Chăm lo cho việc học của người dân

Sau hơn 3 năm thành lập, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Vĩnh Linh đã chăm lo tốt cho việc học của người dân. Qua đó, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài và tạo điều kiện để người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu bền vững...

 Trung tâm GDNN - GDTX Vĩnh Linh tổ chức lễ bế giảng lớp nghề may công nghiệp cho học viên

Trung tâm GDNN - GDTX Vĩnh Linh tổ chức lễ bế giảng lớp nghề may công nghiệp cho học viên

Để thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đề ra về xây dựng xã hội học tập, ngày 5/6/2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã kí Quyết định số 940 về việc thành lập Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vĩnh Linh trên cơ sở sáp nhập 3 trung tâm: Giáo dục thường xuyên; Kĩ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp; Dạy nghề tổng hợp. Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vĩnh Linh có nhiệm vụ tổ chức tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh dịch vụ ở trình độ sơ cấp; đào tạo nghề dưới 3 tháng, đào tạo theo hình thức truyền nghề, kèm cặp nghề, đào tạo bồi dưỡng nâng cao kĩ năng nghề cho người lao động. Tổ chức các chương trình đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức kĩ năng, chuyển giao công nghệ; các chương trình giáo dục thường xuyên, chương trình đáp ứng nhu cầu người học, giáo dục để lấy văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân. Tổ chức các hoạt động dạy học, kiểm tra và cấp chứng chỉ theo quy định. Tư vấn nghề nghiệp, tư vấn việc làm cho người học, phối hợp với các trường THCS, THPT tuyên truyền hướng nghiệp phân luồng cho học sinh.

Trung tâm hiện có 40 cán bộ, giáo viên, nhân viên và hợp đồng lao động có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đạt yêu cầu đề ra. Hằng năm, trung tâm tuyển sinh, huy động từ 300 - 370 học viên theo học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Huy động trên 2.000 học sinh tham gia hoạt động giáo dục nghề phổ thông và tư vấn hướng nghiệp. Đồng thời phối hợp, hỗ trợ, tư vấn cho các Trung tâm học tập cộng đồng giúp người dân có được những kiến thức cần thiết trong công việc, cải thiện năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Để đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trung tâm đã phối hợp với các phòng, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, đặc biệt là người lớn tuổi. Từ đó, tổ chức tuyển sinh, bố trí lớp học cho phù hợp với nhu cầu nhằm mang lại hiệu quả trong đào tạo. Để nâng cao chất lượng đào tạo, trung tâm thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng trọng tâm, trọng điểm và theo phương châm “học đi đôi với làm”, “cầm tay chỉ việc”, “giảm thời gian học lí thuyết, tăng thời gian thực hành”. Từ đó, giúp người học nắm vững những kiến thức, kĩ năng thực hành nghề để áp dụng vào thực tiễn. Từ khi thành lập đến nay, trung tâm đã tổ chức được 96 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho trên 2.800 lao động nông thôn. Đa số những người theo học các lớp đào tạo nghề thường là người lớn tuổi và có nhu cầu được học tập để trang bị thêm nhiều kiến thức trong lao động, sản xuất. Các nghề được đào tạo luôn đa dạng, phong phú và phù hợp với thực tế cuộc sống của người dân như: Kĩ thuật nuôi gà thả vườn; trồng rau sạch; kĩ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch hồ tiêu; sửa chữa vận hành máy nông - ngư nghiệp; pha chế đồ uống ... Kết thúc các khóa học, nhiều người lao động đã tự tin mở trang trại, gia trại, cửa hàng qui mô để phát triển kinh tế và có 75% - 80% học viên tìm được việc làm ổn định với mức thu nhập khá.

Nhận thấy trên địa bàn có nhiều người dân có nhu cầu học lên cao hơn, trung tâm đã mạnh dạn liên kết với Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng chiêu sinh mở nhiều lớp đại học từ xa với nhiều ngành học đa dạng. Trung tâm đã mở 5 lớp đại học và cao đẳng thu hút 205 sinh viên tham gia; 3 lớp trung cấp với 96 học viên theo học; mở các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên mầm non, tiểu học và THCS. Bên cạnh đó, trung tâm còn phối hợp với các Trung tâm Tin học và ngoại ngữ trong, ngoài tỉnh tổ chức tuyển sinh đào tạo, cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản cho hàng nghìn học viên; đào tạo và cấp chứng chỉ tiếng Bru- Vân Kiều cho nhiều cán bộ, người dân trên địa bàn.

Chia sẻ về kế hoạch chăm lo việc học cho người dân, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vĩnh Linh Lê Thị Thanh Tâm nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, bên cạnh thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các phòng, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học của người dân, đặc biệt là người lớn tuổi để mở thêm các lớp học phù hợp. Đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, giáo viên để phục vụ tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Qua đó, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, nguồn lao động qua đào tạo để người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu bền vững”.

Vân Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=144355