Chấm dứt sự can thiệp từ nước ngoài là 'cứu cánh' cho Libya

Hội nghị quốc tế về hòa bình Libya diễn ra tại Đức ngày 19-1, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc (LHQ), với sự tham gia của các phe đối địch chính tại Libya cùng những nước lớn tham dự, được trông đợi sẽ gợi mở giải pháp cho hòa bình tại quốc gia Bắc Phi này.

Tham dự hội nghị có đại diện 11 quốc gia, trong đó có Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Hai phe đối địch chính tại Libya là Thủ tướng Chính phủ Đoàn kết quốc gia (GNA) được LHQ hậu thuẫn Fayez Sarraj và Tư lệnh Quân đội quốc gia Libya (LNA) Khalifa Haftar đã đồng ý tham dự hội nghị Berlin.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh đất nước Libya chìm trong nội chiến và chia rẽ, mà một trong những nguyên nhân được cho là do tình trạng can thiệp của các quốc gia bên ngoài. Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chính phủ ở Tripoli và cho biết triển khai quân đến Libya. Ở bên kia chiến tuyến, các nước bao gồm Ai Cập, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Nga được cho là ủng hộ tướng Haftar đã có sự hỗ trợ quân sự cho lực lượng này. Ngay cả “lục địa già” cũng có sự chia rẽ liên quan tới Libya. Pháp được cho là ủng hộ tướng Haftar trong khi Italy được nhận định có mối quan hệ tốt với chính phủ của Thủ tướng Fayez Sarraj.

 Ngoại trưởng Đức Heiko Maas gặp gỡ tướng Haftar ở Benghazi trước thềm hội nghị ở Berlin (Đức). Ảnh: Reuters.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas gặp gỡ tướng Haftar ở Benghazi trước thềm hội nghị ở Berlin (Đức). Ảnh: Reuters.

Vào ngày trước khi hội nghị diễn ra, Đặc phái viên LHQ tại Libya Ghassan Salame đã kêu gọi các quốc gia bên ngoài chấm dứt can thiệp vào cuộc xung đột ở Libya. Trong cuộc trả lời phỏng vấn trước thềm hội nghị, ông Salame nhấn mạnh: “Tất cả những sự can thiệp của nước ngoài đều có khả năng mang đến tác động xoa dịu nào đó trong ngắn hạn, song điều Libya cần là chấm dứt mọi sự can thiệp từ bên ngoài. Đó là một trong những mục tiêu của hội nghị này”. Theo ông Salame, Libya kêu gọi sự giúp đỡ của các thế lực nước ngoài, tuy nhiên, “sự can thiệp của quốc tế chỉ khoét sâu thêm sự chia rẽ trong nội bộ người Libya” và do đó, “vòng luẩn quẩn này cần phải được chấm dứt”.

Chính phủ Đức cho rằng hội nghị cần nhấn mạnh mục tiêu dài hạn, đó là chủ quyền của Libya và một tiến trình hòa giải do chính người dân Libya dẫn dắt. Libya hiện đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011, lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Tại nước này đang tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn.

Trong khi đó, lực lượng quân đội miền Đông Libya do tướng Haftar đứng đầu ủng hộ chính quyền ở miền Đông. Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi tướng Haftar được Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.

Tuy nhiên, một dấu hiệu cho thấy mục tiêu hòa giải của hội nghị ở Đức khó mà đạt được, bởi hồi đầu tuần trước, tướng Haftar đã rời các cuộc đối thoại hòa bình tại Moscow (Nga) mà không ký một thỏa thuận với Chính phủ đoàn kết dân tộc.

Quyền Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng thừa nhận giữa hai lực lượng ở Libya đang có một khoảng cách rất lớn và quan hệ giữa hai bên đang rất căng thẳng. “Họ thậm chí còn không muốn ngồi cùng phòng chứ không phải là đối thoại hay gặp trực tiếp nữa”, ông nhấn mạnh.

Một mục tiêu nữa của hội nghị quốc tế về hòa bình Libya là tìm cách củng cố lệnh ngừng bắn tại Libya, đưa lệnh ngừng bắn này thành “một lệnh ngừng bắn thực sự với sự giám sát, chia tách (các nhóm đối địch), tái bố trí vũ khí hạng nặng” ra khu vực bên ngoài các khu đô thị. Mục tiêu này được đánh giá là khả thi hơn bởi khi hội nghị diễn ra, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã đích thân tới Benghazi (Libya) để gặp tướng Haftar nhằm thảo luận về tình hình Libya. Một thông điệp tích cực được đưa ra sau cuộc gặp đó là lực lượng của tướng Haftar sẽ tiếp tục tuân thủ lệnh ngừng bắn.

Bởi vậy, hội nghị được trông đợi sẽ góp phần củng cố lệnh ngừng bắn tại Libya và tái bố trí vũ khí hạng nặng ra khu vực bên ngoài các khu đô thị. Xung đột vũ trang giảm sẽ tạo cơ sở để thực hiện một tiến trình đối thoại chính trị và đặc biệt là thúc đẩy việc giảm sự can thiệp nước ngoài vào cuộc nội chiến Libya.

Con đường tiến tới hòa bình cho Libya sẽ còn rất nhiều chông gai phía trước. Vì vậy, cho dù được trông đợi vào kết quả nào đó, hội nghị lần này tại Đức vẫn sẽ chỉ là dịp để cộng đồng quốc tế chứng tỏ nỗ lực và quyết tâm chính trị nhằm tìm kiếm giải pháp, chứ khó có thể tạo ra bước ngoặt thay đổi cục diện rối ren ở quốc gia này.

XUÂN PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/cham-dut-su-can-thiep-tu-nuoc-ngoai-la-cuu-canh-cho-libya-608268