Chấm dứt tranh cãi việc xe ô tô có kinh doanh vận tải hay không

Việc quy định biển số của xe kinh doanh vận tải có màu vàng sẽ tăng tính nhận diện. Đối với cơ quan quản lý là dễ kiểm soát, chống thất thu thuế; với các doanh nghiệp là chống cạnh tranh thiếu lành mạnh, bất bình đẳng.

Quy định biển số của xe kinh doanh vận tải có màu vàng sẽ tăng tính nhận diện, chấm dứt tranh cãi về việc xe ô tô có kinh doanh vận tải hay không

Thông tư 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an về quy trình cấp, thu hồi đăng ký biển số xe cơ giới đường bộ (thay thế cho thông tư số 15/2014) được ban hành có hiệu lực từ ngày 1/8. Theo đó, sẽ có khoảng 1,6 - 1,7 triệu ô tô kinh doanh vận tải bao gồm xe tải, xe công nghệ, taxi, xe khách... phải chuyển sang biển số màu vàng.

Cụ thể, tại điểm đ khoản 6 điều 25 của thông tư quy định biển số ôtô kinh doanh vận tải sẽ có nền màu vàng, chữ và số màu đen, seri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z.

Các xe kinh doanh vận tải đăng ký mới sẽ bắt đầu chuyển sang biển màu vàng từ ngày 1/8. Đối với các xe đang hoạt động kinh doanh vận tải trước ngày thông tư 58 có hiệu lực sẽ phải chuyển đổi sang biển vàng, chữ số màu đen trước ngày 31/12/2021.

Nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn khi quy định trên được thực hiện. Nếu căn cứ theo thông tư 229/2016 của Bộ Tài chính, chi phí đổi giấy đăng ký kèm theo biển số xe ô tô là 150.000 đồng/lần/xe. Với khoảng 1,6 - 1,7 triệu ô tô kinh doanh vận tải hiện nay số tiền sẽ lên tới hơn 240 tỷ đồng.

Ngoài ra, quy định này sẽ làm mất thời gian khi chủ phương tiện phải chuyển đổi mục đích từ phương tiện kinh doanh vận tải sang xe cá nhân và ngược lại. Chi phí phát sinh sẽ là rất lớn nhất là đối với các doanh nghiệp có hàng trăm đầu xe.

Anh Quân, sống tại quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội cho biết, hiện thị trường chuyển nhượng, mua bán ô tô đang khá sôi động. Có những người làm xe dịch vụ rồi sau đó lại muốn chuyển thành xe gia đình mà lại phải thay đổi biển thì sẽ tốn thêm một khoản tiền và thời gian. Như vậy chẳng khác nào gia tăng thêm thủ tục hành chính để người dân thực hiện cả.

Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến đồng tình với phương án đổi màu biển xe để người dân dễ phân biệt, lực lượng chức năng và các cơ quan nhà nước dễ quản lý và xử phạt đối với những hành vi vi phạm quy định của pháp luật.

Trao đổi với Báo Nhà báo & Công luận, ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội bày tỏ quan điểm, hiện tất cả phương tiện thuộc sở hữu doanh nghiệp hay cá nhân, dù kinh doanh vận tải hay xe gia đình đều được cấp biển số nền màu trắng.

Khi Taxi công nghệ xuất hiện, phát triển ồ ạt nhưng phương tiện này không khác gì so với xe cá nhân (không có mào, không Logo, biển màu trắng) nên khi đi vào đường cấm Taxi, hoạt động trái phép tại sân bay nhưng lực lượng chức năng rất khó phát hiện để xử lý. Vừa qua Nghị định 10 ra đời, Taxi công nghệ phải dán Logo “XE HỢP ĐỒNG” nhưng xe thì dán bên phải, xe lại dán bên trái rất mất thẩm mỹ, thiếu chuyên nghiệp.

Việc sử dụng biển xe màu vàng sẽ chấm dứt tranh cãi về việc xe ô tô kinh doanh vận tải hay không kinh doanh vận tải. Người dân khi có nhu cầu đi lại sẽ dễ dàng nhận ra đâu là xe kinh doanh đâu là xe cá nhân và có thể thanh toán qua ứng dụng công nghệ, thanh toán phí hiển thị trên đồng hồ hoặc thỏa thuận với tài xế. Quản lý nhà nước kiểm soát chặt chẽ các loại hình vận tải, dẹp nạn xe dù bến cóc vốn đã và đang là thực trạng nhức nhối trên địa bàn Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cham-dut-tranh-cai-viec-xe-o-to-co-kinh-doanh-van-tai-hay-khong-post85748.html