Chăm lo sự học ở làng Bích La Đông

Tiếp nối truyền thống hiếu học của quê hương, từ bao đời nay các gia đình ở làng Bích La Đông (xã Triệu Đông cũ), nay là xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong vẫn luôn lấy sự học làm trọng và hết sức chăm lo chuyện học hành cho con em mình. Sự chăm lo đó cùng với tinh thần ham học, sự cần cù, sáng tạo và nỗ lực mà nhiều con em trong làng đã gặt hái được kết quả học tập đáng tự hào để vững bước xây dựng tương lai.

 Làng Bích La Đông duy trì việc phát thưởng khuyến học cho con em của làng. Ảnh: HG

Làng Bích La Đông duy trì việc phát thưởng khuyến học cho con em của làng. Ảnh: HG

Nói về sự học ở xã Triệu Đông (cũ) thì ngoài thôn Nại Cửu đã trở nên nổi tiếng về sự học thì ở kế bên, làng Bích La Đông cũng không hề thua kém. Bích La Đông là một làng trong ngũ giáp Bích La, mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, các bậc tiền hiền đời nào cũng có. Phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, người dân làng Bích La Đông đã coi trọng công tác giáo dục với “nhà nhà học tập, dòng họ học tập”.

Là một vùng quê đất chật người đông, diện tích canh tác ít, kinh tế chủ yếu nhờ vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống kinh tế người dân ở đây nhìn chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là một lý do khiến người dân trong làng từ xưa đã rất chú trọng vào việc chăm lo học tập của con em mình. Họ dù ở hoàn cảnh nào cũng luôn nỗ lực đầu tư, chăm lo cho các con học tập tới nơi tới chốn với quyết tâm thoát nghèo, để mong có ngày đỗ đạt thành tài. Cũng từ đây, phong trào thi đua học tập trong từng gia đình, dòng họ trở nên sôi nổi và có sức lan tỏa sâu rộng. Cùng với chi hội khuyến học của làng, các ban khuyến học của các dòng họ đã ra đời và chú trọng phát triển phong trào “xã hội học tập”, làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, phát thưởng động viên con em có thành tích xuất sắc trong học tập, học sinh nghèo vượt khó. Từ mỗi gia đình đến các dòng họ, cộng đồng ở đây xem việc học là động lực, là mục đích để thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho gia đình, địa phương và xã hội.

Ngày nay, người dân Bích La Đông luôn nhận thức đúng đắn về công tác giáo dục. Trong làng cũng đã dấy lên phong trào “Gia đình học tập”, “Xã hội học tập”, “Dòng họ học tập”. Mỗi một gia đình nơi đây luôn nhận thức và coi trọng việc học, coi trọng người hiền tài. Trong những năm qua, chi hội khuyến học của làng cùng với ban khuyến học các dòng họ đã tích cực tuyên truyền, vận động với phương châm mỗi gia đình là một hội viên của công tác khuyến học. Tại Bích La Đông có những dòng họ hiếu học nổi bật như Lê Bá, Lê Cảnh…, trong đó họ Lê Bá là dòng họ đi đầu trong phong trào khuyến học của làng. Họ Lê Bá cũng là dòng họ đầu tiên của tỉnh thành lập ban khuyến học, đến nay vừa tròn 20 năm. Dòng họ này cũng đã trích được quỹ riêng cho khuyến học trên 55 triệu đồng. Dịp kỷ niệm 20 năm thành lập ban khuyến dòng họ sắp tới, họ Lê Bá sẽ tổ chức lễ vinh danh con cháu đã đỗ đạt là giáo sư, tiến sĩ và những người có đạt thành tích xuất sắc trong học tập khác. Năm 2019, Ban khuyến học họ Lê Bá được UBND tỉnh tặng bằng khen về công tác khuyến học…

Năm học 2018-2019, thành tích học tập của con em làng Bích La Đông có nhiều nổi bật. Trong đó, có 2 sinh viên được giải quốc gia, gồm: Lê Bá Lân, con ông Lê Bá Tuệ ở thành phố Đông Hà, đạt giải Nhất môn thí nghiệm Vật lý trong kỳ thi Olympic môn Vật lý toàn quốc lần thứ XXII; em Lê Bá Hữu Giang ở Xóm 4, Bích La Đông đạt giải Nhì trắc nghiệm Vật lý trong kỳ thi Olympic môn Vật lý toàn quốc lần thứ XXII. Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc có 2 em là: Lê Bá Thành Đạt ở Xóm 5, Bích La Đông; Lê Hữu Trọng, Xóm 3, Bích La Đông. Ngoài ra trong năm học này cũng đã có hàng chục em học sinh các cấp học đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện và nhiều em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng…

Đến nay, làng Bích La Đông cũng đã có rất nhiều người là giáo sư, tiến sĩ thành danh đang công tác ở trong và ngoài nước, có thể kể đến như: Giáo sư Toán không gian học Lê Bá Lãm, hiện sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ; Giáo sư, tiến sĩ viễn thông học Lê Bá Long, hiện công tác ở Trường Đại học Bưu điện thuộc Đại học quốc gia Hà Nội; Giáo sư, tiến sĩ kinh tế học Lê Bá Hải tốt nghiệp tại Anh, hiện đang công tác tại Trường Đại học Hoa Sen; Giáo sư, tiến sĩ Lê Cảnh Dũng, hiện công tác tại Đại học Cần Thơ… Điều đáng quý về sự học ở làng là các thế hệ đi trước luôn quan tâm, chăm lo cho thế hệ sau bằng sự hỗ trợ về vật chất, tặng học bổng… Những người thành đạt bằng việc học, bằng kinh doanh hay nhiều nghề nghiệp khác cũng luôn sẵn sàng ủng hộ cho quỹ khuyến học của xã, thôn, các dòng họ. Những nguồn lực này đã góp phần “tiếp sức” khuyến học cho con em của làng, nhất là con em các gia đình nghèo khó. Hằng năm, các họ tộc trong làng đều tổ chức định kỳ công tác phát thưởng, khuyến học, khuyến tài vào các dịp như ở Lễ hội chợ Đình Bích La đầu xuân, dịp Quốc khánh 2/9, rằm tháng 8, lễ tảo mộ.

Ông Lê Bá Phòng, bố của em Lê Bá Thành Đạt, sinh viên vừa tốt nghiệp xuất sắc ngành điện tử của Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh không khỏi tự hào chia sẻ rằng con trai mình sau khi ra trường đã được nhận vào làm cho một tập đoàn điện tử viễn thông của Hàn Quốc tại TP.Hồ Chí Minh. “Không chỉ Đạt, mà cả 3 đứa con còn lại của vợ chồng tôi đều học giỏi, chăm ngoan. Con gái thứ 2 của tôi cũng vừa đỗ vào Trường Đại học Y dược Đà Nẵng. Vợ chồng tôi cảm thấy hạnh phúc khi sự vất vả, cực nhọc của mình bao năm chăm lo việc học cho các con đã có những thành quả bước đầu. Gia đình tôi cũng như các gia đình khác trong làng luôn hết sức cố gắng chăm lo việc học cho con với ước mong các con có được tương lai tươi sáng”, ông Phòng chia sẻ.

Cũng như gia đình ông Phòng, đối với hàng trăm gia đình khác ở làng Bích La Đông này, dù hoàn cảnh khác nhau thì sự học luôn được họ đặt lên hàng đầu. Ông Lê Bá Dũng, Trưởng thôn Bích La Đông cho biết, từ những kết quả của phong trào khuyến học đã đạt được, thời gian tới thôn sẽ tiếp tục động viên, khuyến khích nhân rộng và nâng cao chất lượng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, xây dựng “Xã hội học tập” đi vào chiều sâu. Bên cạnh đó, kịp thời biểu dương, vinh danh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và giảng dạy. “Mong rằng các gia đình, các dòng họ, các mạnh thường quân tiếp tục chú trọng chăm lo, đồng hành ủng hộ cho phong trào khuyến học, khuyến tài của địa phương ngày càng phát triển. Để từ đó con em của làng gặt hái được thêm những thành quả tri thức, tạo lập tương lai vững chắc bằng trí tuệ của mình và đóng góp công sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”, ông Dũng chia sẻ thêm.

Hiếu Giang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=147400