Chăm lo, hỗ trợ cho người bị tai nạn lao động
Tai nạn lao động (TNLĐ) không chỉ cướp đi sinh mạng và sức khỏe của con người mà còn để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình người lao động (NLĐ). Thấu hiểu điều này, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp đều chung tay chăm lo, hỗ trợ cho những người bị TNLĐ; đồng thời, động viên, chia sẻ với gia đình của họ.
Giúp người bị tai nạn lao động trở lại làm việc
Theo pháp luật quy định, TNLĐ là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho NLĐ, xảy ra trong quá trình LĐ, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ LĐ.
Hiện nay, tỉnh Long An có khoảng 373.800 công nhân, LĐ có ký kết hợp đồng LĐ, đóng bảo hiểm xã hội; trong đó, có gần 290.000 công đoàn viên của hơn 2.800 tổ chức Công đoàn cơ sở. Với lực lượng LĐ đông đảo, tình trạng mất an toàn LĐ trong một số lĩnh vực, ngành, nghề, TNLĐ, bệnh nghề nghiệp còn xảy ra; trong đó có nhiều vụ gây thiệt hại về người và tài sản, để lại hậu quả lâu dài cho NLĐ, thân nhân và xã hội.
Cách đây 1 năm, không may anh Trần Trung Thuận (SN 2001, ngụ ấp Bình Tiền 2, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) - nhân viên Công ty (Cty) Cổ phần Cơ khí Đại Dũng II, bị TNLĐ. Anh Thuận thổ lộ: “Tháng 5/2023, trong quá trình lấy vật tư, do không cẩn thận nên tôi làm một thanh sắt đổ xuống, đập vào vai, đầu gối tôi. Các anh em trong Cty lập tức đưa tôi đến bệnh viện. Kết quả, tôi được bác sĩ chẩn đoán thương tật 67%, gãy xương đòn vai, phải cắt bỏ xương bánh chè và mang chân giả”. Sau khi xảy ra tai nạn, Cty chi trả toàn bộ chi phí điều trị tại bệnh viện; hỗ trợ tiền lương trong thời gian nghỉ dưỡng, điều trị tại nhà với mức 5 triệu đồng/tháng và kinh phí lắp chân giả để anh tiện đi lại.
Nhân viên An toàn sức khỏe và Môi trường, Cty Cổ phần Cơ khí Đại Dũng II - Nguyễn Trần Hữu Thoại nhớ lại: “Tôi đã đưa anh Trần Trung Thuận đến bệnh viện cấp cứu. Sau khi xảy ra tai nạn, Cty hỗ trợ khoảng 24 triệu đồng để điều trị, bố trí nhân viên y tế hàng ngày đến chăm sóc và đưa đón anh Thuận đi tái khám. Trường hợp của anh Thuận là TNLĐ đặc biệt nặng phải cắt bỏ chân, vì vậy, Cty hỗ trợ cho anh chân giả để thuận tiện đi lại, chi phí khoảng 35 triệu đồng. Trong quá trình điều trị từ tháng 5 đến tháng 12/2023, Cty còn trả hơn 30 triệu đồng tiền lương cho anh Thuận; đồng thời, vận động công nhân quyên góp khoảng 150 triệu đồng để giúp đỡ gia đình anh vượt qua giai đoạn khó khăn”.
Khi thấy anh Thuận ổn định sức khỏe, có khả năng tiếp tục LĐ, Cty động viên anh quay trở lại làm việc và sắp xếp vị trí phù hợp. Hiện anh Thuận làm tại bộ phận HSE với vị trí an ninh giám sát camera, chuyên theo dõi, phát hiện các rủi ro và thông báo cho bộ phận có trách nhiệm tại từng khâu để kịp thời xử lý.
Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Đức Hòa - Nguyễn Thị Tú Trinh cho biết: “Hưởng ứng Tháng An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), Phòng phối hợp chặt chẽ các DN thực hiện công tác tuyên truyền cho NLĐ về việc bảo đảm ATVSLĐ và tổ chức đến thăm NLĐ không không may bị thương tật nặng hoặc mất do TNLĐ”.
“Hầu hết DN trên địa bàn huyện đều tạo điều kiện cho NLĐ bị TNLĐ nhưng vẫn có khả năng LĐ tiếp tục làm việc tại DN. Các DN sẽ bố trí công việc phù hợp để bảo đảm sức khỏe và đời sống cho NLĐ” - chị Nguyễn Thị Tú Trinh cho biết thêm.
Động viên thân nhân người mất vì tai nạn lao động
Tháng 5/2024, Đoàn Sở LĐ-TB&XH đến thăm gia đình của NLĐ tử vong hoặc chịu thương tật nặng do TNLĐ. Tại những nơi đến, Đoàn trao tặng mỗi gia đình 2 triệu đồng tiền mặt để sẻ chia phần nào những mất mát của các gia đình.
Anh Nguyễn Ngọc Linh (SN 2002) trước đây là nhân viên Cty TNHH Cheng Da II (huyện Đức Huệ). Anh mất do gặp tai nạn giao thông khi đang trên đường đi làm về nhà. Biến cố bất ngờ ập đến, cướp đi sinh mạng của anh khiến kinh tế gia đình anh gặp nhiều khó khăn. Cha anh làm thợ hồ, mẹ anh trồng chanh, làm mướn, vợ anh cũng làm công nhân. Ngay khi sự việc không may xảy ra, Cty TNHH Cheng Da II hỗ trợ gia đình anh làm thủ tục mai táng, hồ sơ nhận tiền bảo hiểm TNLĐ theo quy định; hỗ trợ số tiền khoảng 30-40 triệu đồng. Song song đó, chính quyền địa phương cũng đến thăm hỏi, động viên gia đình vượt qua mất mát.
Đến nay, nỗi đau mất người thân còn hiện hữu trong gia đình bà Lê Thị Mỹ Duyên (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa). Chồng bà là ông Trần Văn Vân (SN 1969), trước đây là nhân viên Cty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Hòa Bình (huyện Thủ Thừa). Năm 2023, trong một lần chỉ huy công nhân cưa cây, một gốc cây lớn bất ngờ đổ ập xuống, đè ông tử vong. Thời điểm này, bà Duyên đang bán bánh tráng cặp Quốc lộ 1, đoạn từ TP.HCM về Long An, 2 người con trai vừa ra trường thì cha mất, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Bà Duyên kể: “Sau khi xảy ra tai nạn, Cty hỗ trợ cho gia đình 50 triệu đồng mai táng, làm hồ sơ nhận bồi thường của bảo hiểm,... Thời gian qua, các cấp chính quyền, địa phương, hàng xóm cũng thường xuyên đến hỏi thăm, an ủi gia đình nên tôi biết ơn lắm!”.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Nguyễn Đại Tánh thông tin: “Để động viên người bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp có hoàn cảnh khó khăn, các cấp, ngành, địa phương, DN đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho NLĐ và gia đình NLĐ. Trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024, các cơ quan, đơn vị, địa phương và DN phối hợp đến thăm, tặng quà cho người bị TNLĐ. Trong đó, Sở phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh, địa phương tổ chức thăm 7 gia đình có người thân bị mất do TNLĐ, người bị TNLĐ nặng; tặng quà cho các gia đình, tổng kinh phí 40 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh”.
Những lời động viên, an ủi, chia sẻ với gia đình các nạn nhân góp phần xoa dịu nỗi đau của người ở lại. Đồng thời, đó còn là nhắc nhở về trách nhiệm của các DN, người sử dụng LĐ và toàn xã hội trong việc nâng cao ý thức về ATVSLĐ./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/cham-lo-ho-tro-cho-nguoi-bi-tai-nan-lao-dong-a176765.html