Chấm dứt loạn giá khám chữa bệnh theo yêu cầu

Việc Bộ Y tế ban hành Thông tư 13/2023/TT-BYT (Thông tư 13) về khám chữa bệnh theo yêu cầu được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng loạn giá khám của các cơ sở y tế hiện nay.

Giá khám của giáo sư cao ngất ngưởng

Tại một số cơ sở y tế tuyến cuối như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, nhiều năm qua, giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu được người dân phản ánh là rất cao. Cụ thể, tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, mức giá khám của giáo sư, phó giáo sư là 500.000 đồng; giá khám của tiến sỹ, hoặc bác sỹ chuyên khoa II là 400.000 đồng; giá khám của thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa I là 300.000 đồng, khám theo yêu cầu thông thường là 200.000 đồng.

Viện Da liễu Trung ương có hẳn Khu khám bệnh theo yêu cầu. Theo đó, người bệnh có nhu cầu có thể đến đặt số thứ tự hoặc gọi điện thoại trước để đặt lịch khám các với giáo sư, phó giáo sư. Với khám trong giờ hành chính, giá khám của giáo sư là 350.000 đồng, của phó giáo sư là 250.000 đồng. Với khám ngoài giờ hành chính, giá khám của giáo sư là 500.000 đồng, của phó giáo sư là 300.000 đồng.

Theo lãnh đạo các bệnh viện, việc ban hành giá khám chữa bệnh theo yêu cầu tạo cơ hội cho bệnh viện có nguồn lực tài chính để đãi ngộ, động viên cán bộ, công nhân viên an tâm công tác, phục vụ người bệnh tốt hơn.

Điều này cũng là thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, thu hút được nguồn lực xã hội hóa trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Bệnh viện có thể ký hợp tác công - tư, hợp tác với nước ngoài trong hoạt động khám chữa bệnh.

Còn tại Bệnh viện Tim Hà Nội, giá khám của giáo sư là 600.000 đồng; Bệnh viện Mắt Trung ương giá khám của giáo sư ở mức 300.000 đồng... Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, khám với giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ chuyên khoa II hoặc bác sỹ là trưởng khoa, phó khoa là 500.000 đồng/lượt khám; khám với bác sỹ là thạc sỹ, bác sỹ, bác sỹ chuyên khoa I là 300.000 đồng/lượt khám.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Bạch Mai trong nhiều năm qua, hầu hết giá khám cũng như giá dịch vụ kỹ thuật chủ yếu thực hiện theo giá bảo hiểm y tế, nếu có khám theo yêu cầu thì thu với giá thấp. Giá khám với giáo sư, phó giáo sư thực thu là 150.000 đồng; giá khám với tiến sỹ, bác sỹ chuyên khoa II là 120.000 đồng, giá khám với thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa I là 70.000 đồng.

Giá khám chữa bệnh theo yêu cầu được cho là “loạn cào cào”, mạnh ai nấy làm, bởi không có quy định cụ thể cho việc này.

Tình trạng trên được kỳ vọng chấm dứt sau khi Bộ Y tế ban hành Thông tư 13 về khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Chia sẻ về câu chuyện giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, PGS-TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Thông tư 13 hướng dẫn chi tiết việc triển khai dịch vụ tại các cơ sở y tế công lập. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để bệnh viện công dựa vào đó xây dựng giá khám chữa bệnh, giá kỹ thuật theo yêu cầu của người bệnh trên từng bệnh viện.

Sau khi Thông tư 13 ban hành, Bộ Y tế cho phép giá khám chữa bệnh tại các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 tối đa lên tới 500.000 đồng/lần khám. Với quy định giá trần này, Bệnh viện Bạch Mai đang nghiên cứu để áp dụng.

“Chúng tôi sẽ không áp dụng đồng loạt giá cao, mà theo các mức để người dân có quyền lựa chọn tùy theo yêu cầu và điều kiện kinh tế của bản thân”, ông Đào Xuân Cơ nói.

Tránh cắt xén quyền lợi bệnh nhân bảo hiểm

Hiện dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về việc khám dịch vụ có thật sự khác biệt? Liệu rằng giá khám bệnh chênh lệch nhau bởi học hàm, học vị có phù hợp?

Bàn về vấn đề này, một bác sỹ đang công tác tại Bệnh viện Xanh Pôn cho rằng, cần phân biệt giữa khám chuyên gia và khám chung. Khám chuyên gia có thể thu tiền cao hơn khám chung, song khám chuyên gia không nhất thiết là giáo sư, tiến sỹ, cứ bác sỹ nào giỏi thì được gọi là chuyên gia.

Một bác sỹ chuyên về cấp cứu thì cho rằng, những người có hàm học vị cao như giáo sư, phó giáo sư khi về hưu, bệnh viện muốn sử dụng chất xám của họ, mời họ về thì bắt buộc phải bỏ nhiều tiền hơn, nên tiền khám dịch vụ mà người dân phải trả nhiều hơn là hợp lý. Tuy nhiên, không ít phòng khám mời các giáo sư không đúng với chuyên môn hoặc giáo sư “bàn giấy”, chủ yếu để quảng cáo, “làm màu”, gây thiệt hại cho người bệnh. Do vậy, việc một số cơ sở y tế chỉ căn cứ vào chức danh giáo sư để thu tiền bệnh nhân cao là chưa hợp lý.

Qua thực tế khám bệnh nhiều năm, vị bác sỹ này khẳng định, những bác sỹ nào lăn lộn với bệnh nhân, va chạm thực tiễn nhiều hơn, khám có chất lượng hơn hẳn những giáo sư “bàn giấy”.

Về giá giường bệnh, trước đây, khi chưa có Thông tư 13, nhiều bệnh viện lạm dụng khám chữa bệnh theo yêu cầu. Có những cơ sở, khoa phòng dành tới 60-70% giường theo yêu cầu, buộc bệnh nhân phải nằm giường dịch vụ với giá cao.

Theo Thông tư 13, lãnh đạo các bệnh viện chỉ được phép cho các chuyên gia y tế, bác sỹ giỏi dành 30% thời lượng làm việc để khám chữa bệnh theo yêu cầu, còn về cơ bản phải phục vụ khám chữa bệnh cho tất cả người dân. Thông tư cũng yêu cầu rõ về việc giường dịch vụ chỉ được phép dưới 20%.

“Chúng tôi đang rà soát kỹ tỷ lệ giường dịch vụ. Đây là điểm các bệnh viện cần bám sát Thông tư 13, bởi nếu thực hiện quá chỉ tiêu cho phép thì người bệnh sẽ thiệt thòi”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói.n

Dương Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cham-dut-loan-gia-kham-chua-benh-theo-yeu-cau-d193468.html