Chăm lo để người nghèo an cư

Hỗ trợ nhà ở cho gia đình có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo là việc làm có ý nghĩa quan trọng, thể hiện trách nhiệm và đạo lý 'Đền ơn đáp nghĩa' và 'Thương người như thể thương thân' của dân tộc ta.

Hành động ý nghĩa này mang lại mái ấm tình thương cho người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỏa hoạn, biến đổi khí hậu, người nghèo, người yếu thế có nơi an cư lạc nghiệp, không để ai bị bỏ lại phía sau.

2024 là năm bản lề để thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025”. Chương trình đã đạt được những mục tiêu quan trọng, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm đời sống an sinh, xã hội cho người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Từ năm 2011 đến nay, ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 820.000 hộ gia đình có công, hộ nghèo trên cả nước. Trong khi đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho 670.000 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Thực tế cho thấy, vẫn còn một bộ phận hộ nghèo bị tác động tiêu cực bởi thiên tai, biến đổi khí hậu đang sống trong những căn nhà tạm bợ không bảo đảm an toàn hoặc chưa có nhà ở, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo rà soát của các bộ, ngành, địa phương, số hộ nghèo, cận nghèo cần được hỗ trợ về nhà ở trên cả nước hiện nay là 315.000 hộ. Trong đó, còn khoảng 170.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa thuộc đối tượng hỗ trợ, phải sống trong những căn nhà tạm, nhà dột nát.

Trước yêu cầu cấp thiết trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 656/QĐ-TTg ngày 16-7-2024 thành lập Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn quốc. Mục đích quan trọng của Quỹ là tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định pháp luật.

Để người nghèo có nơi an cư lạc nghiệp, từng bước nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cần chung tay có hành động cụ thể. Trước hết, các đơn vị liên quan cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững”. Trong đó, các đơn vị tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống lâu dài cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Các ban, bộ, ngành trung ương cùng với các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý có hiệu quả các nguồn lực để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo. Việc triển khai phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” cho hộ nghèo, cận nghèo phải bảo đảm các quy định, cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả. Trong quá trình thực hiện cần tránh hình thức; công trình phải có chất lượng và đúng đối tượng thụ hưởng; sử dụng hiệu quả các nguồn lực, công khai minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.

Cùng với đó, các bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương cần phát huy cao nhất trách nhiệm nêu gương, tính tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Tất cả vì mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cham-lo-de-nguoi-ngheo-an-cu-672744.html