Chăm lo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong tình hình mới
Thực hiện lời dạy của Bác: 'Lương y phải như từ mẫu' trong những năm qua, cán bộ, nhân viên ngành Y tế Nam Định luôn nỗ lực rèn luyện y đức, trau dồi chuyên môn, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Năm 2024, Bệnh viện Mắt tỉnh phẫu thuật gần 10 nghìn ca bệnh (đạt 141,4% kế hoạch).
Xây dựng Bệnh viện “Xanh - sạch - đẹp”
Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Nam Định là BV hạng I có quy mô 1.000 giường bệnh, 39 khoa, phòng chức năng; gần 800 viên chức, người lao động (194 bác sĩ, 327 điều dưỡng). Bác sĩ chuyên khoa (CK)II Hoàng Thị Kim Yến, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Nam Định cho biết: Năm 2024, BV đã khám cho trên 270 nghìn lượt người, điều trị cho 42 nghìn lượt bệnh nhân điều trị nội trú; thực hiện hơn 9.000 ca phẫu thuật, công suất sử dụng giường bệnh đạt 105%, ngày điều trị trung bình 7,5; quản lý gần 16 nghìn bệnh nhân mạn tính. Thời gian qua, BV tích cực triển khai bệnh án điện tử; nhất là hồ sơ bệnh án điện tử, giúp bác sĩ và nhân viên y tế truy cập nhanh chóng, chính xác các thông tin về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, lịch sử điều trị và kết quả xét nghiệm. Sử dụng công nghệ trong khám, chữa bệnh từ xa (telemedicine) tạo điều kiện cho bệnh nhân có thể tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tiện lợi hơn.
Cũng theo Giám đốc Hoàng Thị Kim Yến, BV luôn chú trọng công tác đào tạo nhân lực và đầu tư nhiều kinh phí cho cán bộ, nhân viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cả ngắn hạn và dài hạn ở các cấp học, bậc học khác nhau (thạc sĩ, tiến sĩ, CKI, CKII). Trong năm 2024, BV đã chi gần 4 tỉ đồng cho công tác đào tạo để tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng khám và chữa bệnh cho người dân. Hiện nay, BV thực hiện được 85% kỹ thuật đúng tuyến và 10% dịch vụ kỹ thuật vượt tuyến. Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và các nhiệm vụ định hướng phát triển BV như nghiên cứu phát triển các Trung tâm chuyên khoa trong BV (Trung tâm can thiệp tim và mạch máu, Trung tâm Lão khoa, Trung tâm Đột quỵ, thành lập Trung tâm (hoặc bộ phận) dịch vụ - hậu cần), BV sẽ cử cán bộ học tập tại các BV đầu ngành tuyến Trung ương như Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức, K, Đại học Y Hà Nội, mời các chuyên gia tuyến trên về đào tạo theo hình thức "cầm tay chỉ việc"… nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, nhân viên. Hoàn thành việc di chuyển BV về cơ sở mới (Khu đô thị Mỹ Trung) với cơ sở vật chất khang trang và nhiều trang thiết bị mới được trang bị đồng bộ, sẽ từng bước đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân, không chỉ ở Nam Định mà còn ở cả các khu vực lân cận.
BV Mắt tỉnh Nam Định là BV hạng II, hoạt động theo cơ chế tự chủ loại hình “Đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên”, quy mô hiện nay là 120 giường bệnh với chức năng khám, điều trị các bệnh về mắt; điều hành, quản lý các chương trình phòng, chống mù lòa cho nhân dân trong và ngoài tỉnh; nghiên cứu khoa học kỹ thuật; đào tạo, huấn luyện và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ đôi mắt của nhân dân. Bác sĩ Đặng Xuân Ngọc, Giám đốc BV Mắt tỉnh cho biết, năm 2024 BV tập trung vào các mặt công tác: nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho bệnh nhân đảm bảo an toàn, hiệu quả; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng người bệnh; xây dựng bệnh viện “Xanh - sạch - đẹp”. Khám cho hơn 46 nghìn lượt người (đạt 129,1% kế hoạch); điều trị nội trú trên 10 nghìn lượt bệnh nhân (đạt 114,4% kế hoạch), phẫu thuật gần 10 nghìn ca (đạt 141,4% kế hoạch). Hiện nay, BV đã và đang đẩy mạnh các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, phẫu thuật tạo hình đường lệ, laser cho bệnh nhân đục bao sau sau phẫu thuật thể thủy tinh, laser điều trị Glocom, tiêm nội nhãn điều trị bệnh lý võng mạc, đo thị trường, bổ sung nhiều dịch vụ kỹ thuật gây mê trong khám, phẫu thuật... Xây dựng nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa, kê đơn thuốc điện tử, thực hiện sổ sức khỏe điện tử cho người dân; Xây dựng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, hình thành bệnh viện thông minh.
Lấy người bệnh làm trung tâm
Đến tháng 2/2025, toàn tỉnh có 11 đơn vị khám, chữa bệnh đa khoa và chuyên khoa, gồm: BV Đa khoa tỉnh, BV Phổi, BV Mắt, BV Phụ sản, BV Nhi, BV Tâm thần, BV Da liễu, BV Y học cổ truyền, BV Nội tiết, BV Phục hồi chức năng, BV Đa khoa huyện Hải Hậu. Tại các BV, các chuyên khoa sâu được thành lập như: Ngoại (chấn thương, thần kinh, tiết liệu); Nội (tim mạch, tiêu hóa, hô hấp); Chẩn đoán hình ảnh và các chuyên ngành về Sản, Nhi, Tâm thần, Lao, Y học cổ truyền, Nội tiết, Ung bướu. Ngành Y tế hiện có hơn 3.800 cán bộ y tế công lập; trong đó tuyến tỉnh, tuyến huyện 2.657 người, tuyến xã 1.214 người; đạt tỷ lệ 8,52 bác sĩ/1 vạn dân. Có 8 BV và 8 Trung tâm Y tế huyện, thành phố được UBND tỉnh giao triển khai phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính mức độ tự đảm bảo chi thường xuyên.
Đồng chí Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Huy Đoàn cho biết: Thời gian qua, ngành Y tế Nam Định luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở; tham mưu UBND tỉnh ký kết hợp tác phát triển toàn diện ngành Y tế với BV Bạch Mai giai đoạn 2023-2028. Trong đó, Sở Y tế phối hợp BV Bạch Mai tổ chức khóa đào tạo "Cập nhật chẩn đoán, điều trị người bệnh hồi sức cấp cứu" cho 50 bác sĩ công tác tại các cơ sở y tế trực thuộc Sở; tổ chức 11 lớp đào tạo về hồi sức cấp cứu thông thường với tổng số hơn 1.300 học viên; cử 5 người đi đào tạo trình độ CKII, 21 người đi đào tạo trình độ CKI, 8 người đi đào tạo trình độ thạc sĩ, 12 người đi đào tạo trình độ đại học.
Ngoài ra, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố cử 250-300 lượt cán bộ chuyên môn xuống các trạm y tế xã, phường, thị trấn chuyển giao kỹ thuật lâm sàng; giúp các trạm y tế thực hiện công tác khám, chữa bệnh theo quy định. Chất lượng chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ tại cơ sở ngày càng được nâng lên; các trạm y tế cấp xã thực hiện được tối thiểu 60% danh mục kỹ thuật của tuyến xã; 100% trạm y tế xã, thị trấn có nữ hộ sinh trình độ trung cấp trở lên, đảm nhận công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân trên địa bàn. Mạng lưới y học cổ truyền tại trạm y tế được củng cố; khám, chữa bệnh bằng phương pháp Đông y không sử dụng thuốc đạt trên 20% tổng số ca; có 151 xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế.
Các BV, trung tâm y tế đã từng bước áp dụng thành công các tiến bộ khoa học trong khám, chẩn đoán, nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc toàn diện, giúp giảm tai biến trong điều trị người bệnh. Hiện nay, các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh áp dụng có hiệu quả các mô hình và phương thức chăm sóc người bệnh, đề cao vai trò chủ động của điều dưỡng trong chăm sóc bệnh nhân. Đẩy mạnh việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hồ sơ sức khỏe điện tử, kê đơn thuốc điện tử,… Toàn tỉnh hiện có 100% các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện tiếp đón bệnh nhân đến khám, chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp. 100% cơ sở y tế thực hiện thu phí trực tuyến không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi nhất cho người dân trong quá trình khám, chữa bệnh. Chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế hiện đạt 95%.
Trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 7/2/2024 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động số 39-CTr/TU ngày 14/12/2023 của Ban TVTU thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, đặc biệt lưu ý không lạm dụng thuốc, xét nghiệm, cận lâm sàng, dịch vụ kỹ thuật cao gây lãng phí cho người bệnh. Tiếp tục tổ chức triển khai Luật Khám, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và các văn bản hướng dẫn Luật, nâng cao năng lực điều hành, quản lý kinh tế y tế, thực hiện tốt các quy chế dân chủ, quy chế bệnh viện, quy chế chuyên môn trong các hoạt động tại cơ sở y tế. Đảm bảo công bằng trong khám, chữa bệnh, thực hiện tốt chính sách khám, chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công với cách mạng và các đối tượng chính sách khác.
Xây dựng và triển khai Đề án “Phát triển nguồn nhân lực y tế tỉnh Nam Định giai đoạn 2024-2030”. Phối hợp với các ngành thực hiện tốt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, sử dụng thiết bị y tế công nghệ cao, công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và khám, chữa bệnh. Từng bước nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin theo tiêu chí BV thông minh.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại các tuyến, trong đó tuyến tỉnh triển khai tốt một số kỹ thuật như xạ trị, nội soi, kết hợp xương,... Tiếp tục triển khai có hiệu quả và mở rộng thực hiện Đề án BV vệ tinh, đẩy mạnh hoạt động chỉ đạo tuyến nhằm phát triển chuyên môn kỹ thuật tuyến y tế cơ sở. Phấn đấu tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh công lập đều tăng điểm chất lượng theo tiêu chí của Bộ Y tế. Tiếp tục thực hiện hiệu quả đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh.