Chấm dứt thời kỳ mất mát của doanh nghiệp nhà nước - Bài 1: Doanh nghiệp nhà nước đang nhỏ đi, mờ đi

Doanh nghiệp nhà nước liệu đã hết thời? Câu hỏi đặt ra bởi những chậm trễ trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, mà còn bởi những gánh nặng khu vực này đang đặt lên vai nền kinh tế.

Có nhiều nguyên nhân khiến vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp kém hiệu quả, khiến doanh nghiệp nhà nước không hoàn thành tốt nhất sứ mệnh của khu vực nắm trong tay nguồn lực lớn của đất nước, khiến uy tín của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế giảm sút nhiều. Cần phải tư duy lại về doanh nghiệp nhà nước để chấm dứt thời kỳ mất mát này.

Hoạt động kém hiệu quả nên khu vực kinh tế nhà nước đóng góp không tương xứng vào nền kinh tế.

Bài 1: Doanh nghiệp nhà nước đang nhỏ đi, mờ đi

Doanh nghiệp nhà nước liệu đã hết thời? Câu hỏi này được đặt ra không chỉ bởi những chậm trễ trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, mà còn bởi những gánh nặng mà khu vực này đang đặt lên vai nền kinh tế.

Thập kỷ mất mát

Đầu tháng 5/2021, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết đã hoàn tất bản kiến nghị, sửa đổi Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp (Luật số 69). Khoảng 15 trang giải trình và bản phụ lục chi tiết từng điều khoản gần 60 trang cô đọng nhiều kiến thức, kinh nghiệm của ông trong hơn 30 năm nghiên cứu về phát triển doanh nghiệp nói chung và cải cách doanh nghiệp nhà nước nói riêng.

Nhưng thông điệp mà ông muốn gửi tới cho các cơ quan hoạch định chính sách không chỉ vậy. “Doanh nghiệp nhà nước tiếp tục có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng đang nhỏ đi, mờ đi nhiều. Nếu không tư duy lại về khu vực này để thay đổi những định chế tương ứng, thì mất mát sẽ còn nhiều, cả hữu hình và vô hình”, ông Cung chia sẻ với nhiều tâm tư.

Thực ra, đây không phải là thông tin mới. Cuối năm ngoái, CIEM từng có báo cáo rất chi tiết về thực trạng này khi so sánh tỷ lệ nguồn lực nắm giữ, sử dụng của khu vực doanh nghiệp nhà nước và mức đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội với các khu vực kinh tế khác (Xem bảng).

Chỉ tính riêng giai đoạn 10 năm 2011 - 2020, doanh nghiệp nhà nước phải sử dụng nhiều vốn hơn để tạo ra 1 đồng giá trị sản phẩm đầu ra, nhưng tác động không chỉ là giảm hiệu quả đầu tư, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước nói riêng, mà cả khu vực kinh tế nhà nước nói chung bị chung điều tiếng.

Điều đáng nói là, tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực, nhất là trong các ngành khai thác, chế biến, xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản, đầu tư - xây dựng cơ bản đã tồn tại trong nhiều năm, trong rất nhiều báo cáo, nhưng đến nay chưa được xử lý triệt để. Doanh nghiệp nhà nước cũng chưa được nhìn thấy đáp ứng mục tiêu và yêu cầu là làm tốt việc ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.

Nhưng sự mất mát của doanh nghiệp nhà nước - theo ông Cung, không chỉ ở góc độ hiệu quả kinh tế, hay vai trò dẫn dắt của khu vực doanh nghiệp này với nền kinh tế.

Chỉ riêng tháng 4/2021, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội bận rộn liên tục với các vụ án liên quan đến sai phạm tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước. Gần nhất, ngày 29/4, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng bị tuyên án 11 năm tù vì vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí trong vụ án sai phạm chuyển nhượng “đất vàng” ở Sabeco. Trước khi thoái vốn vào năm 2017, Nhà nước nắm 89,59% vốn tại Sabeco và Bộ Công thương là đại diện chủ sở hữu phần vốn này.

Trước đó, chiều 20/4/2021, Hội đồng Xét xử Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên án đối với 19 bị cáo trong vụ án sai phạm tại Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn II Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO), có 65% vốn nhà nước. Người bị tuyên mức án cao nhất là bị cáo Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng giám đốc TISCO, với 9 năm 6 tháng tù. Bị cáo Trần Văn Khâm, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc TISCO, bị tuyên 8 năm 6 tháng tù... Họ đều là những người được cử làm đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tính từ phiên tòa xét xử vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; sử dụng trái phép tài sản tại Vinashin vào năm 2012 đến nay, số lãnh đạo, những người có chức vụ, quyền hạn, trách nhiệm trong việc quản lý tài sản, điều hành các doanh nghiệp nhà nước phải đứng trước vành móng ngựa tiếp tục tăng lên...

“Niềm tin của xã hội, thị trường, người dân về doanh nghiệp nhà nước bị giảm đi rất đáng kể”, ông Cung trăn trở.

Dang dở nhiều nhiệm vụ tái cơ cấu

10 năm qua, Chính phủ đã thực hiện 2 chương trình tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể, năm 2012, Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 được ban hành kèm theo Quyết định 929/2012/QĐ-TTg. Sau đó, năm 2017, Quyết định 707/2017/NQ-CP phê duyệt Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cho giai đoạn 2016-2020.

Cả hai đề án trên đều có 3 nội dung cơ bản: áp đặt kỷ luật thị trường đối với doanh nghiệp nhà nước; áp dụng quản trị công ty hiện đại theo thông lệ quốc tế; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ. “Nhưng nhìn lại, các nội dung này, nhất là nội dung về áp đặt kỷ luật thị trường và áp dụng quản trị công ty hiện đại hầu như chưa thực hiện. Nội dung thứ ba về cổ phần hóa, thoái vốn cơ bản đã không hoàn thành”, ông Cung nhận định.

Điều đó có nghĩa là, thực trạng doanh nghiệp nhà nước cho đến nay nhìn chung chưa được cải thiện. Thậm chí, khi cận cảnh vào nhiều nội dung, ông Cung đã phải nhắc đến phần kém hơn, khi doanh nghiệp nhà nước không những không huy động được nguồn lực bên ngoài, mà còn không huy động hết, sử dụng một cách đầy đủ, tối đa các nguồn lực đang nắm giữ vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.

“Chưa hoàn tất 3 nội dung cơ bản nói trên của chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thì doanh nghiệp nhà nước chưa phải là công ty đúng nghĩa của nó trong kinh tế thị trường”, ông Cung thẳng thắn.

Phải nhắc lại, trước khi có Quyết định 929/2012/QĐ-TTg, vào giai đoạn 2008-2009, dưới tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế trên thế giới cùng với những yếu kém nội tại, hoạt động của nhiều doanh nghiệp nhà nước gặp khó khăn, hiệu quả kinh doanh có xu hướng giảm.

Thời điểm này, các nghị quyết của Đảng và Nhà nước đã nhắc tới sự chậm trễ, chưa chặt chẽ trong sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; trình độ công nghệ lạc hậu, quản trị doanh nghiệp còn nhiều yếu kém, hiệu quả thấp; việc phân định chức năng quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu nhà nước chưa đủ rõ...

Đặc biệt, trong Kết luận 50-KL/TW về Đề án Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI còn nhấn mạnh: “Thể chế, cơ chế quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước có nhiều sơ hở, yếu kém. Cơ cấu ngành, lĩnh vực chưa hợp lý, dàn trải, đầu tư ra ngoài ngành kém hiệu quả. Một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây thất thoát, lãng phí lớn vốn và tài sản nhà nước”.

10 năm sau, năm 2020, khi đánh giá về kết quả thực hiện các đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, văn kiện Đại hội XIII của Đảng viết rằng, cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chỉ mới tập trung vào việc sắp xếp, thu gọn số lượng doanh nghiệp, hiệu quả quản trị doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu; thiếu chiến lược phát triển doanh nghiệp; hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn thấp, chưa tương xứng với vị thế, nguồn lực đang nắm giữ.

Tất nhiên, văn kiện Đại hội tổng kết thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 đã ghi nhận nhiều kết quả làm được. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh, thực chất hơn; tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn và nâng cao hiệu quả hoạt động. Số lượng doanh nghiệp nhà nước được thu gọn, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt. Một số doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò dẫn dắt ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Quản trị doanh nghiệp được cải thiện; cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch hơn...

Việc thành lập và đưa vào hoạt động Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng được ghi nhận là một thành công, khi từng bước tách bạch chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước...

Tạm không bàn đến trách nhiệm, nhưng sự chậm trễ trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước 10 năm qua khiến vai trò thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển, trước hết là kinh tế tư nhân trong nước của khu vực kinh tế nhà nước rất không rõ ràng, đóng góp không tương xứng vào việc nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cũng như hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam.

“Doanh nghiệp nhà nước cứ mờ dần, nhỏ dần đi trong phát triển kinh tế đất nước”, ông Cung trăn trở.

+ Tốc độ tăng trưởng, hiệu quả đầu tư của kinh tế nhà nước thấp so với thành phần kinh tế khác.

+ Hiệu quả đầu tư giảm là một trong những nguyên nhân làm giảm đóng góp của kinh tế nhà nước vào tăng trưởng GDP. Chỉ số hiệu suất vốn đầu tư ICOR năm 2017 của kinh tế nhà nước là 12,62, của kinh tế ngoài nhà nước là 6,27, của FDI là 4,47.

+ Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2020 của cả nước đạt 6,35%/năm, kinh tế nhà nước chỉ đạt 4,45%, trong khi kinh tế ngoài nhà nước là 6,63%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là 9,44%.

+ Doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ khoảng 28% tổng giá trị tài sản của tất cả doanh nghiệp; nhưng tạo ra khoảng 14% doanh thu và hơn 20% tổng lợi nhuận trước thuế.

(Còn tiếp)

Khánh An

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cham-dut-thoi-ky-mat-mat-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc---bai-1-doanh-nghiep-nha-nuoc-dang-nho-di-mo-di-d142221.html