Chấm dứt trọng nam khinh nữ để thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam
Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2020 ước tính mỗi năm Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái (so với bé trai) và việc có con trai dường như là một tiêu chuẩn của người đàn ông thành đạt.
"Chúng ta phải chấm dứt tình trạng trọng nam khinh nữ để thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam" là lời kêu gọi của bà Naomi Kiahara, Trưởng đại diện của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam trong Lễ công bố Báo cáo tình trạng dân số thế giới 2020 diễn ra ngày 17/7, tại Hà Nội.
Với chủ đề "Trái với ý muốn của tôi-Xóa bỏ những thực hành làm tổn hại tới phụ nữ và trẻ em gái và gia tăng bất bình đẳng," bà Naomi Kiahara cho biết Báo cáo tình trạng dân số thế giới 2020 được công bố trên toàn thế giới vào ngày 30/6/2020 đã chỉ ra rằng có ít nhất 19 thực hành có hại được coi là vi phạm quyền con người, từ là phẳng ngực cho đến việc kiểm tra trinh tiết. Trong số đó, có 3 thực hành vẫn ngang nhiên xảy ra ở nhiều khu vực là cắt âm vật (nghi lễ cắt bỏ một số hoặc tất cả các cơ quan sinh dục ngoài của phái nữ); tảo hôn; lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.
Báo cáo được công bố ở Việt Nam tập trung vào vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.
Theo bà Kiahara, tình trạng đáng báo động của lựa chọn giới tính dựa trên cơ sở định kiến giới đã tồn tại hàng thập kỷ qua cùng tư tưởng ưa thích con trai, xem nhẹ con gái dẫn tới sự thiếu hụt 140 triệu trẻ em gái (so với trẻ em trai).
Khi số lượng nam giới nhiều hơn nữ giới, các vấn đề xã hội có thể nảy sinh, làm trầm trọng hơn các hình thức bạo lực trên cơ sở giới như hiếp dâm, cưỡng ép quan hệ tình dục, bóc lột tình dục, buôn bán người và tảo hôn.
"Những tổn hại đối với từng cá nhân phụ nữ và trẻ em gái rất nghiêm trọng, nhưng hậu quả mà thế giới và các thế hệ trong tương lai phải gánh chịu thậm chí còn tồi tệ hơn," bà Kiahara nhấn mạnh.
Mỗi năm Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái
Đề cập đến vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới tại Việt Nam, bà Kiahara cho biết trong nhiều thập kỷ qua, sự bình đẳng giới tại Việt Nam đã có những bước tiến và UNFPA tự hào là một phần của quá trình này.
Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cảnh báo, lựa chọn giới tính dựa trên cơ sở định kiến giới là một thực hành làm tổn hại tới phụ nữ và trẻ em gái. Tình trạng này vẫn còn tồn tại ở Việt Nam.
Tình trạng lựa chọn giới tính dựa trên cơ sở định kiến giới có thể nhìn nhận trực tiếp qua "tỷ số giới tính khi sinh" (tỷ lệ bé trai sơ sinh trên 100 bé gái sơ sinh) và tỷ số này của Việt Nam thể hiện sự mất cân bằng rất lớn. Theo bà Kiahara, tình trạng này được phát hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2004 và từ năm 2005 tỷ số này đã gia tăng nhanh chóng.
Dẫn số liệu từ cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 của Việt Nam, bà Kiahara lưu ý tỷ số này ở ngưỡng 111,5 bé trai được sinh ra so với 100 bé gái, trong khi tỷ số "tự nhiên" hoặc "bình thường" dao động khoảng 105-106 bé trai trên 100 bé gái.
Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2020 ước tính mỗi năm, Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái (so với bé trai), có thể hiểu là 40.800 bé gái tại Việt Nam mỗi năm sẽ không có cơ hội chào đời chỉ vì mình là con gái.
Theo báo cáo của UNFPA, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là tâm lý "ưa thích con trai," lựa chọn giới tính trước khi sinh bao gồm bỏ thai nhi trước xác định là con gái và nuôi cấy phôi trước để xác định, lựa chọn được luôn giới tính hay lọc tinh trùng.
Phân tích tâm lý "ưa thích con trai" ở xã hội Việt Nam, bà Khuất Thu Hồng, chuyên gia quốc gia về bình đẳng giới và lựa chọn giới tính thiên lệch về giới, cho rằng tâm lý ưa thích con trai hơn con gái hiện nay còn rất nặng nề và xuất phát từ truyền thống tổ chức gia đình của người Việt Nam theo phụ hệ, cũng như mô hình sinh sống ở bên nội. Những người con gái khi đi lấy chồng sẽ phải sống ở gia đình nhà chồng và trở thành thành viên của gia đình nhà chồng. Họ không còn vị trí ở trong gia đình của chính cha mẹ ruột.
Gia đình phụ hệ luôn luôn đề cao vai trò của người con trai. Người con trai ở trong gia đình chính là người sau này chăm sóc cha mẹ già, tiếp nối dòng dõi gia đình, thờ cúng tổ tiên. Chính những nỗi lo người chăm sóc hay thờ cúng mình khi về già, qua đời của các bậc cha mẹ đã mặc định tạo ra và duy trì định kiến "ưa thích con trai hơn con gái" ở Việt Nam.
"Việc có con trai dường như là một tiêu chuẩn để đánh giá một người đàn ông thành đạt," bà Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.
Nỗ lực đưa tỷ số giới tính trước khi sinh ở Việt Nam về mức cân bằng tự nhiên
Phát biểu tại lễ công bố, ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết Chính phủ Việt Nam luôn coi bình đẳng giới vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững.
Theo ông Phạm Ngọc Tiến, Chính phủ đã xây dựng và đang tiếp tục hoàn hiện hành lang pháp lý để thực hiện ngày càng tốt hơn lĩnh vực công tác cũng còn đang mới mẻ này.
"Việc đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên cũng là một trong những mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 mà chúng tôi đang xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2020 này," ông Phạm Ngọc Tiến nói.
Dựa trên kết quả các nghiên cứu tại Việt Nam và các bài học từ các quốc gia khác, UNFPA đã đưa ra các khuyến nghị nhằm xóa bỏ tình trạng mất cân bằng giới và tâm lý "trọng nam khinh nữ" ở Việt Nam.
UNFPA kêu gọi thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, nâng cao giá trị, sự đóng góp của phụ nữ vì mục đích phát triển; sự tham gia của thế hệ trẻ, trẻ em trai và nam giới, trong các chiến dịch và khuyến nghị họ thành những người tiên phong cho sự thay đổi.
UNFPA khuyến khích phương pháp tiếp cận toàn diện hơn để xóa bỏ lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới; củng cố tăng cường bảo trợ xã hội cho người cao tuổi, giảm sự phụ thuộc của người cao tuổi vào con cái, góp phần giảm áp lực có con trai; đẩy mạnh các hoạt động vận động và chiến dịch tuyên truyền sáng tạo, thách thức các chuẩn mực văn hóa và xã hội ủng hộ tư tưởng thích có con trai.
Quỹ Dân số Liên hợp quốc cũng kêu gọi tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành để giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và đảm bảo việc thực thi pháp luật, phân bổ nguồn lực (con người và tài chính) phù hợp./.