Chăm lo cho sự học

Hội Khuyến học Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 122/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/2/1996, sau 12 năm vào ngày 16/9/2008 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 1277/QĐ-TTg lấy ngày 2/10 hàng năm là Ngày Khuyến học Việt Nam...

Tọa đàm tư tưởng Hồ Chí Minh về “Học tập suốt đời - xây dựng xã hội học tập” (tháng 8 năm 2019).

(baophutho.vn) - Hội Khuyến học Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 122/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/2/1996, sau 12 năm vào ngày 16/9/2008 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 1277/QĐ-TTg lấy ngày 2/10 hàng năm là Ngày Khuyến học Việt Nam để động viên và tôn vinh những gương sáng hiếu học, những tập thể và cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học khuyến tài (KHKT) xây dựng xã hội học tập (XHHT).

Tháng Khuyến học, ngày Khuyến học Việt Nam không chỉ là mốc son đánh dấu sự ra đời của Hội Khuyến học Việt Nam, với sứ mệnh lớn lao là KHKT, xây dựng cả nước trở thành một XHHT mà còn là ngày để động viên các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội tham gia công tác khuyến học, tích cực tham gia và đẩy mạnh phong trào học tập, tự học theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại; tự giác và nâng cao chất lượng xây dựng mô hình công dân học tập, gia đình dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập thúc đẩy xây dựng XHHT một cách bền vững.
Từ xa xưa, ông cha ta đã rất coi trọng “Sự học”, luôn thấy rằng học tập là quan trọng là vấn đề cốt lõi của sự phát triển, sự học luôn được đề cao “nhân bất học bất tri lý” và quan niệm “Cho con một hũ vàng không bằng cho con một nang chữ”, coi “Việc học tập như cuốn sổ không có trang cuối”…Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc học tập. Người chủ trương xây dựng một nền giáo dục cho mọi người, vì mọi người; xác định học tập là kim chỉ Nam cho mọi hành động. Bác chỉ rõ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, và “Muốn xây dựng thành công XHCN thì phải có nguồn lực dồi dào”.Theo Bác, “việc trồng người” tức là phải giáo dục đạo đức, học lẽ sống lương thiện, phải học tập, có học tập thì mới có kiến thức để lao động, công tác được tốt; học tập là việc phải làm trong cả cuộc đời mỗi con người, do đó cần quan tâm đến phương pháp học tập, đặc biệt coi trọng phương pháp tự học, “học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân”, “học trong đời sống của mình… học ở giai cấp công nhân”, mỗi người cần tranh thủ sự giúp đỡ, hướng dẫn chỉ bảo của thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp và thực hiện phương châm học mọi lúc mọi nơi, học trong giao tiếp, trong công việc hàng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, trong thành công và ngay cả trong thất bại, học trong công tác vận động quần chúng. Người chỉ rõ: Thông qua học tập tiếp xúc với nhân dân mà cán bộ đảng viên có điều kiện gần gũi nắm được tâm tư nguyện vọng của nhân dân từ đó tham mưu đề xuất, tiếp tục bổ sung, sửa đổi thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.

Khai mạc tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2018.Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của hệ thống chính trị và sự ủng hộ tích cực của mọi người dân với phương châm “giáo dục cho mọi người, mọi người vì giáo dục”, trong những năm qua ngành Giáo dục tỉnh Phú Thọ đã có sự bứt phá và phát triển mạnh mẽ, nhiều năm liên tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo xếp loại và đánh giá là một trong 10 tỉnh dẫn đầu toàn quốc. Thành tích nổi bật ấy của ngành GD-ĐT Phú Thọ có sự chung tay hỗ trợ và thúc đẩy của Hội Khuyến học tỉnh và các cấp hội trong tỉnh. Bằng những việc làm thầm lặng, sự đồng hành chung thủy, có hiệu quả trong việc vận động hỗ trợ giáo dục trong và ngoài nhà trường, tổ chức các chương trình “Tiếp sức cho em tới trường”, “Chắp cánh ước mơ”, “Tết cho học sinh nghèo”, tặng “Mái ấm khuyến học”…Những năm qua, Hội đã hỗ trợ 1.600 lượt phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có con hiếu học vay tiền để phát triển kinh tế gia đình (không tính lãi), tặng trên 200 bò giống, hàng chục tấn gạo, hàng trăm ngàn bộ quần áo, đồng phục… cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức các mô hình khuyến học tiêu biểu: “Cây Bưởi khuyến học” (Đoan Hùng), “Giờ vàng khuyến học” (Tam Nông), hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trung tâm HTCĐ (Phù Ninh), xây dựng Quỹ Khuyến học trong dòng họ, khu dân cư (Lâm Thao, Cẩm Khê), xây dựng các mô hình học tập tiêu biểu (Chi hội Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương - Đoan Hùng), Bệnh viện Phổi tỉnh (thị xã Phú Thọ), Cộng đồng học tập xã Bằng Doãn (Hạ Hòa), xã Trưng Vương (Việt Trì), dòng họ Vũ (Thụy Vân, Việt Trì), Dòng họ Cao (Lâm Thao)…Hàng năm Hội Khuyến học tỉnh cùng các cấp hội vận động các đơn vị tài trợ, các nhà hảo tâm trao tặng hàng trăm nghìn suất quà, học bổng, khen thưởng khích lệ học sinh, vận động viên có thành tích xuất sắc đạt các giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, khen thưởng các thầy cô có HSG, vận động viên đạt thành tích xuất sắc… hỗ trợ xây dựng mái ấm khuyến học, tặng các phòng máy tính, hỗ trợ xây dựng sửa chữa các phòng, lớp học các điểm trường khu lẻ, vùng khó khăn, miền núi, tặng kinh phí để hỗ trợ xây dựng các Quỹ Khuyến học cấp huyện… tổng trị giá hàng trăm tỉ đồng. Năm học 2021-2022 đã bắt đầu, chào mừng Tháng Khuyến học, Ngày Khuyến học Việt Nam, chào mừng 25 năm ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam hướng tới Đại hội Khuyến học Việt Nam lần thứ VI giai đoạn 2021-2026, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp, vượt lên những khó khăn, Hội Khuyến học tỉnh tiếp tục vận động, đồng hành cùng các đơn vị tài trợ tổ chức chương trình “Tiếp sức cho em tới trường”, thăm và trao tặng trên 1.600 suất quà, học bổng cho học sinh nghèo vươn lên học khá giỏi, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt khó đến trường; 170 bộ máy vi tính, hỗ trợ xây dựng bốn điểm trường, hai mái ấm khuyến học, trên 20 chiếc xe đạp, xe máy điện và hàng ngàn bộ quần áo cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn… Tổng trị giá gần 7 tỉ đồng. Những việc làm, sự sẻ chia của Hội Khuyến học tỉnh đã khẳng định sự phối kết hợp chặt chẽ của Hội Khuyến học tỉnh với Sở GD-ĐT tất cả vì “sự học” trên quê hương Đất Tổ anh hùng, vì mục tiêu chung: “Tất cả vì học sinh thân yêu”, chăm lo để các em học sinh, sinh viên “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”… như điều Bác Hồ kính yêu từng mong ước.

Nguyễn Thị Thành Chung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/khuyen-hoc-khuyen-tai/202109/cham-lo-cho-su-hoc-179600