Chăm lo văn hóa đọc cho người trẻ

Bên cạnh các chương trình khuyến đọc thiết thực dành cho học sinh, sinh viên (HS, SV), thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng chất thư viện (TV), góp phần thay đổi thói quen đọc sách, tiếp nhận tri thức của người trẻ.

Bên cạnh các chương trình khuyến đọc thiết thực dành cho học sinh, sinh viên (HS, SV), thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng chất thư viện (TV), góp phần thay đổi thói quen đọc sách, tiếp nhận tri thức của người trẻ.

Cách đây ba năm, UBND thành phố thông qua chủ trương thực hiện dự án "Ðầu tư xây dựng hệ thống thư viện tiên tiến, hiện đại cho các trường học trên địa bàn thành phố theo chương trình kích cầu". Ðến thời điểm hiện tại, TV thông minh đầu tiên trong dự án này đã chính thức đi vào hoạt động và nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực. Ðây là một trong hai dự án trọng điểm đã được Thường trực UBND thành phố giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) trong việc thực hiện các mục tiêu đáp ứng yêu cầu hội nhập của thành phố. Ðưa vào sử dụng từ đầu năm học 2019 - 2020, TV tiên tiến, hiện đại của Trường THPT chuyên Trần Ðại Nghĩa (quận 1) đã tạo ra không gian dạy - học mới mẻ, kích thích sự sáng tạo cho HS, giáo viên. TV tiên tiến này có hệ thống máy chủ và 63 máy tính tra cứu dữ liệu trực tiếp với hơn 9.000 đầu sách giấy, gần 11 nghìn đầu sách điện tử, 403 tập tin phim ảnh và hơn 500 sách nói, hình ảnh tra cứu… Khi cơ sở vật chất được nâng cấp theo hướng xã hội hóa, nhà trường đã áp dụng hai mô hình "lớp học trong thư viện" và "thư viện trong lớp học" để tăng khả năng tương tác, tích lũy kiến thức của người học. Theo đó, bên cạnh việc đến học, tra cứu trực tiếp tại TV, HS có thể truy cập nguồn tài nguyên số ở bất kỳ nơi đâu vì sóng wifi phủ sóng toàn trường. TV này còn tích hợp hệ thống giảng dạy trực tuyến Learning Management System với các bài giảng số hóa, phần mềm thực tế ảo hỗ trợ nâng cao chất lượng cho giờ học thực tế.

Mới đây, tại hội nghị bàn về các giải pháp đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống TV tiên tiến, hiện đại cho các trường học trên địa bàn thành phố và giới thiệu nguồn vốn kích cầu đầu tư của thành phố, Phó Giám đốc Sở GD và ÐT thành phố Lê Hoài Nam cho biết: Thời gian tới sẽ có thêm nhiều cơ sở giáo dục phổ thông đẩy mạnh thực hiện mô hình này. Với tờ trình vừa được UBND thành phố thông qua, ngành GD và ÐT sẽ triển khai dự án nêu trên theo hai giai đoạn. Tổng nguồn vốn đầu tư là 14 tỷ đồng/dự án, bao gồm đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng TV, đầu tư thiết bị, phần mềm… Là một trong số 17 cơ sở giáo dục phổ thông được Sở GD và ÐT thành phố lựa chọn để triển khai dự án xây dựng hệ thống TV tiên tiến, hiện đại trong giai đoạn đầu tiên, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) đang chuẩn bị cho nhiều bước thay đổi trong thời gian tới. Thầy giáo Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sự thay đổi này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giúp người học dễ dàng tiếp cận với tri thức nhân loại, điều không thể thiếu trong thời đại công nghệ ngày nay. Theo tôi, điều quan trọng nhất là cần tiếp tục thí điểm ở một số trường chứ chưa nên áp dụng đại trà cho toàn thành phố. Khi đưa vào thực tế và có sự điều chỉnh phù hợp, chắc chắn mô hình này sẽ phát huy tốt giá trị hiện có.

Cùng với nỗ lực của ngành GD và ÐT và các trường học, nhiều năm trở lại đây, Văn phòng đại diện Hội Xuất bản Việt Nam tại phía nam, Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT), Ðường sách TP Hồ Chí Minh cùng các đơn vị làm sách đã có rất nhiều hoạt động quy mô góp phần phát triển văn hóa đọc cho người dân. Không chỉ định kỳ mỗi năm mà rất nhiều hội sách uy tín từ nhỏ đến lớn đã được thành phố tổ chức thành công, thu hút sự quan tâm của người dân, du khách, nhất là độc giả trẻ. Hàng loạt tọa đàm tìm giải pháp hình thành, phát triển thói quen đọc sách, duy trì văn hóa đọc trong cộng đồng đã được triển khai và thu về nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất thiết thực. Sau thành công của Hội sách Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh lần I (năm 2019), Sở TT và TT thành phố vừa phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố cùng các nhà xuất bản, công ty phát hành đã tổ chức Hội sách Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh năm 2020 với nhiều hoạt động, tọa đàm hấp dẫn.

Cách đây không lâu, bên cạnh việc triển khai hàng trăm chương trình tặng sách cho HS vùng sâu, vùng xa, Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng đại diện phía nam tại TP Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Ðường sách TP Hồ Chí Minh đã xây dựng bộ tài liệu tập huấn "Cách thức hỗ trợ HS phát triển thói quen đọc sách trong nhà trường", đồng thời tổ chức được bốn lớp tập huấn cho hơn 500 giáo viên phổ thông tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố lân cận. Không dừng lại ở những chuyến xe tri thức đến vùng sâu, vùng xa, những chương trình sách hay tận lớp học mà những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo sách mong muốn sớm có giờ đọc sách chính thức trong chương trình học phổ thông.

Giám đốc Công ty TNHH Ðường sách TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng cho hay: "Nếu có được tiết đọc sách trong chương trình chính khóa sẽ giúp hình thành và duy trì thói quen đọc sách của người dân từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đây là bước quan trọng để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Nhiều nước đã triển khai và đạt kết quả tốt, do đó chúng ta cần sớm đưa sách đến gần với HS, SV. Bên cạnh đó là việc tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, thủ thư để các thầy giáo, cô giáo giúp HS hình thành thói quen đọc sách hiệu quả. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chương trình khuyến đọc, giới thiệu danh mục sách hay cho các trường nhằm thúc đẩy văn hóa đọc sách trong các em nhỏ.

Bài và ảnh: GIA MỸ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/cham-lo-van-hoa-doc-cho-nguoi-tre-609353/