Chăm lo tốt hơn, bảo vệ tốt hơn

Bằng nhiều hình thức và cách làm sáng tạo, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã và đang thực hiện tốt công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình mới, công tác này càng phải được chú trọng thực hiện tốt hơn nữa để tổ chức Công đoàn xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động.

Kịp thời ban hành các chương trình hành động

Nhìn lại những năm qua, nhất là trong giai đoạn 2018 - 2023, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã triển khai hiệu quả công tác đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động bằng nhiều hình thức và cách làm sáng tạo như: Phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động; tham gia xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến người lao động; thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức hiệu quả các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo chính quyền các cấp với công nhân lao động, đặc biệt là việc thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) với nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật… Từ đó, đảm bảo quyền lợi của đoàn viên, người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ và tạo dựng niềm tin của đoàn viên, người lao động đối với tổ chức Công đoàn.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh chủ trì khảo sát việc hướng dẫn thương lượng ký kết và thực hiện TƯLĐTT năm 2024 tại LĐLĐ quận Hoàng Mai. Ảnh: Nguyễn Công

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh chủ trì khảo sát việc hướng dẫn thương lượng ký kết và thực hiện TƯLĐTT năm 2024 tại LĐLĐ quận Hoàng Mai. Ảnh: Nguyễn Công

Bám sát tinh thần chỉ đạo trong Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” và thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết Đại hội XVII Công đoàn thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã xây dựng và ban hành Chương trình số 10/Ctr-LĐLĐ về “Nâng cao chất lượng công tác đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; đẩy mạnh hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT giai đoạn 2023 - 2028” (Chương trình số 10) với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cụ thể, sát với thực tiễn. Qua đó, nhằm tiếp tục thực hiện tốt hơn vai trò đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Theo chỉ tiêu đề ra trong Chương trình, đến hết nhiệm kỳ, có ít nhất 90% số vụ việc của đoàn viên có yêu cầu tổ chức Công đoàn tư vấn, tranh tụng về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng sẽ có đại diện Công đoàn tham gia hoặc được Công đoàn hỗ trợ. Ít nhất 85% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn đủ điều kiện đại diện, thương lượng, ký kết được TƯLĐTTtheo quy định của pháp luật, trong đó có ít nhất 55% TƯLĐTT được phân loại chất lượng đạt loại B trở lên.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, tổ chức Công đoàn Thủ đô sẽ tập trung triển khai các giải pháp: Đổi mới, nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tham gia xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở; phối hợp tổ chức tốt Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, Hội nghị người lao động, tổ chức đối thoại, thương lượng và ký kết TƯLĐTT. Đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền chính sách pháp luật đến đoàn viên, người lao động. Tăng cường đề xuất, phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật liên quan đến đời sống, việc làm của đoàn viên, người lao động. Tham gia ổn định tình hình quan hệ lao động, giải quyết tranh chấp lao động, đình công, ngừng việc tập thể. Phối hợp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, gắn với tăng năng suất lao động, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống, thu nhập cho đoàn viên, người lao động.

Tập trung các giải pháp nâng cao công tác chăm lo

Để chăm lo tốt hơn cho đoàn viên, người lao động, tổ chức Công đoàn Thủ đô sẽ tập trung triển khai các giải pháp: Đổi mới hoạt động chăm lo về vật chất và tinh thần theo hướng đảm bảo quyền an sinh xã hội và tạo sự khác biệt về quyền, lợi ích của đoàn viên Công đoàn so với người lao động. Duy trì, nâng cao chất lượng các hoạt động chăm lo thường xuyên và đột xuất. Nâng cao phúc lợi xã hội, phúc lợi doanh nghiệp; tham gia đề xuất các cơ chế, chính sách, các giải pháp về phát triển nhà ở và các thiết chế khác cho người lao động tại các Khu công nghiệp. Chủ động phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp ký kết chương trình phúc lợi đoàn viên; huy động các nguồn lực tài chính để chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Vận động, khuyến khích các hoạt động tự chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động tại cơ sở. Thực hiện hiệu quả hoạt động cho đoàn viên, người lao động vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm; nâng cao năng lực hoạt động của Quỹ trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình.

Tin tưởng rằng, với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, cùng với việc Ban Chấp hành LĐLĐ thành phố Hà Nội xây dựng và ban hành Chương trình số 10 với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cụ thể, sát với thực tiễn, thời gian tới, tổ chức Công đoàn Thủ đô sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Từ đó, ngày càng thu hút đông đảo người lao động tham gia tổ chức Công đoàn và xây dựng tổ chức Công đoàn phát triển vững mạnh.

Để đẩy mạnh hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT giai đoạn 2023 - 2028, tổ chức Công đoàn Thủ đô sẽ tập trung triển khai các giải pháp cụ thể. Về đối thoại, các cấp Công đoàn chủ động phối hợp với người đứng đầu chính quyền cùng cấp chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ và đối thoại tại nơi làm việc; định kỳ tổ chức gặp gỡ, đối thoại với đoàn viên, người lao động nhằm lắng nghe, kịp thời giải quyết những bức xúc, vướng mắc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, hạn chế đến mức thấp nhất tranh chấp lao động, đình công, ngừng việc tập thể xảy ra. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các bên tham gia đối thoại và tổ chức tập huấn năng lực, kỹ năng đối thoại cho cán bộ Công đoàn. Tăng cường giám sát quá trình thực hiện của các cấp, các ngành sau đối thoại, đảm bảo những đề xuất, kiến nghị được giải quyết triệt để, kịp thời, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Về thương lượng, ký kết TƯLĐTT, các cấp Công đoàn tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ Công đoàn về tầm quan trọng của TƯLĐTT trong hoạt động chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động của tổ chức Công đoàn. Tăng cường tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng thương lượng, ký kết TƯLĐTT cho đội ngũ cán bộ Công đoàn, nhất là cán bộ Công đoàn cơ sở. Việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT tập trung nâng cao chất lượng, chú trọng thương lượng về tiền lương, thưởng, chất lượng bữa ăn ca, cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động…

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cham-lo-tot-hon-bao-ve-tot-hon-174014.html