Chấm dứt tình trạng người xin tiền trên phố

Vấn nạn ăn xin đường phố lại hoành hành

(HNM) - Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, 9 tháng năm 2019 có gần 570 lượt người lang thang xin tiền (người ăn xin) trên đường phố được tập trung về trung tâm bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện nhóm đối tượng bảo kê, làm ăn có tổ chức từ nghề xin tiền. Để chấm dứt tình trạng này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có công văn gửi Công an thành phố Hà Nội; UBND các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường kiểm tra, phối hợp giải quyết.

Các cơ quan chức năng sẽ thực hiện nhiều biện pháp giải quyết tình trạng người ăn xin lang thang trên đường phố.

Xuất hiện những nhóm bảo kê

Khảo sát của phóng viên tại các nút giao như Ngã Tư Sở - Đường Láng; Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến; Lê Duẩn - Khâm Thiên; Dương Đình Nghệ - Phạm Văn Bạch… thường có người ăn xin ngồi vạ vật ở vỉa hè, đợi các phương tiện dừng đèn đỏ thì ngả mũ, nón để xin tiền. Đặc biệt, đằng sau hành động đó là sự giám sát của các đối tượng bảo kê.

Chị Cao Thị Tính, sinh năm 1974, quê ở phường Trường Sơn, thành phố Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), đã kể lại hành trình bị bóc lột trong 4 ngày với sự sợ hãi. Ngày 30-9-2019, chị ra Hà Nội và được Tuấn (người quen giới thiệu) đưa đi bán kẹo, xin tiền từ 6h30 đến 10h và 14h-21h, được 700.000 đồng. Ngày thứ 2 chị bán được 1,1 triệu đồng. Ngày thứ 3, Tuấn bắt chị xin tiền, không bán kẹo được 1,3 triệu đồng. Ngày 3-10-2019, khi chị Tính đang lang thang xin tiền ở đường Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm) thì được lực lượng chức năng đưa về trung tâm bảo trợ xã hội. 4 ngày sau, có người xưng tên Châu (vợ Tuấn) đến thăm gặp nhưng chị Tính nhất định không gặp.

Một trường hợp khác là Phan Văn Cần, sinh năm 1989, xã Tân Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) bị dị tật chân, được bạn cùng quê là Chu Văn Bắc rủ ra Hà Nội bán hàng từ ngày 26-8-2019. Hằng ngày, người đàn ông tên Liên đưa Bắc, Cần đi bán hàng và xin được 500.000-600.000 đồng/ ngày. Nếu không xin được tiền thì bị nhịn đói, bị đánh, nếu có tiền thì ngày được ăn hai bữa trưa và chiều. Lương được trả vào cuối năm, với 3 triệu đồng/tháng. Ngày 19-9-2019, tại ngã tư Phạm Ngọc Thạch - Xã Đàn, Công an phường Phương Liên (quận Đống Đa) và lực lượng chức năng đã khống chế được các đối tượng gây rối và đưa Bắc, Cần về trung tâm bảo trợ xã hội. Kiểm tra vào thời điểm này, số điện thoại của người tên Liên đã tắt.

Đáng nói, theo ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội), có nhiều trường hợp cố tình không khai báo đối tượng bảo kê đằng sau. Chẳng hạn, Tạ Quang Khánh, sinh năm 2004, quê ở Phú Thọ, chân bị liệt bẩm sinh nhưng một mực nói là tự đi xe khách lên Hà Nội, thuê nhà ở và hằng ngày thuê xe ôm đi bán kẹo, xin tiền. Hoặc trường hợp ông Ngô Quang Sự, chuyên xin tiền ở phố Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm), đã vào trung tâm bảo trợ xã hội nhiều lần nhưng chưa khi nào nói người “bảo lãnh”.

Quan tâm hơn đến đối tượng yếu thế

Theo đánh giá của các đơn vị bảo trợ xã hội, nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại nhóm bảo kê là do tâm lý “lá lành đùm lá rách” của người dân luôn thương người ăn xin khiến các đối tượng xem đó như một nghề kiếm tiền. Ngoài ra, những hành vi này mới chỉ xử phạt hành chính, từ 10 triệu đến 15 triệu đồng tại Nghị định 144/2013/NĐ-CP ngày 29-10-2013 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Mức phạt này quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Bà Phạm Thị Yên, 74 tuổi, đang len lỏi ngả mũ xin tiền ở ngã tư Dương Đình Nghệ - Phạm Văn Bạch.

Trong khi đó, các đối tượng hoạt động rất tinh vi, thường thuê người đứng trước cổng các trung tâm bảo trợ xã hội, theo dõi hành trình hoạt động của các Đội Trật tự xã hội lưu động, thông báo cho nhóm bảo kê di tản người ăn xin. Chẳng hạn, tháng 3-2019, Công an xã Mai Lâm (huyện Đông Anh) đã phát hiện một thanh niên được thuê túc trực ở quốc lộ 3 để thông báo hoạt động của Đội Trật tự xã hội lưu động thuộc Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Các đối tượng cũng thuê người theo dõi lịch trả người ăn xin về địa phương hoặc đến thăm gặp tại trung tâm bảo trợ xã hội để đưa họ trở lại hành nghề.

Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 1, đơn vị đã thu thập, cung cấp thông tin của nạn nhân cho lực lượng công an để làm căn cứ điều tra các nhóm bảo kê. Nhưng giải pháp tốt nhất hiện nay là người dân hãy làm từ thiện đúng nơi, đúng chỗ với những việc làm ý nghĩa thay vì cho tiền người lang thang. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Thanh Xuân cho biết, quận đã tuyên truyền, kêu gọi người dân dừng ngay hành động cho tiền người ăn xin vì làm như vậy đối tượng bảo kê sẽ vẫn có "đất sống".

Để giải quyết vấn nạn này, bà Dương Tuyết Nhung, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho biết, Sở đã có công văn đề nghị Công an thành phố chỉ đạo rà soát, tăng cường kiểm tra, xử lý các đối tượng bảo kê sử dụng người lang thang xin tiền có tính chất tổ chức chuyên nghiệp. Hiện Công an thành phố đang trong quá trình điều tra các nhóm bảo kê và sẽ sớm đưa ra phương án xử lý. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề nghị UBND các phường, xã, thị trấn chủ động hơn nữa trong công tác phát hiện và xây dựng kế hoạch để giải quyết dứt điểm tình trạng người lang thang xin tiền.

Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đề nghị gia đình các đối tượng yếu thế quan tâm nhiều hơn đến người thân; chính quyền các địa phương tăng cường giải pháp trợ giúp đối tượng yếu thế ngay tại gia đình, cộng đồng.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/947893/cham-dut-tinh-trang-nguoi-xin-tien-tren-pho