện” với voi trên địa bàn tỉnh do Tổ chức động vật châu Á tài trợ, tổng giá trị khoản viện trợ là hơn 55 tỷ đồng.
Trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại là 50 tỷ 888 triệu đồng, vốn đối ứng từ nguồn ngân sách sự nghiệp được bố trí cho Trung tâm Bảo tồn voi, cứu trợ động vật và quản lý bảo vệ rừng hằng năm là 4 tỷ 564 triệu đồng. Mục tiêu của dự án nhằm triển khai mô hình hoạt động du lịch thân thiện với voi, chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi và nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi nhà và duy trì, bảo tồn quần thể voi nhà trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Trước đó vào năm 2018, Tổ chức Động vật châu Á cũng đã tài trợ số tiền 65.000 USD trong vòng 5 năm để Vườn Quốc gia Yok Đôn chuyển đổi mô hình từ cưỡi voi sang du lịch thân thiện đối với 3 con voi. Hiện mô hình này đang được cộng đồng cũng như khách du lịch hết sức ủng hộ.
Được biết, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện chỉ còn 37 cá thể voi nhà và khoảng 80 đến 100 cá thể voi rừng. Để bảo tồn đàn voi nhà, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chính sách hỗ trợ đối với việc chăm sóc, voi nhà sinh sản… Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, đàn voi nhà trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có voi cái nào sinh nở thành công và đàn voi nhà đang ngày càng bị giảm dần…