Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Mông

Những năm qua, tỉnh đã chú trọng thực hiện các chính sách dân tộc, đặc biệt là chính sách dành cho đồng bào dân tộc Mông, giúp người Mông ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ấm no.

Cầu treo bắc qua sông Phó đáy phục vụ người Mông thôn Vàng On, xã Trung Minh (Yên Sơn).

Cầu treo bắc qua sông Phó đáy phục vụ người Mông thôn Vàng On, xã Trung Minh (Yên Sơn).

Xã Trung Minh (Yên Sơn) có trên 140 hộ đồng bào dân tộc Mông, sống chủ yếu ở các thôn Vàng On, Bản Ruộng, Khuổi Bốc, Khuôn Nà. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của người Mông ở đây đã bớt khó khăn. Ông Ma Thế Mạnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Các thôn có đồng bào dân tộc Mông sinh sống được ưu tiên đầu tư, nhất là về hạ tầng cơ sở như làm cầu bắc qua sông vào thôn Vàng On, đập tràn vào Khuôn Nà, làm nhà văn hóa... Bên cạnh đó, từ nguồn chính sách hỗ trợ đất sản xuất 25 hộ dân tộc Mông ở Khuôn Nà đã ổn định cuộc sống. Anh Hoàng Văn Pá phấn khởi cho biết: “Mừng lắm vì người Mông được Nhà nước hỗ trợ tiền khai phá ruộng. Được hỗ trợ 15 triệu đồng mình đã thuê máy xúc phá đất, nắn suối làm ruộng. Có thêm 2 sào ruộng nữa nhà mình có gần 4 sào, không còn phải lo gạo nữa. Đời sống sẽ khá hơn”.

Với hơn 400 nhân khẩu người Mông ở thôn Vàng On, việc đi lại đã không còn quá vất vả khi năm 2017 cây cầu treo bắc qua sông Phó Đáy được hoàn thành đầu tư, đưa vào sử dụng. Cây cầu có chiều rộng 1,5 m, kết cấu gồm 2 mố và 2 trụ bằng bê tông cốt thép. Tuyến đường liên thôn Vàng Nghềnh và Vàng On dài gần 2 km đã được mở rộng, tạo điều kiện cho người dân đi lại, giao thương phát triển kinh tế. Anh Giàng Seo Lểnh, một người dân trong thôn chia sẻ, có cây cầu, người Mông ở Vàng On không bị chia cắt biệt lập với bên các thôn, vì thế, vật nuôi hay ngô, gạo làm ra dễ bán hơn.

Ông Giàng Seo Sình, Trưởng thôn cho biết, toàn thôn có hơn 100 ha đất nông nghiệp, trong đó có 24 ha đất ruộng trồng lúa nước. Bên cạnh đó, thôn còn chú trọng phát triển chăn nuôi với gần 200 con trâu, trên 50 con dê, hơn 1.000 con gia cầm. Sự thuận tiện của đường giao thông đã đem đến cho bản Mông này cuộc sống mới, cái nghèo đang từng bước được đẩy lùi.

Thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập (Lâm Bình) là nơi sinh sống của trên 80 hộ gia đình với 380 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 90%. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thông qua các chương trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, đời sống của nhân dân nơi đây đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, thực hiện chính sách dồn dân xen ghép trong thôn, đã có 33 hộ gia đình sinh sống phân tán trên khu đồi núi cao đã được Nhà nước hỗ trợ di chuyển nhà về sinh sống tập trung tại khu vực trung tâm thôn bản, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển sản xuất. Trưởng thôn Triệu Văn Liều cho hay, từ ngày an cư ở nơi ở mới, người Mông trong thôn đã chú trọng phát triển kinh tế, tập trung nuôi trâu sinh sản, trồng rừng và đang từng bước giảm nghèo hiệu quả.

Xã Xuân Lập có 279 hộ dân tộc Mông với 1.398 nhân khẩu, sinh sống ở 5 thôn, bản. Những năm qua, các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở đã thường xuyên quan tâm, chăm lo, thực hiện đầy đủ các chính sách cho đồng bào Mông, thông qua việc lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình dự án như: Chính sách hỗ trợ cải thiện đời sống, hỗ trợ làm nhà ở, đầu tư xây dựng hạ tầng, nước sinh hoạt, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ dịch vụ theo chương trình 135... Anh Triệu Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Lập cho biết: Trung bình mỗi năm Xuân Lập được hỗ trợ 3 đến 4 tỷ đồng đầu tư hạ tầng cơ sở, hỗ trợ sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc Mông. Từ nguồn vốn này, các công trình thủy lợi, nhà lớp học mầm non, đường bê tông nông thôn, hệ thống dẫn nước sinh hoạt được xây dựng. Các công trình hoàn thành đã tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Mông nói riêng và nhân dân ở các khu dân cư trong xã ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất.

Toàn tỉnh hiện có 3.645 hộ dân tộc Mông, với 19.146 nhân khẩu. Hơn 20 năm qua, thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW gắn với Kết luận 64-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII), toàn tỉnh đã thực hiện đầu tư 527 công trình với tổng kinh phí trên 295 tỷ đồng cho vùng đồng bào dân tộc Mông. Trong đó, xây dựng 230 công trình đường giao thông, 31 công trình trạm y tế, 195 công trình trường học, 10 công trình điện, 61 công trình phục vụ đời sống, sản xuất khác. Thực hiện hiệu quả chính sách định canh, định cư đã có 3.240 hộ được bố trí di chuyển, xen ghép, di chuyển tập trung 4 dự án với 336 hộ, 4 dự án đang thực hiện với 340 hộ. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn chương trình 135, tỉnh đã hỗ trợ phát triển sản xuất như chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất trên 10 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Mông.

Bài, ảnh: Trang Tâm

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/cham-lo-doi-song-dong-bao-dan-toc-mong-121743.html