Chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, sự chung tay của toàn xã hội. Qua đó, giúp các em phát triển về thể chất và tinh thần, vươn lên trong học tập, rèn luyện, phấn đấu trở thành công dân có ích trong tương lai.
Hiện nay, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đang nuôi dưỡng, chăm sóc 168 trường hợp, trong đó 16 trẻ em thuộc diện bảo trợ xã hội. Số trẻ em dưới 16 tuổi có 8 em thuộc các nhóm trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng (trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi) và trẻ em được bảo vệ khẩn cấp.
Bà Lại Thị Mai Lan, Phó Giám đốc trung tâm cho biết: Trẻ em ở độ tuổi này rất năng động, vì vậy việc chăm sóc, nuôi dạy các em đòi hỏi nhiều thời gian hơn. Tất cả các em ở đây đều có hoàn cảnh rất đặc biệt. Trong đó, em nhỏ nhất vào trung tâm từ lúc mới 3 ngày tuổi, đến nay đã được 23 tháng tuổi. Được tiếp nhận về Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, các em được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục, hưởng các chế độ, chính sách đầy đủ theo quy định. Khi lên bậc tiểu học, trung tâm phối hợp với các nhà trường, hợp đồng với nhà xe chuyên đưa đón học sinh để các em được đến trường và về nhà an toàn. Ngoài việc chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, trang bị đầy đủ thiết bị, đồ dùng học tập, trung tâm còn cử cán bộ hướng dẫn, dạy các em học bài vào mỗi buổi tối. Sự dịu dàng, chu đáo của các cô ở trung tâm đã mang lại cho các em cảm giác an toàn, được che chở, yêu thương. Như thấu hiểu được hoàn cảnh của mình, các em nhỏ ở đây rất có ý thức tự giác trong sinh hoạt và nỗ lực đạt thành tích cao trong học tập.
Vượt lên những áp lực, vất vả của công việc, cán bộ, nhân viên của trung tâm luôn làm việc bằng cái tâm, tình yêu thương, trách nhiệm để giúp những em nhỏ chịu thiệt thòi cảm nhận được tình người ấm áp, tiếp thêm niềm tin, hy vọng trong cuộc sống, tạo lập hành trang hướng tới tương lai tươi đẹp hơn. Tuy nhiên, chế độ, chính sách cho các em chỉ ở mức độ nhất định, nguồn lực của trung tâm cũng còn hạn chế, do đó rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh được chăm lo tốt hơn nữa.
Theo thống kê của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), toàn tỉnh có hơn 220.860 trẻ em, chiếm 23,4% dân số. Trong đó, có khoảng 2.580 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 1,16% tổng số trẻ em. Ngoài ra, có khoảng 8.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (trẻ em sống trong gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo; gia đình có vấn đề xã hội, như: cha mẹ ly hôn, ly thân, bạo lực gia đình, có người nhiễm HIV/AIDS, nghiện ma túy…). Đến nay, 100% trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em không nơi nương tựa, trẻ em nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình người thân hoặc cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh, các nhà chùa đều được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước theo quy định. Hầu hết trẻ em sống trong gia đình thuộc hộ nghèo được giúp đỡ.
Theo đánh giá của bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm, chăm lo bằng các hoạt động thiết thực, như: trợ cấp, hỗ trợ theo chính sách; cấp học bổng; cấp thẻ bảo hiểm y tế; miễn giảm học phí và các hình thức khác. Công tác phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được tăng cường thông qua công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; thực hiện tốt công tác phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích; phòng chống bạo lực gia đình… Sở đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn Phòng LĐ,TB&XH các huyện, thị xã, thành phố, chính quyền cơ sở thực hiện các biện pháp can thiệp sớm nhằm xác định, loại bỏ nguy cơ trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; tăng cường các biện pháp bảo vệ trẻ em và xử lý hành vi hành hạ, xâm hại trẻ em.
Hằng năm, nhân dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì trẻ em, Tết Trung thu, việc chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chú trọng hơn bao giờ hết. Từ đầu năm 2024 đến nay, có hơn 2.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn được tặng quà, học bổng, xe đạp… với tổng số tiền hơn một tỷ đồng. Các mô hình “Mẹ đỡ đầu” của Hội Phụ nữ; “Em nuôi của Đoàn”, “Thắp sáng ước mơ” của Đoàn Thanh niên tiếp tục được duy trì và nhân rộng, góp phần chăm sóc, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi.
Sở LĐ,TB&XH cũng đã phối hợp Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam tặng quà và khám sàng lọc miễn phí cho 950 trẻ em tại huyện Lý Nhân; tặng quà cho 185 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn với tổng kinh phí hơn 240 triệu đồng. Qua thăm khám đã phát hiện 8 em có bệnh lý về tim mạch, trong đó 3 em được chỉ định phẫu thuật, can thiệp; 5 em cần theo dõi và kiểm tra định kỳ; 58 em cần đi khám chuyên khoa về mắt. Toàn tỉnh có 5 trẻ em nhiễm HIV/AIDS đang được chăm sóc, điều trị ARV. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ trẻ tử vong do tai nạn thương tích; trong đó, 5 trẻ tử vong do đuối nước, 1 trường hợp bị tai nạn giao thông, 1 trường hợp đột tử. Sở đã chỉ đạo Phòng LĐ,TB&XH các huyện, thị xã, thành phố đến thăm hỏi, tặng quà, động viên kịp thời các gia đình.
Để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Sở LĐ,TB &XH tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về trẻ em nói chung và thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng. Hướng dẫn, triển khai các hoạt động can thiệp, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng, kiện toàn ban bảo vệ trẻ em cấp xã và thực hiện các dịch vụ bảo vệ trẻ em tại cơ sở. Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại địa phương, cơ sở. Đẩy mạnh công tác vận động nguồn lực xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em, tạo nguồn kinh phí để tổ chức thăm hỏi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn; phối hợp thực hiện các chương trình khám sàng lọc, phẫu thuật miễn phí cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh, khuyết tật vận động, mắt, khe môi, vòm họng… Thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình trẻ em, đặc biệt là nhóm có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt để có biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ kịp thời, không để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.