Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có thêm điều kiện phát triển sản xuất, từng bước góp phần nâng cao đời sống và thúc đẩy KT -XH phát triển.
Hà Giang là tỉnh miền núi, địa hình khá phức tạp, mật độ dân số thấp; toàn tỉnh có 19 dân tộc, trong đó dân tộc Mông chiếm đa số, còn lại là các dân tộc Tày, Dao, Kinh, Nùng, Giấy, Lô Lô..., dân số là 860.906 người... Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh tập trung phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc; phối hợp với UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc.
Tỉnh ta luôn quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, các cơ chế, chính sách nhằm giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS. Đối với Chương trình 30a, giai đoạn 2016-2020 ngân sách T.Ư hỗ trợ 1.269.523 triệu đồng, hỗ trợ đầu tư 326 công trình, trong đó: 201 công trình đã hoàn thành quyết toán, chờ quyết toán, công trình chuyển tiếp; 125 công trình khởi công mới; duy tu bảo dưỡng, sửa chữa nâng cấp trên 107 lượt công trình. Hỗ trợ chăm sóc, bảo vệ rừng, lồng ghép với kinh phí dịch vụ môi trường rừng cho 193.414 hộ, với diện tích 455.178,5 ha; hỗ trợ 2.276 lao động đi làm việc tại nước ngoài; 16.516 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh.
Đối với Chương trình 135, tổng số vốn được giao giai đoạn 2016-2020 là 1.102.218 triệu đồng, tỉnh đã thực hiện 1.300 lượt công trình, chủ yếu là làm các công trình giao thông, cấp nước sinh hoạt, thủy lợi, lớp học, nhà văn hóa thôn; hỗ trợ mua giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, vật liệu xây dựng… cho trên 136.000 hộ; xây dựng 103 mô hình giảm nghèo cho 2.187 hộ; mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ và cộng đồng thuộc Chương trình 135, tổ chức tập huấn 426 lớp cho 26.077 lượt người tham gia. Ngoài ra, thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín (NCUT) trong đồng bào DTTS, UBND tỉnh đã phê duyệt 11.830 NCUT thuộc 16 dân tộc, hàng năm tổ chức tặng quà động viên NCUT nhân dịp Tết Nguyên đán, quan tâm, thăm hỏi khi ốm đau, gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn. Phối hợp với Bưu điện tỉnh, Báo Hà Giang, Báo Dân tộc phát triển cấp phát báo. Nhiều chính sách khác đối với vùng đồng bào DTTS cũng được thực hiện có hiệu quả như: Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, cây, con giống cho hộ đồng bào DTTS và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Từ năm 2016 đến hết năm 2020, toàn tỉnh giảm 32.837 hộ nghèo (trong đó 31.967 hộ nghèo DTTS), tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,65% xuống còn 22,29%, giảm 21,36% so với đầu năm 2016. Trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên; cơ sở hạ tầng thiết yếu đặc biệt về giao thông, thủy lợi, điện, trường, trạm... được đầu tư ngày càng khang trang, tiện lợi, phục vụ đời sống người dân. Việc triển khai các chính sách được các cấp, ngành quan tâm phối hợp thực hiện.
Theo đồng chí Bế Thị Kim Hưng, Trưởng phòng Nghiệp vụ công tác dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh: Hiệu quả từ việc huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước gắn với các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống mọi mặt của đồng bào DTTS trên địa bàn toàn tỉnh. Nhiều hộ đã mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng vào sản xuất và mang lại hiệu quả cao. Thời gian tới, sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách, mô hình, dự án hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS. Qua đó, nâng cao chất lượng mọi mặt đời sống đồng bào DTTS theo hướng hiệu quả, bền vững.