Chăm lo đời sống người có công

Nhờ có sự đồng thuận vào cuộc của các cấp, ngành và toàn dân, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng và gia đình có thân nhân là NCC trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không ngừng được cải thiện.

Bình quân mỗi năm có hơn 7.000 người có công trên địa bàn tỉnh và thân nhân được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe (ảnh chụp tại Trung tâm Điều dưỡng người có công của tỉnh).

Bình quân mỗi năm có hơn 7.000 người có công trên địa bàn tỉnh và thân nhân được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe (ảnh chụp tại Trung tâm Điều dưỡng người có công của tỉnh).

Cùng với cả nước, đi qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, làm nhiệm vụ quốc tế và bảo vệ biên giới Tổ quốc, tỉnh Thái Nguyên có hơn 10.000 người con đã anh dũng hy sinh, hơn 12.000 người gửi lại chiến trường một phần thân thể, hơn 580 phụ nữ được vinh danh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; hơn 13.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học…

Một niềm đau vô bờ vọng về từ quá khứ, cả những phụ nữ, trẻ em chưa từng biết đến đạn bom cũng phải gánh chịu suốt cuộc đời một nỗi đau mang tên chiến tranh. Và chỉ có phương thuốc được kết tinh, tụ lại từ lòng người bác ái mới làm nguôi vơi được phần nào những niềm đau khắc khoải của bao người mẹ đợi con, bao người vợ đợi chồng trong trời chiều sậm hoàng hôn tháng Bảy.

Tôi đã nhiều lần theo các đoàn công tác của tỉnh về thăm, tặng quà cho NCC và gia đình có thân nhân là NCC. Mỗi chuyến đi là một cảm xúc khác, nhất là với những Mẹ Việt Nam Anh hùng như "chuối chín cây” mà chẳng sợ gió lay. Bởi, các mẹ đã suốt một đời hy sinh lặng lẽ. Điển hình như Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Tựu, xóm Ngoài, xã Xuân Phương (Phú Bình). Chồng mẹ hy sinh thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, con trai mẹ hy sinh thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Mẹ Việt Nam Anh hùng Dương Thị Đành, xóm Xuất Tác, xã Phương Giao (Võ Nhai), cũng có chồng và con trai là liệt sĩ. Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Thích, xóm La Hóa, xã Lâu Thượng (Võ Nhai), có 2 con là liệt sĩ...

Trên địa bàn tỉnh còn nhiều nữa những phụ nữ được Đảng, Nhà nước vinh danh Mẹ Việt Nam Anh hùng. Vinh dự lắm nhưng cũng đong đầy đau thương. Rồi cũng bởi thời gian vô tình, hàng trăm người mẹ anh hùng đã theo chồng, theo con về với miền tiên cảnh.

Những mẹ còn sống đều tuổi cao, sức yếu, có mẹ nằm liệt giường từ nhiều năm nay, mọi việc đều trông cậy vào người thân trong gia đình, dòng họ cùng bà con chòm xóm. Có mẹ mấp mé tuổi “bách tuế” song khỏe mạnh, minh mẫn, trò chuyện phấn chấn khi các con, cháu là “người của Đảng, Nhà nước” về thăm, tặng quà nhân các dịp lễ, tết.

Tôi còn nhớ hôm trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, khi đoàn công tác của tỉnh đến thăm, chúc sức khỏe, tặng quà, Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Nhì, ở xóm Bá Vân 1, xã Bình Sơn (TP. Sông Công), chia sẻ: Năm nào cũng vậy, vào dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương đều đến thăm, tặng quà. Mẹ thấy ấm lòng...

Từ sản xuất, chế biến chè, thương binh Mai Viết Ái (xóm Gò Pháo, xã Tân Cương, T.P Thái Nguyên) cùng gia đình có thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm trừ chi phí.

Từ sản xuất, chế biến chè, thương binh Mai Viết Ái (xóm Gò Pháo, xã Tân Cương, T.P Thái Nguyên) cùng gia đình có thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm trừ chi phí.

Đền ơn đáp nghĩa với NCC và gia đình có thân nhân là NCC không chỉ là trách nhiệm, mà là một việc làm xuất phát từ trái tim của mỗi người dân trong cộng đồng xã hội. Vào các dịp lễ, tết, hằng năm, 100% NCC và gia đình có thân nhân là NCC trên toàn tỉnh được nhận quà của Đảng, Nhà nước.

Bình quân vào dịp Tết Nguyên đán, tỉnh trao hơn 52.000 suất quà với tổng số tiền gần 19 tỷ đồng; dịp 27-7, Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tỉnh trao hơn 58.000 suất quà, với tổng số tiền trên 15,6 tỷ đồng. Ngoài những suất quà ý nghĩa, tỉnh luôn quan tâm chăm lo hỗ trợ cho NCC, gia đình có thân nhân là NCC ổn định đời sống vật chất, tinh thần.

Trong năm 2023, cùng chi trả trợ cấp hằng tháng cho hơn 19.300 NCC, tỉnh vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp, ủng hộ xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa với số tiền hơn 8,3 tỷ đồng. Toàn bộ tiền Quỹ được sử dụng thăm hỏi, giúp đỡ, hỗ trợ cho NCC và thân nhân NCC ốm đau, gặp khó khăn đột xuất, đặc biệt có 24 hộ được hỗ trợ về nhà ở, với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Công tác chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho NCC, thân nhân NCC được quan tâm, bình quân 1 năm có khoảng 7.000 lượt người được tổ chức điều dưỡng phục hồi sức khỏe.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, ngoài quà Tết Nguyên đán, nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên đã trao quà cho gần 300 chiến sĩ Điện Biên, 63 thanh niên xung phong, 96 dân công hỏa tuyến và 54 thân nhân liệt sĩ. Bộ Quốc phòng và các huyện, thành phố của tỉnh cũng đã trao tặng 74 suất quà cho đối tượng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cùng thời gian còn có gần 400 NCC được hỗ trợ phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, thiết bị phục hồi chức năng với tổng số tiền hơn 583 triệu đồng.

Thêm thông tin vui là trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng của tỉnh đã ban hành quyết định, công nhận mới 24 trường hợp là NCC và được nhận trợ cấp hằng tháng, trong đó 4 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 20 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Sở Lao động Thương binh và Xã hội cũng ban hành quyết định trợ cấp thờ cúng liệt sĩ cho 96 trường hợp; cấp giấy chứng nhận thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ cho 58 trường hợp; 23 trường hợp được đề nghị cấp Bằng Tổ quốc ghi công.

Các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và NCC" ngày càng lan tỏa với nhiều hoạt động ý nghĩa như: xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; vận động cơ quan, đơn vị phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; triển khai thực hiện tốt việc hỗ trợ nhà ở cho người có công; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc, giúp đỡ thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, NCC…

Tất cả được xuất phát từ lòng biết ơn sâu sắc, từ truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nên công tác đền ơn đáp nghĩa không chỉ dừng lại ở phong trào, mà trờ thành nhu cầu của mỗi cán bộ, nhân dân Thái Nguyên. Đây cũng là nguồn động viên, khuyến khích NCC, thân nhân NCC thêm nghị lực vươn lên, ổn định cuộc sống.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202407/cham-lo-doi-song-nguoi-co-cong-a0e04bb/