Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống: Cách làm hay ở Lộc Bình

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) là những hủ tục hiện vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Tại huyện Lộc Bình, nhờ sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến xã cùng hoạt động tích cực của đội ngũ cán bộ tuyên truyền, vận động ở cơ sở nên tình trạng tảo hôn, HNCHT trên địa bàn đã giảm đáng kể.

Trước đây, tình trạng tảo hôn, HNCHT trên địa bàn huyện Lộc Bình xảy ra ở mức cao, nhất là tại các xã đặc biệt khó khăn. Nhằm đẩy lùi tình trạng tảo hôn và HNCHT, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức, hành vi của người dân.

Đoàn viên, thanh niên xã Ái Quốc được tuyên truyền về nội dung chống tảo hôn, HNCHT

Đoàn viên, thanh niên xã Ái Quốc được tuyên truyền về nội dung chống tảo hôn, HNCHT

Bà Tạ Thị Thu Hương, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội - Dân tộc huyện cho biết: Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2025”, phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật đến người dân vùng đồng bào DTTS về hệ lụy của tảo hôn, HNCHT đối với sự phát triển của đời sống, kinh tế - xã hội. Trong đó, chú trọng tuyên truyền tại các xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn của huyện.

Theo đó, hằng năm, các ban, ngành, đoàn thể huyện đã tổ chức tuyên truyền về tảo hôn, HNCHT với các hình thức đa dạng như: lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các chương trình thông tin lưu động, sân khấu hóa; phối hợp xây dựng, đăng tải các tin, bài, phóng sự phản ánh về hậu quả của tảo hôn, HNCHT trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Các trường học trên địa bàn cũng thường xuyên lồng ghép tuyên truyền, cung cấp thông tin về Luật Bình đẳng giới, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản... đến học sinh thông qua hình thức sân khấu hóa, tổ chức sinh hoạt ngoại khóa.

Từ năm 2023 đến nay, toàn huyện đã tổ chức tuyên truyền được 110 cuộc tới hơn 8.000 lượt người nghe về hệ lụy của tảo hôn, HNCHT đối với sức khỏe, đời sống; tổ chức sinh hoạt chuyên đề và sinh hoạt ngoại khóa tại UBND các xã và 3 trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS các xã: Hữu Lân, Minh Hiệp, Xuân Dương; tổ chức 16 hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền vận động đồng bào DTTS và miền núi với gần 1.200 đại biểu tham dự; cấp phát 4.200 tờ rơi, tờ gấp về các nội dung liên quan…

Qua tuyên truyền, nhận thức của người dân trên địa bàn huyện về tảo hôn, HNCHT, nhất là tại các xã đặc biệt khó khăn đã có những chuyển biến rõ nét. Chị Vi Thị Hiệp, thôn Nà Pàn, xã Thống Nhất chia sẻ: Trước đây, thế hệ ông bà, cha mẹ tôi thường giữ quan niệm “nữ thập tam, nam thập lục”, nghĩa là nữ khi đến tuổi 13 và nam đến tuổi 16 có thể kết hôn, sinh con. Sau khi được nghe tuyên truyền về hậu quả của việc kết hôn, sinh con sớm, tôi nhận thấy việc tảo hôn ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và tâm lý của bà mẹ, trẻ em, hơn nữa gánh nặng kinh tế còn đè nặng trên vai. Vì vậy, tôi đã giáo dục 2 con của mình đang ở tuổi vị thành niên là không kết hôn sớm mà cần có công việc, thu nhập ổn định mới lập gia đình.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các thôn, bản trên địa bàn huyện đã đưa một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình vào quy ước, hương ước của thôn sao cho phù hợp, hiện 100% thôn, khối phố trong huyện đã tổ chức cho các gia đình ký cam kết không tảo hôn, HNCHT. Bên cạnh đó, công tác quản lý, thực hiện quy định của pháp luật trong lĩnh vực này được quan tâm, thực hiện nghiêm túc, trong 5 năm qua, UBND cấp xã đã xử phạt 10 trường hợp tảo hôn. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, giúp giảm thiểu tình trạng tảo hôn, HNCHT trên địa bàn.

Một trong những giải pháp nữa đó là việc triển khai mô hình điểm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS” tại xã Ái Quốc - xã đặc biệt khó khăn của huyện có tỷ lệ tảo hôn, HNCHT cao. Xã có 9 thôn, 2.193 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Dao chiếm đến gần 97%. Mô hình được triển khai từ năm 2021, UBND xã đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã và ban vận động ở 9 thôn về triển khai thực hiện mô hình với các thành viên gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn và chi hội trưởng các chi hội, đoàn thể. Các thành viên trong ban chỉ đạo xã và ban vận động thôn sẽ chủ động nắm bắt thông tin về các đối tượng có nguy cơ tảo hôn, các gia đình có ý định tổ chức cho con kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định để kịp thời có giải pháp tuyên truyền hiệu quả như: vận động dừng tổ chức đám cưới, hủy hôn...; phối hợp với trường THCS trên địa bàn để đưa nội dung tuyên truyền về hậu quả của tảo hôn đến học sinh, nhất là các em đang ở lứa tuổi dậy thì.

Ông Đặng Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Ái Quốc cho biết: Nhờ triển khai mô hình, nhận thức của người dân cũng được nâng lên, năm 2023, xã đã vận động dừng 2 đám cưới tảo hôn. Tình trạng tảo tảo hôn, HNCHT đã giảm rõ rệt, năm 2023 toàn xã có 18 cặp kết hôn nhưng không có trường hợp tảo hôn (giảm 6 trường hợp so với năm 2022); từ đầu năm 2024 đến nay xã cũng không ghi nhận trường hợp tảo hôn nào. Từ năm 2021 đến nay, xã cũng không còn tình trạng HNCHT.

Với những giải pháp trên, tình trạng tảo hôn, HNCHT trên địa bàn huyện Lộc Bình đã có chiều hướng giảm qua từng năm. Nếu như năm 2022, toàn huyện có 84 trường hợp tảo hôn thì năm 2023 giảm còn 45 trường hợp; 6 tháng đầu năm 2024 chỉ có 3 trường hợp. Từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện không có trường hợp HNCHT.

DƯƠNG KIM

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/giam-thieu-tao-hon-hon-nhan-can-huyet-thong-cach-lam-hay-o-loc-binh-5013851.html