Chăm lo đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư, hỗ trợ vùng dân tộc, miền núi nhằm giúp đồng bào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. Nhờ vậy, KT - XH vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển khá toàn diện.
Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư, hỗ trợ vùng dân tộc, miền núi nhằm giúp đồng bào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. Nhờ vậy, KT - XH vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển khá toàn diện.
Theo thống kê, tỉnh Hòa Bình hiện có 145 xã thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, 74 xã khu vực I, 12 xã khu vực II, 59 xã khu vực III và 86 thôn, xóm, bản đặc biệt khó khăn. Tuy đã được quan tâm chăm lo đầu tư nhưng so với toàn tỉnh, đời sống đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; một số tập quán lạc hậu chậm khắc phục... Vì vậy, thời gian qua, tỉnh tỉnh tập trung thực hiện các chính sách hướng tới sự phát triển toàn diện và bền vững hơn cho đồng bào vùng DTTS.
Thiết thực chăm lo đời sống đồng bào vùng DTTS và miền núi, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương chủ động triển khai các kế hoạch, dự án phát triển KT - XH. Từ đó, khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng. Khuyến khích bà con đẩy mạnh phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập với vùng thuận lợi.
Giai đoạn 2021 - 2024, nguồn vốn sự nghiệp đầu tư thực hiện Chương trình phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tỉnh đạt gần 1.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư đạt trên 1.500 tỷ đồng. Ngoài ra, huy động từ các nguồn hợp pháp khác (vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội trên 76 tỷ đồng, vốn huy động khác trên 3,6 tỷ đồng). Từ nguồn vốn trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp triển khai dự án Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt với 696 hộ được hỗ trợ nhà ở; chuyển đổi nghề cho trên 2.600 người; cung cấp nước sinh hoạt cho gần 15.000 hộ. Tỉnh hỗ trợ đầu tư 5 dự án ổn định dân cư tập trung cho 168 hộ tại các huyện: Đà Bắc, Tân Lạc, Kim Bôi.
Thực hiện dự án Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Toàn tỉnh đã hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp với trên 97.000 ha. Trong đó, khoán bảo vệ rừng đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ 51.405 ha; phát triển sản xuất, chuỗi sản xuất 282 dự án, mô hình; thúc đẩy khởi sự kinh doanh 98 mô hình với 4.900 lượt người.
Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất cho vùng DTTS và miền núi. Hiện đã có 664 công trình cơ sở hạ tầng được triển khai xây dựng. Trong đó, 200 công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; 381 công trình giao thông; 16 công trình chợ; 29 công trình thủy lợi; 10 công trình y tế; 21 công trình trường học; 1 công trình điện nông thôn; 3 công trình nước sinh hoạt; 3 công trình phụ trợ khác. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS.
Công tác y tế, giáo dục vùng đồng bào DTTS cũng được đặc biệt quan tâm. Hệ thống các trường dân tộc nội trú và bán trú được đầu tư xây dựng khang trang. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS được triển khai hiệu quả, nhất là công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em. Sau hơn 3 năm thực hiện đã có 2.575 hoạt động được triển khai với 61.362 lượt người tại 59 xã được hưởng lợi. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống từng bước kéo giảm. Toàn tỉnh đang duy trì 39 mô hình phòng, chống hôn nhân cận huyết thống với gần 8.000 lượt người.
Những kết quả Chương trình phát triển KT - XH vùng DTTS và miền núi đã góp phần từng bước giải quyết có trọng tâm, trọng điểm những vấn đề trong vùng. Từng bước hoàn thành mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo trong vùng giảm bình quân mỗi năm 2,5% - 3%; 50% số xã, thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê tông; 90% thôn, xóm có đường giao thông từ xã đến được cứng hóa. Đồng thời, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho Nhân dân. Tiếp tục duy trì ổn định 100% trẻ 5 tuổi và học sinh trong độ tuổi tiểu học, 98% học sinh học THCS trở lên được đến trường.