Chăm lo, bảo vệ phụ nữ trước những vấn đề bức xúc của xã hội

Hơn 5 năm triển khai Đề án 938 của Thủ tướng Chính phủ về 'Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ, giai đoạn 2017 - 2027' đã giúp hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nâng cao nhận thức, hình thành nếp sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đặc biệt, đã chăm lo, bảo vệ phụ nữ trước các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn tín dụng đen, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em đang diễn biến khó lường.

Đẩy mạnh chỉ đạo và tăng cường truyền thông

Theo đồng chí Nguyễn Thị Diện - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng, năm 2018, Tỉnh hội đã tích cực tham mưu UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành kế hoạch triển khai Đề án 938 trên địa bàn tỉnh; chủ động xây dựng kế hoạch từng năm trong triển khai gắn với các chương trình, dự án, nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của hội. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 938. Chủ động liên hệ, ký kết phối hợp liên ngành với Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Hội Luật gia, Sở Tư pháp để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kịp thời tư vấn, can thiệp, hỗ trợ khi có các vụ việc xảy ra. Các cấp hội còn lồng ghép hoạt động tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ thực hiện vào các chương trình, dự án khai thác, quản lý, thực hiện. Khi đó, từng cấp hội phân công ít nhất 1 cán bộ tham gia, chịu trách nhiệm trực tiếp các hoạt động của Đề án 938.

Nhiều tổ, mô hình, câu lạc bộ, nhóm được ra mắt để bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em. Ảnh: SỚM MAI

Nhiều tổ, mô hình, câu lạc bộ, nhóm được ra mắt để bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em. Ảnh: SỚM MAI

Từ năm 2018 đến nay, các cấp hội đã cung cấp thông tin, kiến thức về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật; khả năng, vai trò của phụ nữ trong bảo đảm an toàn thực phẩm; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cho trên 280.000 hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi (bình quân hàng năm, có trên 95% hội viên và ông bố, bà mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức). Tỉnh hội tổ chức Lễ phát động chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”; diễn đàn “Phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”; phối hợp tổ chức trên 310 lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề tìm hiểu kiến thức về phòng, chống ma túy, mại dâm, kỹ năng phòng chống các loại tội phạm, phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em, bạo lực gia đình, tín dụng đen, vệ sinh môi trường - nước sạch, quy tắc ứng xử trên mạng xã hội... Thông qua dự án AC về quyền trẻ em, hội tổ chức 70 lớp tập huấn, truyền thông, cung cấp kỹ năng chăm sóc trẻ em và 16 lớp tập huấn, truyền thông về kỹ năng phòng ngừa nguy cơ, tự bảo vệ trẻ; tổ chức 32 cuộc truyền thông cộng đồng dành cho trẻ em.

Tích cực giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ

Hơn 5 năm qua, hội phụ nữ các cấp còn tiếp nhận và quản lý giáo dục, cảm hóa 2.416 đối tượng bán số đề, đánh bạc, mê tín dị đoan, gây mất trật tự công cộng. Đáng ghi nhận, qua giáo dục các đối tượng có chuyển biến tốt. Tỉnh hội đã duy trì hoạt động của Trung tâm Tư vấn Hôn nhân và Gia đình cũng như thành lập đường dây nóng để tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý (từ năm 2020). Sau khi tìm đến và được tư vấn, cung cấp kiến thức, tháo gỡ những bức xúc thì các chị em hiểu, nâng cao nhận thức bản thân về nhiều vấn đề. Mỗi người đã trở thành cầu nối, hội viên phụ nữ nòng cốt (có 135.000 hội viên) sẵn sàng lên tiếng trước các hành vi bạo lực giới, bạo lực gia đình và tình nguyện làm lực lượng phản ứng nhanh khi các vụ việc xảy ra. Cụ thể, các cấp nắm thông tin về 39 trường hợp tảo hôn; tiếp nhận đơn thư, tư vấn 1.533 trường hợp bạo lực giới, bạo lực gia đình, tranh chấp đất đai; 156 trường hợp trẻ em bị xâm hại.

Để giải quyết tốt các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, mỗi cơ sở hội đã xây dựng được ít nhất 1 mô hình vận động, hỗ trợ. Trong cùng kỳ, trên địa bàn đã ra mắt 223 tổ, câu lạc bộ phù hợp với tình hình thực tế địa phương; ra mắt, duy trì hoạt động 121 góc tư vấn tại cộng đồng nhằm kịp thời hỗ trợ, tư vấn cho nạn nhân khi xảy ra vụ việc. Từ nguồn kinh phí của Đề án 938, Tỉnh hội cũng cho ra mắt 55 tổ, câu lạc bộ (phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống ma túy) tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng trọng điểm, phức tạp với 824 thành viên tham gia.

Trong mỗi hoạt động, yếu tố con người luôn giữ vai trò chủ đạo và quyết định đến chất lượng, hiệu quả công việc. Do vậy, các cấp hội luôn quan tâm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan. Thực tế, có trên 80% cán bộ chuyên trách của các cơ quan tham gia triển khai đề án được bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng. Không những vậy, các cấp hội phụ nữ còn thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch, tổ chức giám sát các vấn đề liên quan thiết thực đến phụ nữ và trẻ em. Từ đó đã kịp thời phát hiện, kiến nghị, đề xuất những giải pháp cụ thể để đơn vị được giám sát điều chỉnh và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả. Tiêu biểu như qua giám sát công tác xử lý hành vi bạo lực gia đình, can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại, các ngành chức năng đã nhanh chóng vào cuộc xử lý khi có các vụ việc xảy ra trên địa bàn.

Trước tình hình công nghệ thông tin ngày càng phát triển, tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, vấn đề cần quan tâm là hướng dẫn kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho phụ nữ, trẻ em. Đồng chí Nguyễn Thị Diện cho biết, các cấp hội sẽ cung cấp thông tin, kiến thức về sự cần thiết phải giữ gìn và rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật; về giáo dục làm cha mẹ; về khả năng, vai trò của phụ nữ trong đảm bảo an toàn thực phẩm; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cho hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi. Tiếp tục tham mưu, đề xuất tạo điều kiện cho cán bộ chuyên trách tham gia triển khai đề án được bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng. Đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ; không để xảy ra tình trạng các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em mà hội không lên tiếng kịp thời.

Duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả về vận động, hỗ trợ phụ nữ; kịp thời kiểm tra, giám sát, sơ tổng kết, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện đề án. Tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ về kinh phí hoạt động; củng cố, thay đổi, bổ sung, kiện toàn thành viên ban chỉ đạo, tổ giúp việc Đề án 938 các cấp.

Phải nói rằng, đề án đã tạo được tiền đề để các cấp, các đơn vị trên địa bàn có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất và lan tỏa trong cộng đồng trong thực hiện từng nhiệm vụ, kế hoạch. Hội liên hiệp phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đã làm tốt vai trò của mình trong triển khai, tuyên truyền và là địa chỉ tin cậy cho phụ nữ, trẻ em. Từ đó, góp phần quan trọng trong xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và bảo vệ phụ nữ, trẻ em trước các vấn đề bức xúc của xã hội.

SỚM MAI

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/xa-hoi/cham-lo-bao-ve-phu-nu-truoc-nhung-van-de-buc-xuc-cua-xa-hoi-64134.html