Chấm dứt tình trạng 'thật giả lẫn lộn'
Những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) giống cây trồng được xã hội hóa đã tạo nhiều thuận lợi cho các cơ sở tư nhân phát triển, việc trao đổi, mua bán trở nên thông thoáng hơn.
Song, bên cạnh đó còn tồn tại nhiều bất cập trong quản lý khiến thị trường giống cây trồng trong tình trạng “thật giả lẫn lộn”, gây nhiễu loạn thị trường.
“Loạn” thị trường cây giống
Dạo một vòng ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre-nơi tập trung nhiều cơ sở SXKD giống cây trồng, mới thấy hết không khí mua bán cây giống diễn ra sôi nổi. Người mua, người bán trao đổi rôm rả; xe máy, xe tải lớn nhỏ chở cây giống ra vào tấp nập. Trò chuyện với chúng tôi, anh Trần Văn Cương, ngụ ấp Phú Lợi (xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho biết, anh phải lặn lội từ 5 giờ sáng đi hàng trăm ki-lô-mét từ Hậu Giang qua Chợ Lách để tìm mua giống cam chất lượng. Mấy năm trước, do mới trồng thử nghiệm, không rành về cây giống nên anh Cương mua phải giống cây trôi nổi, kém chất lượng. Hậu quả là sau vài năm chăm sóc, anh phải chặt bỏ vì cam bị bệnh. “Rút kinh nghiệm lần trước, đợt này tôi qua tận nơi, lựa chọn kỹ mới mua nhưng có đến đây mới biết mình “lạc giữa rừng thương hiệu”, hỏi nơi nào họ cũng khẳng định cây giống lấy từ viện ra, cam kết bảo đảm chất lượng. Tìm mãi mới mua được cây giống nhưng vẫn có cảm giác chưa thực sự yên tâm”, anh Cương bộc bạch.
Trên thực tế, thời gian qua cùng với giống cây trồng bảo đảm chất lượng vẫn tồn tại không ít những loại giống cây trồng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, nhất là giống từ nông hộ nhỏ lẻ; tình trạng vi phạm bản quyền, hành vi SXKD giống cây trồng trái quy định của pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp…
Đơn cử như trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), toàn tỉnh hiện có 88 cơ sở SXKD giống cây ăn quả, cung cấp cho thị trường ước khoảng 10 triệu cây giống các loại/năm. Từ đầu năm đến nay, qua 5 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý SXKD giống cây ăn quả lâu năm bằng phương pháp nhân giống vô tính tại hai xã Long Hưng và Long Định, có 7/8 cơ sở không xuất trình được giấy chứng nhận cây đầu dòng/vườn cây đầu dòng, do chủ yếu cây giống được mua lại từ tỉnh Bến Tre; 4/8 cơ sở không có chứng từ, hóa đơn mua bán cây giống khi được kiểm tra; 8/8 cơ sở không ghi nhãn mác hoặc ghi nhãn mác không đúng quy định.
Bất cập trong quản lý
Theo số liệu điều tra sơ bộ của Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hơn 1.600 tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, buôn bán giống cây trồng, gồm: Doanh nghiệp, cơ sở hộ cá thể, tổ hợp tác, hợp tác xã, các viện, trường, trung tâm giống. Trong đó có khoảng 900 cơ sở có đăng ký quản lý, số cơ sở còn lại đang hoạt động trôi nổi, không quản lý được chất lượng. Việc có quá nhiều cơ sở kinh doanh đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý chất lượng, nguồn gốc cây giống.
Nói về khó khăn trong công tác quản lý giống cây trồng, nhiều ý kiến cho rằng vướng mắc chung của nhiều địa phương là bất cập trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Theo ông Nguyễn Quốc Lý, Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Nam Bộ, đa số nông hộ SXKD giống chưa được kiểm soát chất lượng theo quy định hiện hành. Có hiện tượng một số tiếp tay cho tổ chức, cá nhân SXKD vi phạm bản quyền và cung ứng hạt giống không qua đánh giá chất lượng và công bố hợp quy. “Ngoài ra nhiều đơn vị chưa tuân thủ đúng quy trình kiểm định, lấy mẫu và gửi mẫu thử nghiệm. Hiện chưa có cơ chế giám sát việc thực hiện tự công bố hợp quy của các đơn vị SXKD giống nhằm bảo đảm tính trung thực, khách quan. Trong khi đó, các đại lý phân phối giống có ảnh hưởng chi phối đến người mua hạt giống”, ông Lý nói.
Tương tự, theo ông Phạm Trường Yên, Phó giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ: “Hiện nay ĐBSCL chỉ có 3 tỉnh có phòng kiểm nghiệm, kiểm định lúa giống là An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp. Trong kiểm định, do không có phương tiện và nhân lực hạn chế nên việc quản lý chưa chặt chẽ. Cùng với đó, việc kiểm tra và quản lý chất lượng cây giống vô cùng khó khăn bởi trên địa bàn tỉnh có hàng chục công ty đăng ký kinh doanh lúa giống. Khi đến kiểm tra doanh nghiệp thì vùng nguyên liệu sản xuất lúa giống không nằm trong tỉnh mà ở ngoài tỉnh, nhà kho cũng ở tỉnh khác”.
Để nâng cao hiệu quả quản lý giống cây trồng, GS, TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đề xuất: “Cần có sự phối hợp, liên kết giữa các viện, trường, doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân SXKD giống. Tạo điều kiện để các hợp tác xã có đủ năng lực sản xuất giống đạt chất lượng và chứng nhận. Cùng với đó, chú ý quản lý, công nhận vườn cây đầu dòng và mở rộng diện tích cây đầu dòng, đáp ứng nhu cầu sản xuất giống...”.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Tấn Phương, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng: “Các cấp có thẩm quyền cần rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế chính sách và quy định trong khuyến khích sản xuất và quản lý giống cây trồng nhằm bảo đảm lợi ích các bên liên quan, gắn với tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ðặc biệt, cần rà soát, bổ sung thêm các quy định đối với việc sản xuất giống tại hệ thống nông hộ để phù hợp tình hình mới trong bối cảnh hội nhập và yêu cầu nâng cao chất lượng giống”.
Để có thị trường giống minh bạch, công bằng, người nông dân thụ hưởng được giống tốt với giá cả phải chăng, các cấp, các ngành chức năng cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nghiên cứu phát triển sản xuất giống cây trồng đạt chất lượng và tạo thuận lợi cho người sản xuất tiếp cận được các loại giống cây trồng tốt. Tổ chức tập huấn về điều kiện SXKD, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật… đến các tổ chức, cá nhân liên quan. Cùng với đó, cần tăng cường kiểm tra và có chế tài xử lý nghiêm minh đối với các cơ sở SXKD cây giống kém chất lượng.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/cham-dut-tinh-trang-that-gia-lan-lon-626657