Chăm lo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng

Năm 2022, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các sở, ban ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực. Trong những kết quả chung, công tác chăm lo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm sâu sát; các sở, ngành tỉnh, các địa phương tích cực phối hợp, tổ chức thực hiện góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 7,71%; GRDP bình quân đầu người đạt 54,8 triệu đồng/người/năm; 100% xã, phường, thị trấn có đường ôtô đến trung tâm, 84% ấp, khóm được cứng hóa; 100% xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia, 98% hộ dân tộc thiểu số có điện sử dụng; 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng phát thanh - truyền hình, đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân. Kết quả rà soát hộ nghèo năm 2022, tổng hộ nghèo trên địa bàn tỉnh hiện còn 15.139 hộ, chiếm tỷ lệ 4,54% tổng số hộ, giảm 2,19% so với năm 2021; hộ nghèo Khmer hiện còn 7.122 hộ, chiếm tỷ lệ 7,01% tổng số hộ Khmer, giảm 3,01% so với năm 2021, hộ nghèo Hoa còn 345 hộ, tỷ lệ 2,09%.

Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng tặng quà cho người nghèo tại xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng). Ảnh: HẢI HÀ

Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng tặng quà cho người nghèo tại xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng). Ảnh: HẢI HÀ

Triển khai đầy đủ, đảm bảo, kịp thời các chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý, chỉ đạo như: Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” theo Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025” theo Quyết định số 414/QĐ-TTg, ngày 12/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025” theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg, ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018 - 2025” theo Quyết định số 771/QĐ-TTg, ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài các chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý, tỉnh Sóc Trăng ban hành và thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc đặc thù của địa phương, tạo được sự đồng thuận, vui mừng, phấn khởi của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh: tổ chức 5 lớp đào tạo tiếng Khmer cho 249 cán bộ, công chức, viên chức; phát 59 kỳ dạy tiếng Khmer trên sóng phát thanh và truyền hình theo Quyết định số 1702-QĐ/TU, ngày 11/7/2019 của Tỉnh ủy Sóc Trăng về phê duyệt Đề án đào tạo tiếng Khmer; hỗ trợ 197 nhà sư và Achar dạy tiếng và chữ Khmer, 93 giáo viên dạy tiếng và chữ Hoa tại các trường ngoài hệ thống các trường công lập vào dịp hè năm 2022 với số tiền là 1 tỷ 525 triệu đồng, theo Kế hoạch số 36/KH-UBND, ngày 5/3/2020 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND, ngày 6/12/2019 của HĐND tỉnh; thực hiện chuyên đề “Dân tộc và phát triển”, xây dựng phát sóng 12 chuyên mục truyền thông, góp phần đưa thông tin kịp thời về hoạt động lao động, sản xuất, sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh; chính sách tạo nguồn và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số, kết quả tuyển dụng công chức năm 2021, có 51 thí sinh trúng tuyển, trong đó có 23 thí sinh là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 45,1%.

Sóc Trăng đã nhận Kỷ lục Guinness "Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng có số lượng ghe ngo và vận động viên đông nhất Việt Nam" từ năm 2005 đến nay và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: NGỌC HẢI

Sóc Trăng đã nhận Kỷ lục Guinness "Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng có số lượng ghe ngo và vận động viên đông nhất Việt Nam" từ năm 2005 đến nay và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: NGỌC HẢI

Nhân dịp Tết cổ truyền đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh tổ chức họp mặt và thành lập các đoàn đi thăm hỏi, chúc mừng, tặng quà cho các chùa, mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực Lượng vũ trang nhân dân, thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, cán bộ hưu trí là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc đã hỗ trợ kinh phí tổ chức họp mặt, thăm, tặng quà cho 6 tập thể và 100 hộ nghèo, gia đình chính sách, người có uy tín tiêu biểu; ủng hộ Quỹ khuyến học của Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ với tổng kinh phí là 349 triệu đồng; Vietcombank hỗ trợ xây dựng 10 căn nhà cho hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khó khăn về nhà ở, với tổng số tiền là 500 triệu đồng... Tổ chức các hoạt động Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII tại tỉnh Sóc Trăng và Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực đồng bằng sông Cửu Long, năm 2022; Đại diện tổ chức Guinness Việt Nam trao quyết định và bằng công nhận Kỷ lục Guinness "Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng có số lượng ghe ngo và vận động viên đông nhất Việt Nam" từ năm 2005 đến nay cho tỉnh Sóc Trăng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng.

Bàn giao nhà ở cho hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022. Ảnh: THANH VÀNG

Bàn giao nhà ở cho hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022. Ảnh: THANH VÀNG

Đáng chú ý, năm 2022 là năm đầu tiên tổ chức triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 với tổng kinh phí 790 tỷ 486 triệu 921 nghìn đồng, năm 2022 là 242 tỷ 977 triệu 309 nghìn đồng; vốn tín dụng cho vay để thực hiện chương trình theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 của Chính phủ với tổng kinh phí là 56 tỷ đồng. Toàn tỉnh Sóc Trăng có 63 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và 128 ấp đặc biệt khó khăn được thụ hưởng chương trình. Trên cơ sở Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19/6/2020 của Quốc hội, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; Ban Dân tộc tỉnh cùng các sở, ngành được giao nhiệm vụ thực hiện các dự án, tiểu dự án của chương trình mục tiêu quốc gia đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành 51 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, cơ chế quản lý triển khai thực hiện chương trình, đây là cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai có hiệu quả chương trình. Đến ngày 31/12/2022, đã triển khai thực hiện xây dựng 63 công trình (trong đó 48 công trình lộ giao thông nông thôn, 11 công trình cầu giao thông nông thôn, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng và 3 công trình mạng lưới chợ); 4 công trình nước tập trung; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 197 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 267 hộ, đang tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho các hộ còn lại và khi Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức hỗ trợ thì các địa phương sẽ tiến hành hỗ trợ đất ở cho 213 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 623 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 230 hộ.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác chăm lo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, tỉnh được phân bổ vốn là 416 tỷ 994 triệu 611 nghìn đồng), góp phần cùng tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp và đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là: Tăng cường công tác truyền thông về ý nghĩa và tầm quan trọng các chương trình, chính sách dân tộc của Trung ương, của tỉnh và Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và trong tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; qua đó, chủ động, nỗ lực phấn đấu trong lao động, sản xuất để tự vươn lên thoát nghèo, khắc phục tư tưởng trông chờ vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước và xã hội.

Hai là: Tiếp tục triển khai tốt các chỉ thị, kết luận của Đảng, nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy; các văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

Ba là: Phối hợp tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1: từ năm 2021 đến 2025. Theo đó, các sở, ngành phụ trách các dự án, tiểu dự án của chương trình và UBND cấp huyện, xã có trách nhiệm rà soát hiện trạng, xác định mục tiêu, công việc, lộ trình và giải pháp cụ thể của từng ngành, từng địa phương; lưu ý, lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên để tập trung chỉ đạo và bố trí đủ nguồn lực thực hiện; giải ngân vốn Trung ương, tỉnh theo kế hoạch phân bổ vốn của HĐND tỉnh và quyết định giao vốn của UBND tỉnh đảm bảo đúng quy định, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của chương trình năm 2023.

Bốn là: Tổ chức, mở các lớp tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện chương trình các cấp, triển khai đầy đủ các chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách và hướng dẫn thực hiện chương trình giai đoạn 2021 - 2025 cho cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

Năm là: Phát huy vai trò người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia trực tiếp củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết... Các cấp chính quyền tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kịp thời cung cấp thông tin, báo cáo về công tác dân tộc, đặc biệt là điểm nóng về an ninh trật tự (nếu có), tình hình thiên tai, dịch bệnh, môi trường... kiến nghị của cử tri liên quan đến việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn.

Sáu là: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương để kịp thời phát hiện và uốn nắn những sai sót trong quá trình thực hiện; quản lý chặt chẽ việc sử dụng các nguồn lực thực hiện; đánh giá hiệu quả thực hiện các dự án thành phần; phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng.

Bảy là: Tham mưu, phối hợp tổ chức tốt các hoạt động lễ hội truyền thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, như tổ chức các hoạt động mừng tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Sene ĐôlTa, lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng... năm 2023.

Tám là: Tham mưu xây dựng dự thảo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy ngày 9/7/2021 về lãnh đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín.

Chín là: Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số về các âm mưu, thủ đoạn, hình thức hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá Đảng và Nhà nước ta; các cấp chính quyền định hướng cán bộ, công chức, viên chức và người dân chia sẻ, lan tỏa những thông tin tích cực; lên án, phê phán những thông tin sai trái, tiêu cực trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là trên internet và mạng xã hội.

LÝ ROTHA - TỈNH ỦY VIÊN, TRƯỞNG BAN DÂN TỘC TỈNH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/trong-tinh/cham-lo-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-tinh-soc-trang-63052.html