Chạm miền đất Tổ

Tôi có một ước mơ tuy âm thầm nhưng không kém phần mãnh liệt, đó là sẽ cố gắng để có thể đặt chân lên khắp mọi miền trên đất nước. Và, tôi sẽ ưu tiên cho xứ Bắc, nơi tôi được sinh ra, nơi tôi đã xa cách hơn một phần tư thế kỷ nhưng lại luôn hiện diện trong một phần tính cách, một phần lời ăn tiếng nói hàng ngày của tôi.

Có một chuyến trở về xứ Bắc mà tôi chắc chắn rằng mình sẽ chẳng bao giờ có thể để nó mờ đi trong tâm trí. Đó là chuyến tôi đưa các con mình về miền đất Tổ, đúng dịp Quốc giỗ. Nhìn lũ trẻ háo hức chuẩn bị hành trang lên đường, tôi thấy mình như cũng trẻ lại, bởi với tôi, đây là lần đầu tiên được hành hương về miền đất ấy.

Chuyến đi thật vui và đầy may mắn. Nhưng có lẽ may mắn nhất với chúng tôi là được ở lại ngôi nhà của một bà “bầm” trong một xóm nhỏ ngoại ô TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tại sao tôi lại cho đó là một may mắn? Bởi nhờ vậy tôi đã được sống, được hòa mình thực sự vào đời sống lễ hội. Điều ấy khác hẳn với việc một khách du lịch ghé ngang, nghỉ lại trong khách sạn rồi đi xem hội.

Đêm trung du, trời đã rất khuya, tôi vẫn mơ màng trong tâm trạng nửa hư nửa thực. Thật khó có thể hình dung rằng, chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, từ Tây Nguyên thăm thẳm mịt mùng cách xa hàng ngàn cây số, tôi đã có thể ở đây mà nằm nghe những tán lá cọ xạc xào như thầm thì thật khẽ những câu chuyện tổ tông hàng ngàn năm trước. Lúc chiều, tôi đã kịp tranh thủ dạo bộ trên những con đường làng đầy dấu chân trâu, nhìn theo những tán cọ xòe tay đan vút vào ánh tà. Chiều trung du lốc cốc tiếng mõ trâu men theo những bờ cong tường đá loang lổ dấu thời gian. Cảnh vật thật giống với một chiều du mục nào đó tôi đã gặp trong những trang sách.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trời vừa tang tảng, tiếng gà vừa cất lên gọi ngày mới, đã nghe các bà, các chị gọi nhau đi hội. Họ hỏi nhau rằng có dậy đi hội không? Chao ôi! Điều may mắn với tôi chính là được nghe những tiếng gọi, những lời vừa như rủ rê vừa như hò hẹn ấy. Những lời ấy có lẽ đã tự nhiên sinh tồn vượt thời gian hàng ngàn năm trên đất này rồi. Nó khiến tôi có cảm giác thân thương ấm áp như một buổi mai được mẹ gọi dậy đi học, nó vừa văng vẳng thiết tha như tiếng gọi đò, lại như mớ bảy mớ ba nồng nã bước ra từ cổ tích. Chỉ mỗi cái tiếng gọi cất lên vọng qua bờ tường đá mốc thếch thời gian, vào lúc trời chưa kịp rõ mặt người, mà rồi cứ vẳng lên trong lòng tôi mỗi khi nhớ về miền trung du này.

Nhiều người bảo không thích đến chỗ lễ hội đông người. Muốn đi chơi thì tránh mấy ngày lễ ra cho vắng vẻ. Nhưng không đi thì làm sao cảm nhận được không khí “vui như hội”? Chúng tôi hôm ấy mướt mải mồ hôi, nhích từng bước chân theo dòng người lên tới điểm cao nhất trên đỉnh Nghĩa Lĩnh linh thiêng khi trời đã quá ngọ. Thế nhưng, ai cũng rạng rỡ tươi vui, có niềm gì đó thật khó mà diễn đạt cho chuẩn xác. Chỉ biết rằng, từ trên non cao, nơi cố đô xưa cha ông lập quốc, phóng tầm mắt ra bốn bề, thấy mình như đã thực sự chạm được tay vào những trang sách xưa sử cũ.

Trở về Tây Nguyên, các con tôi ríu rít kể cho nhau nghe, ríu rít nhắc lại với nhau mãi về chuyến đi. Nụ cười móm mém đôn hậu của những bầm, những bủ, chiếc quạt làm bằng lá cọ khô phe phẩy mát rượi tình người đêm xứ lạ, cả những lời hò hẹn cho lần sau gặp lại..., tất cả vẫn vẹn nguyên như vừa mới hôm qua đây thôi.

Tôi làm nghề dạy học. Với tôi, đọc cả ngàn trang sách, giảng cả ngàn lời hay cũng không bằng trông thấy người ngay việc thật. Những chuyến đi tự thân nó sẽ mang lại những thông điệp, những giá trị, có thể nhỏ bé thôi, giản dị thôi, nhưng gom góp lại sẽ trở thành hành trang mang theo trên suốt những dặm dài cuộc sống.

ĐÀO AN DUYÊN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12383/202004/cham-mien-dat-to-5676338/