Chăm lo phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Những năm gần đây, nhìn trên bản đồ giáo dục vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ cũng như cả nước, giáo dục Lào Cai trở thành điểm sáng. Là tỉnh vùng cao, biên giới, xuất phát điểm vô vàn khó khăn với nhiều địa phương 'trắng' trường, lớp học, tỉnh Lào Cai đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và có nhiều chính sách đầu tư cho phát triển giáo dục, nhất là giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chuẩn hóa giáo dục vùng cao
Bắc Hà là 1 trong 3 huyện nghèo của tỉnh, do địa hình bị chia cắt, nhiều xã, thôn, bản xa trung tâm huyện hàng chục km, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn khó khăn. Chưa nói đến thời điểm tỉnh Lào Cai được thành lập cách đây 115 năm, chỉ cách đây 30 năm, khi tỉnh Lào Cai được tái lập, thì Bắc Hà vẫn là “vùng trũng” giáo dục của cả tỉnh. Trên địa bàn huyện, trường, lớp học rất ít, toàn huyện còn 6 xã “trắng” trường, lớp học; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi ra lớp đạt 31,1%.
Tuy nhiên, tất cả đã là quá khứ. Hiện nay, hệ thống trường, lớp học ở các xã vùng cao xa xôi nhất huyện Bắc Hà như Tả Củ Tỷ, Bản Liền, Bản Già… đã được xây dựng khang trang. Mỗi trường vùng cao đều có hệ thống phòng ở cho học sinh bán trú, nhà công vụ cho giáo viên được kiên cố. Ông Bùi Văn Tiến, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Hà cho biết: Toàn huyện hiện có 53/61 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 86,8%, đứng thứ 3 toàn tỉnh. Huyện không còn phòng học tạm, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt trên 71%; các điều kiện cơ sở vật chất khác cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học, chỗ ở và điều kiện sinh hoạt cho học sinh bán trú. Tỷ lệ học sinh ra lớp đạt trên 98%. Để đạt được kết quả đó là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh qua nhiều chương trình, dự án.
Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Bắc Hà được Sở Giáo dục và Đào tạo chọn làm điểm xây dựng kiên cố hóa cơ sở vật chất giáo dục vùng cao. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tham mưu các cấp phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng hàng trăm hạng mục liên quan tới các trường học với tổng kinh phí dự kiến 677 tỷ đồng. Cảnh quan trường, lớp khang trang sẽ tạo môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, sạch, xanh, đẹp, góp phần tạo chuyển biến mạnh về chất lượng giáo dục.
Trong những năm qua, không chỉ huyện Bắc Hà, mà các huyện vùng cao khác trên địa bàn tỉnh đều nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nói chung, của tỉnh nói riêng để dần hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, xây dựng cơ sở vật chất khang trang. Việc đầu tư được gắn với Đề án rà soát, điều chỉnh mạng lưới trường, lớp học và chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với các cơ sở giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các trường PTDT nội trú, bán trú.
Chỉ riêng trong 10 năm qua, tỉnh đã đầu tư hơn 3.798 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục, nổi bật là xây mới và nâng cấp các trường PTDT nội trú; hoàn thành mục tiêu xây dựng 738 phòng ở học sinh bán trú, 1.140 phòng công vụ cho giáo viên, 849 công trình nhà tắm, nhà vệ sinh cho các trường; xây dựng 314 phòng học mới nhằm xóa phòng học tạm trên toàn tỉnh. Nhờ đó đến nay, toàn tỉnh có 427 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 69,7% tổng số trường, tăng 291 trường so với năm 2010; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt gần 75%. Đặc biệt, hệ thống giáo dục dân tộc phát triển mạnh với 100% trường PTDT nội trú có cấp THPT và 134 trường PTDT bán trú. Các trường đã có nước sạch, điện lưới quốc gia, máy tính kết nối internet, cơ bản đủ chỗ ở cho học sinh bán trú, giáo viên, nhân viên.
Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Cùng với mạng lưới trường, lớp được điều chỉnh phù hợp hơn với điều kiện các địa phương, cơ sở vật chất trường, lớp học được đầu tư khang trang, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt của học sinh bán trú và giáo viên vùng cao được cải thiện, chất lượng giáo dục vùng cao Lào Cai cũng có những chuyển biến tích cực. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đã góp phần nâng cao dân trí cho đồng bào vùng cao.
Trong các địa phương làm tốt công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, thị xã Sa Pa là một điển hình. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trường Chinh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa cho biết: Năm 2014, Sa Pa vẫn còn trên 10% người trong độ tuổi 26 - 35 không biết chữ, số người mù chữ ở độ tuổi 15 - 35 cũng khá cao. Sau khi thực hiện Đề án “Xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2015 - 2020”, Sa Pa đã mở 88 lớp xóa mù chữ với 1.730 học viên tham gia, vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Đến năm 2020, thị xã Sa Pa đạt mục tiêu 16/16 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ mức độ 2, tỷ lệ người biết chữ đạt 96,8%. Hiện nay, 100% xã, phường đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 12/16 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và 4 xã, phường đạt chuẩn mức độ 4.
Thực tế cho thấy, từ những năm đầu tỉnh Lào Cai được thành lập đến nay, đặc biệt là trong 30 năm kể từ khi tỉnh Lào Cai được tái lập, bức tranh giáo dục của tỉnh ngày càng tươi sáng. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên từ vùng thấp đến vùng cao. Từ sáng tạo về mô hình trường học bán trú của tỉnh và nhiều mô hình khác, như “trường học gắn với thực tiễn”, “mô hình giáo dục STEM”, tỷ lệ huy động học sinh các cấp ra lớp luôn đạt kế hoạch giao, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần tăng rõ rệt, đặc biệt là ở những xã khó khăn nhất về giáo dục. Năm 2005, Lào Cai đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; năm 2007 đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; năm 2013 đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi và năm 2022 được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn thí điểm phổ cập giáo dục mầm non trẻ 4 tuổi.
Công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu được chú trọng, trở thành điểm sáng của giáo dục vùng cao cả nước. Đặc biệt, tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2022, Lào Cai đoạt 46 giải, là năm có số giải chính thức cao nhất, xếp thứ 4 các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc; xếp thứ Nhất trong cụm thi đua. Tại kỳ thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia, đoàn học sinh Lào Cai đoạt 1 giải Nhất và 1 giải Nhì; 1 dự án đoạt giải Ba chuyên đề tại Hội thi Khoa học - Kỹ thuật quốc tế - ISEF tại Hoa Kỳ. Lào Cai được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn là điển hình tiên tiến về giáo dục vùng cao và là 1 trong 7 tỉnh thí điểm thực hiện đổi mới giáo dục.
Theo bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, những “mùa quả ngọt” của giáo dục tỉnh có được là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách chăm lo phát triển giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó là sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân và sự quyết tâm, nỗ lực của thầy và trò. Trong thời gian tới, ngành giáo dục tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả Đề án “Đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện - nguồn nhân lực - khoa học công nghệ tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025”, phấn đấu đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh đứng trong tốp đầu các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc.