Chăm lo xây dựng đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Quảng Trị đã và đang phát huy vai trò nêu gương, góp phần tích cực cùng đồng bào các dân tộc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ông Hồ Ta Đăng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Khối 6, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa luôn tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo - Ảnh: H.T

Ông Hồ Ta Đăng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Khối 6, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa luôn tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo - Ảnh: H.T

Huyện miền núi Hướng Hóa có 21 xã, thị trấn với 149 thôn, bản, khu phố. Tính đến cuối năm 2023, toàn huyện có 23.516 hộ/102.679 khẩu, gồm 3 dân tộc chính là Kinh, Vân Kiều, Pa Kô; trong đó người DTTS chiếm khoảng 50%. Từ năm 2020 đến nay, người có uy tín toàn huyện là 99 người/99 thôn, bản có đồng bào DTTS sinh sống.

Đội ngũ người có uy tín ở huyện Hướng Hóa có đầy đủ các thành phần như: già làng; trưởng dòng họ; trưởng thôn, bản; cán bộ hưu trí; người sản xuất, kinh doanh giỏi... là những người tiên phong, gương mẫu, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luôn đi đầu trong thực hiện các cuộc vận động và các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành phát động.

Ông Ăm Neng, người có uy tín ở thôn Vầng, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa cho biết: “Với vai trò là người có uy tín tại cộng đồng, tôi luôn học hỏi kinh nghiệm từ các già làng, trưởng bản đi trước trong việc tuyên truyền, vận động người dân tập trung làm ăn, phát triển kinh tế nhằm xóa đói, giảm nghèo.

Mặt khác, tôi còn tích cực động viên người dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đấu tranh với các loại tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự để bản làng ổn định, phát triển. Để dân bản tin tưởng và làm theo, tôi đã chăm chỉ lao động, sản xuất, nêu gương trong phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững với mô hình trang trại vườn- ao - chuồng cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Phát huy truyền thống của gia đình, quê hương cách mạng, dù tuổi cao, sức khỏe có giảm sút, nhưng tôi luôn sẵn lòng tham gia các hoạt động có ích cho xã hội”.

Tại huyện Đakrông, thời gian qua, những người có uy tín trong đồng bào DTTS luôn chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trở thành những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và giữ gìn an ninh trật tự tại các bản làng.

Là “cây cao bóng cả”, người có uy tín trong cộng đồng DTTS ở thôn La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông, hơn 35 năm nay, ông Hồ Văn Môn là một trong những người tích cực nhất trong phong trào tự quản đường biên, cột mốc cũng như xây dựng thế trận biên phòng toàn dân nơi biên giới. Với uy tín của mình, ông đã đến từng hộ gia đình tuyên truyền về tầm quan trọng của bảo vệ biên giới, kiên quyết đấu tranh với mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền, vượt biên trái phép; vận động Nhân dân nâng cao nhận thức, nắm và hiểu rõ các hiệp định, Luật Biên giới quốc gia của Việt Nam và Lào để cùng nhau thực hiện.

Ông còn thường xuyên động viên bà con vun đắp, giữ gìn mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào tại các bản giáp biên. “Là người có uy tín, tôi luôn xác định công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, trong đó có việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biên giới, bảo vệ đường biên, cột mốc. Sự đồng thuận tham gia của đồng bào sẽ tạo nên sức mạnh tập thể trong hiện thực hóa mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước”, ông Môn chia sẻ.

Tỉnh Quảng Trị hiện có 191 người có uy tín trong đồng bào DTTS ở 191 thôn, bản vùng DTTS tại 2 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông và 3 huyện có xã, bản miền núi là Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ. Nhờ có uy tín, kinh nghiệm và sự hiểu biết, am hiểu phong tục tập quán và thực tiễn địa phương, người có uy tín đã gương mẫu thực hiện trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương, 191 người có uy tín trong tỉnh còn là tấm gương sáng trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vận động người dân ở thôn, bản chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả cao...

Trong xây dựng nông thôn mới, đội ngũ người có uy tín đã ủng hộ, tham gia hiến đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi... Thông qua việc xây dựng quy ước, hương ước trong thôn, bản, người có uy tín đã động viên gia đình, con cháu, dòng họ và người dân phát huy dân chủ, thực hiện quy chế tự quản, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư; phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, tham gia ý kiến đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp.

Tại các cơ sở, địa phương, đội ngũ người có uy tín vừa là hội viên mẫu mực của các tổ chức chính trị - xã hội, vừa tích cực đi đầu, cung cấp cho các ngành chức năng nhiều nguồn tin có giá trị trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tệ nạn, tội phạm, các hoạt động trái pháp luật trên địa bàn.

Trong lĩnh vực văn hóa, đội ngũ người có uy tín có vai trò quan trọng trong việc khôi phục một số lễ hội dân gian truyền thống, sưu tầm, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, các nghề truyền thống của dân tộc mình; giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp và xóa bỏ những hủ tục, đặc biệt trong thực hiện việc cưới, việc tang và lễ hội truyền thống của các dân tộc.

Thực tiễn đã khẳng định, người có uy tín trong đồng bào DTTS ở bất kỳ giai đoạn nào cũng luôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Do vậy, để phát huy vai trò của lực lượng quần chúng đặc biệt này, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ người có uy tín thực sự là những người tiêu biểu, gương mẫu, là điểm tựa gắn kết giữa các dân tộc, là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đồng thời, không ngừng trao đổi, định hướng để người có uy tín trong đồng bào DTTS luôn nhận thức rõ vai trò của mình, thường xuyên đổi mới, nâng cao nhận thức theo sự vận động của xã hội để kịp thời thích ứng, phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của mình với cộng đồng.

Thu Hạ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/cham-lo-xay-dung-doi-ngu-nguoi-co-uy-tin-trong-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-188060.htm